Điện toán đám mây - “chìa khoá” của các nhà băng

Quỳnh Trang 15:39 18/04/2023

Điện toán đám mây tại Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất tại ASEAN nhờ quá trình tăng tốc chuyển đổi số quốc gia.

TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, ngành Ngân hàng là một trong những ngành đi đầu trong chuyển đổi số với quyết tâm cao từ chủ trương chính sách đến triển khai thực tế “Chiến lược phát triển công nghệ thông tin ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030”. Ngành Ngân hàng xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 60% ngân hàng Việt Nam sử dụng dịch vụ điện toán đám mây, đến năm 2030 tỷ lệ này tăng lên 100%. Để triển khai chiến lược này, NHNN đã ban hành Thông tư 09/2020/TT-NHNN, cho phép các ngân hàng đưa dữ liệu quan trọng, cấp độ 3, 4, 5 lên cloud (đám mây) nếu đảm bảo những quy định an toàn. Đây là quy định có tính bước ngoặt trong chuyển đổi số ngành Ngân hàng.

Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, nếu trước đây, nhiều ngân hàng cho rằng chuyển đổi số chỉ đơn thuần là thay đổi giao diện ứng dụng tương tác với khách hàng, chưa coi trọng đến các quy trình nội bộ, sử dụng khoa học phân tích dữ liệu và nâng cao năng lực cho nhân viên thì hiện nay, các ngân hàng Việt Nam đã hiểu được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động ngân hàng mà điện toán đám mây đóng vai trò hết sức quan trọng. Chính vì vậy, các ngân hàng đã và đang khai thác công nghệ này cho hoạt động quản trị hệ thống, sáng tạo dịch vụ mới...

VPBank vừa chính thức hợp tác với Amazon Web Services - công ty cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lớn nhất thế giới thuộc tập đoàn Amazon.com. Theo chia sẻ của bà Lưu Thị Thảo - Phó Tổng Giám đốc thường trực VPBank, hợp tác giữa VPBank và AWS sẽ tạo ra những đổi mới to lớn trong ngân hàng, “mở khóa” năng lực sáng tạo để đem đến cho khách hàng ngày càng nhiều những tính năng, dịch vụ tài chính mới. Thỏa thuận này cũng sẽ giúp tăng cường bảo đảm tính ổn định của hệ thống công nghệ ngân hàng, đáp ứng các tiêu chí cao nhất về bảo mật và an toàn thông tin, giúp khách hàng cảm thấy an tâm hơn mỗi khi tiến hành giao dịch, đặc biệt là trên môi trường số.

Là một ngân hàng sớm triển khai hệ sinh thái đám mây, ông Trần Nhất Minh - Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Dịch vụ Công nghệ VIB chia sẻ, ngân hàng định hướng chuyển sang hệ sinh thái đa đám mây nhằm đáp ứng nhu cầu về giải pháp công nghệ mới, hiệu quả trong việc mở rộng và tối ưu hóa chi phí. Lợi ích chính của việc chuyển sang điện toán đám mây là nâng tầm bảo mật cho dữ liệu của VIB, nhờ sử dụng Microsoft Azure với hơn 100 chứng chỉ tuân thủ. Mức độ bảo mật vượt trội dành cho khách hàng được thể hiện qua các lớp xác nhận và ủy quyền trước khi truy cập vào các tệp và dữ liệu. Điều này nâng cao khả năng phòng chống mã độc tống tiền và đe dọa về an ninh mạng, giúp hệ thống được bảo vệ tốt hơn.

Theo ông Minh, chuyển sang giải pháp đám mây đồng nghĩa với việc ngân hàng đã giảm đáng kể việc đầu tư chi phí và thời gian vào việc chọn lựa, cài đặt và thử nghiệm các máy chủ truyền thống. Nhờ đó, sự linh hoạt để mở rộng quy mô khi cần thiết cũng tăng lên. “Toàn bộ quá trình mua và cài đặt máy chủ, lưu trữ và phân bổ mạng lưới dữ liệu trước đây thường mất từ vài tháng đến khoảng một năm để hoàn tất. Trên đám mây, mọi thứ giờ đây chỉ mất tối đa hai tuần, điều này đã giúp chúng tôi nâng cao hiệu quả và tiết kiệm rất nhiều thời gian”, ông Minh thông tin thêm.

Các chuyên gia nhận định, sự phát triển của điện toán đám mây cho phép các ngân hàng tập trung nhiều hơn vào mô hình lấy khách hàng làm trung tâm, số hóa giao dịch. Các giải pháp đám mây tạo ra mối quan hệ đa kênh với khách hàng trên tất cả dịch vụ và cho phép lưu trữ, sao lưu và phục hồi hệ dữ liệu khổng lồ được sản sinh mỗi giờ của hệ thống ngân hàng. Không chỉ lưu trữ dữ liệu, nhiều dịch vụ khác như cung cấp phần mềm, chuyển giao, cập nhật và khôi phục dữ liệu cũng rất dễ dàng.

Chính vì vậy, có thể thấy điện toán đám mây là “chìa khoá” để các nhà băng hiện thực hoá chiến lược chuyển đổi số đi nhanh, đi xa, ổn định hơn, an toàn hơn; giúp đưa các dịch vụ tài chính tới không chỉ người dân thành thị, nông thôn tại Việt Nam mà còn nhắm đến đối tượng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc trên toàn thế giới.

Trong kỷ nguyên đám mây, thay đổi là đối sách sống còn của các ngân hàng, song theo ông Đoàn Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, NHNN, cũng có những thách thức mà ngành Ngân hàng phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi số lên đám mây. Đó là việc áp dụng các công nghệ mới, chuyển đổi các hệ thống cũ, đảm bảo an ninh mạng và hoàn thiện các vấn đề pháp lý liên quan.

Giới chuyên môn cho rằng, để các ngân hàng yên tâm chuyển đổi số, cần có hành lang pháp lý thật cụ thể cùng với việc thực hiện nghiêm ngặt các vòng bảo vệ an ninh mạng, lựa chọn nhà cung cấp tin cậy, giám sát chéo giữa các đối tác, tuân thủ các quy trình, tiêu chuẩn của các bên để bảo vệ dữ liệu trên đám mây khai thác hiệu quả, an toàn.

Thời báo Ngân hàng

Link gốc : https://thoibaonganhang.vn/dien-toan-dam-may-chia-khoa-cua-cac-nha-bang-138325.html

Bạn đang đọc bài viết Điện toán đám mây - “chìa khoá” của các nhà băng tại chuyên mục Tiền tệ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tiền tệ
Hiện CIC cung cấp các sản phẩm dịch vụ phục vụ NHNN; cơ quan quản lý nhà nước khác; tổ chức tín dụng, tổ chức tự nguyện; khách hàng vay; tổ chức thông tin tín dụng nước ngoài.
Mặc dù thu ngân sách có thể khó khăn hơn trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, song việc cân đối các mức hỗ trợ cũng là một phần của chính sách “khoan sức dân” để kích cầu tiêu dùng và sản xuất.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, dịch vụ ngân hàng bán lẻ sẽ là “át chủ bài” của các nhà băng trong năm nay cũng như thời gian tới để nâng tầm thương hiệu và cải thiện lợi nhuận.