Trăm nghìn tỷ đổ vào ao cá, vuông tôm
Theo thống kê của Agribank, trong khoảng 2-3 năm trở lại đây, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản là một trong những lĩnh vực được ngân hàng này tập trung khá mạnh hoạt động tài trợ tín dụng. Trong tổng dư nợ cho vay ngành thủy sản của Agribank tính đến hết năm 2022 đạt trên 40.000 tỷ đồng; có khoảng 38.700 tỷ đồng được cho vay vào các khách hàng cá nhân, hộ gia đình, gia trại nuôi tôm, nuôi cá da trơn và các loại thủy hải sản thông dụng; khoảng 1.500 tỷ đồng được cho vay vào các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu các mặt hàng tôm, cá, nhuyễn thể.
Theo Agribank có khoảng 56% tổng dư nợ cho vay thủy sản của ngân hàng này giải ngân tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong đó, nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp lớn như: Công ty TNHH Huy Nam, Công ty Long Phú (Kiên Giang); Công ty P&H, An Mỹ (An Giang); Công ty Quốc Đạt, Camimex (Cà Mau); Công ty Thái Minh Long, Trang Khanh (Bạc Liêu)… đều đã tiếp cận được hàng trăm tỷ đồng vốn vay ưu đãi theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.
Cụ thể tại An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, cho vay lĩnh vực nông sản, thủy sản các tháng đầu năm nay đều đạt kết quả tích cực. Theo thống kê của NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Tháp, đến cuối tháng 3/2023, tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn đối với các doanh nghiệp chế biến thủy sản và hộ nuôi tôm, nuôi cá da trơn đạt gần 12.350 tỷ đồng, chiếm khoảng 13% tổng dư nợ tín dụng và tăng khoảng 2.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Tại hệ thống các TCTD tỉnh An Giang, đến hết quý I/2023, dư nợ lĩnh vực nông lâm thủy sản đạt gần 28.100 tỷ đồng, chiếm 27% tổng dư nợ trên địa bàn.
Nhiều dự án nuôi tôm công nghệ cao tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất từ các NHTM. |
Không chỉ Agribank, từ đầu năm đến nay nhiều NHTMCP cũng đã tập trung tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực nông sản, thủy sản với nhiều ưu đãi khác nhau. Chẳng hạn, NamABank mới đây đã tung ra gói tín dụng 1.000 tỷ đồng, áp dụng cho khách hàng cá nhân, hợp tác xã liên kết sản xuất nông nghiệp xanh, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Ngân hàng cho vay ngắn hạn bằng VND với lãi suất thấp nhất là 8,99%/năm, hạn mức cho vay lên tới 3 tỷ đồng/khách hàng. NamABank cũng có sản phẩm cho vay nuôi tôm và đại lý phân phối tại ĐBSCL với mức lãi suất từ 7,5%/năm, thời hạn vay đến 60 tháng và tài trợ 100% nhu cầu vốn của dự án.
KienlongBank cũng vừa đưa ra chương trình giảm 1-2% lãi suất cho các gói tín dụng 4.000 tỷ đồng và 5.000 tỷ đồng, áp dụng cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân vay vốn sản xuất lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Tương tự, hệ thống BIDV triển khai gói 20.000 tỷ đồng, áp dụng cho các mô hình sản xuất nông nghiệp có chứng chỉ thực hành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tốt trong nước hoặc quốc tế. Mức lãi suất ưu đãi 7%/năm áp dụng đối với kỳ hạn dưới 6 tháng và từ 8%/năm đối với kỳ hạn dưới một năm.
Tín dụng ưu đãi đa dạng, xuyên suốt
Hiện nay nguồn cung tín dụng cho lĩnh vực nông lâm thủy sản nói chung được các NHTM đánh giá là khá đa dạng và nổi bật hơn nhiều lĩnh vực khác. Theo đó, hoạt động cho vay theo Nghị định 55/2015 và Nghị định 116/2018 của Chính phủ (về chính sách tín dụng tam nông) đều được các địa phương đẩy mạnh. Một số tỉnh, thành như Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang dư nợ cho vay không có tài sản đảm bảo theo Nghị định 55/2015 ghi nhận ở mỗi địa phương đến hết tháng 3/2023 cũng đã lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn cũng là một trong 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ, trang trại hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng đang được hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách khi vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ… Có thể nói, những ưu đãi về tín dụng cho lĩnh vực tam nông hiện vẫn đang được ngành Ngân hàng duy trì xuyên suốt với nhiều kênh tiếp cận đa dạng. Song song đó, việc thúc đẩy tài trợ vốn cho doanh nghiệp, nông hộ các ngành nghề nông, lâm thủy sản cũng được nhiều địa phương triển khai hiệu quả.
Tuy nhiên, hiện nay khó khăn chính của doanh nghiệp là thiếu đơn hàng xuất khẩu cũng như gặp các trở ngại liên quan đến thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu, trong khi áp lực cạnh tranh và phòng vệ thương mại ở các thị trường quốc tế tăng. Vì thế, những hỗ trợ về nguồn vốn tín dụng và lãi suất vay vốn chỉ là một khía cạnh giúp doanh nghiệp nông thủy sản phục hồi và tăng trưởng sản xuất kinh doanh. Để tạo ra sức bật mạnh mẽ hơn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh, thì Chính phủ và các bộ, ngành địa phương cần phải tích cực hơn trong hỗ trợ tài chính để nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng sản xuất. Đồng thời duy trì các chính sách giảm chi phí đầu tư như miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất; miễn, giảm các loại phí, lệ phí và tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu cho các ngành chủ lực như cá tra, tôm, đồ gỗ, lâm sản, lúa gạo và cây ăn trái.
Theo Thời báo Ngân hàng