Công ty chứng khoán MBS vừa có báo cáo phân tích về thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
MBS nhận định, Nghị định 153/2020/NĐ-CP điều chỉnh quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế ra đời giúp thị trường diễn biến khá an toàn.
Trong Quý 1, có 38.235 tỷ đồng TPDN được phát hành qua các kênh riêng lẻ và công chúng, giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó có tới 6.235 tỷ đồng được phát hành ra công chúng, chiếm khoảng 16% tổng khối lượng TPDN huy động. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với mức dưới 5% trong các năm gần đây, cho thấy chất lượng thị trường TPDN đang tiến bộ bởi kênh phát hành ra công chúng được đánh giá là minh bạch và công khai hơn.
Kỳ hạn bình quân gia quyền của các trái phiếu huy động là 3,5 năm,ngắn hơn 0,8 năm so với mức trung bình năm 2020. Lãi suất huy động bình quân 9,9%/năm, cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với bình quân năm 2020.
Nhóm Bất động sản là ngành đi đầu trong việc phát hành trái phiếu trong quý với 22,1 nghìn tỷ đồng TPDN được huy động, chiếm 73% tổng lượng trái phiếu phát hành. Lãi suất bình quân gia quyền của những trái phiếu bất động sản là 10,3%/năm, giảm 0,2 điểm phần trăm so với năm 2020 trong khi kỳ hạn bình quân là 3 năm.
Nhóm đứng thứ 2 về mặt khối lượng trái phiếu phát hành là nhóm Chứng khoán với gần 1,8 nghìn tỷ đồng. Thị trường chứng khoán liên tục lập các kỷ lục mới về điểm số, thanh khoản, số lượng tài khoản mới nên để đáp ứng nhu cầu về vốn kinh doanh, cho vay margin, các công ty chứng khoán đã kịp thời huy động vốn qua kênh trái phiếu. Mức lãi suất bình quân khoảng 8,4%/năm và kỳ hạn 1,4 năm, phù hợp với tình hình kinh doanh của nhóm này.
Mới chỉ có 2 ngân hàng phát hành trái phiếu trong quý 1 là Liên Việt Post Bank và VPBank với tổng khối lượng là 1,27 nghìn tỷ đồng. Mức lãi suất huy động cũng tương đối thấp khi lãi suất trái phiếu của VPBank là 3,9%/năm, trong khi của Liên Việt Post Bank là LSTC 2,3%/năm.
Các doanh nghiệp thuộc ngành Điện/Nước chưa huy động được nhiều trái phiếu trong quý với chỉ 1,1 nghìn tỷ đồng. Đặc thù về thời gian thu hồi vốn dài của ngành này nên kỳ hạn trái phiếu cao hơn trung bình, bình quân gần 10 năm. Lãi suất huy động cũng tương đối cao, khoảng 10%/năm.
Các doanh nghiệp khác phát hành 6,1 nghìn tỷ đồng trái phiếu từ đầu năm, trong đó Masan đã huy động được 1,4 nghìn tỷ đồng. Bình quân các trái phiếu có kỳ hạn 3,8 năm và lãi suất 10,4%/năm.