Ngân hàng yếu kém nào sẽ được HDBank nhận chuyển giao?

/nhadautu.vn 17:10 05/09/2022

HDBank kỳ vọng, việc nhận chuyển giao bắt buộc sẽ là cơ hội để nhà băng này bứt phá, tăng quy mô. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ cơ chế ưu đãi bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm giúp HDBank có th

HDB2_1658223078913

HDBank sắp nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng. Ảnh: HDBank.

Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HoSE: HDBank) vừa công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về chủ trương tham gia thực hiện tái cơ cấu một tổ chức tín dụng theo hình thức nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại cổ phần được kiểm soát đặc biệt.

Cụ thể, HDBank trình cổ đông phê duyệt chủ trương khi nhận chuyển giao sẽ góp không quá 9.000 tỷ đồng vào vốn điều lệ. Sau đó, tùy theo lộ trình của phương án tái cơ cấu được duyệt, HDBank sẽ tiếp tục góp vốn sau.

Theo kế hoạch của HDBank, ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc sẽ hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do HDBank là chủ sở hữu 100% vốn điều lệ, là pháp nhân độc lập với HDBank, không thực hiện hợp nhất và được loại trừ khi tính tỷ lệ an toàn vốn. Khoản góp vốn không phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá và được loại trừ khi tính giới hạn góp vốn, mua cổ phần của HDBank.

Về lợi ích, HDBank cho biết việc nhận chuyển giao bắt buộc vừa thực hiện nhiệm vụ của ngành ngân hàng, vừa là cơ hội bứt phá để tăng quy mô. Đặc biệt, việc hỗ trợ cơ chế ưu đãi bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm giúp HDBank có thể tăng trưởng đột phá, chiếm lĩnh thị trường và trở thành một trong các ngân hàng top đầu trong 5 năm tới.

Bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) nhìn nhận, dù thông tin về ngân hàng mục tiêu vẫn chưa được tiết lộ, nhưng việc HDBank dự kiến góp trước 9.000 tỷ đồng và tích cực huy động vốn trong vài năm qua cho thấy nhà băng này có thể đang đàm phán các điều khoản tốt hơn của thương vụ này. Bên cạnh đó, việc tham gia tái cơ cấu sẽ giúp HDBank mở rộng mạng lưới kênh phân phối, tăng độ bao phủ...

Trước đây, HDBank đã từng có ý định nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank). Đề án sáp nhập đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về nguyên tắc, 100% cổ đông thông qua, hai ngân hàng cũng đã hoàn thành hồ sơ và đang thực hiện công tác chuẩn bị. Sau đó, HDBank đã trình tiếp hồ sơ xin chấp thuận chính thức. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc sáp nhập này không thành.

Bên cạnh kế hoạch tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng, HDBank cũng trình cổ đông phương án phát hành trái phiếu EMTN với tổng giá trị 900 triệu USD trong giai đoạn 2022-2024. Trái phiếu có kỳ hạn 3-10 năm, dự kiến được phát hành cho các nhà đầu tư quốc tế và niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Singapore (SGX).

Hiện tại, 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu gồm Ngân hàng Đông Á (DongABank) và 3 ngân hàng mua bắt buộc là Ngân hàng Xây dựng (CB), Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank), Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank).

Đầu tháng 2 năm nay, Thủ tướng cũng giục triển khai ngay việc xử lý, cơ cấu lại hai ngân hàng thương mại yếu kém đã được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương và tiếp tục xây dựng phương án xử lý, cơ cấu lại cho hai ngân hàng yếu kém còn lại.

Việc tham gia chương trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng đã được đề cập tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 của một số ngân hàng như Vietcombank và MBBank.

Link gốc : https://nhadautu.vn/ngan-hang-yeu-kem-nao-se-duoc-hdbank-nhan-chuyen-giao-d68756.html

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng yếu kém nào sẽ được HDBank nhận chuyển giao? tại chuyên mục Góc nhìn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Góc nhìn