Tăng tốc gấp 3 lần
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 908/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020. Theo đó, danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 (phụ lục 1): Doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 gồm 120 doanh nghiệp.
Còn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg, năm 2020 phải thực hiện thoái vốn tại 28 doanh nghiệp, trong đó, có 02 doanh nghiệp là Tổng Công ty Thép Việt Nam và Công ty CP In Điện Biên sẽ chuyển về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và thực hiện thoái vốn trong năm.
Như vậy, trong năm 2020, tổng số doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg và Quyết định 908/QĐ-TTg là 146 doanh nghiệp.
Trong khi đó, báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính cho thấy, 06 tháng đầu năm, có 07 doanh nghiệp thuộc danh mục phải thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg với giá trị 87 tỷ đồng, thu về 252 tỷ đồng.
Lũy kế thoái vốn nhà nước tại 99 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 4.791 tỷ đồng, thu về 9.216 tỷ đồng.
Với tiến độ này, số lượng doanh nghiệp phải thoái vốn trong năm 2020 trong 6 tháng cuối là rất lớn, trung bình là hơn 20 doanh nghiệp/tháng. Tỷ lệ này đòi hỏi tiến độ thoái vốn trong 6 tháng cuối năm phải tăng tốc gấp 3 lần.
Cục Tài chính doanh nghiệp đánh giá, việc triển khai thoái vốn nhà nước theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg còn chậm, những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg với giá trị lớn là: Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng (còn phải thoái vốn tại 8/11 Tổng công ty cổ phần); Thành phố Hà Nội (còn phải thoái vốn tại 31/34 doanh nghiệp.
Về tiến độ cổ phần hóa DNNN, Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, trong 06 tháng đầu năm 2020, Cục nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa của 03 đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh Hậu Giang (phê duyệt phương án cổ phần hóa trong năm 2019).
Lũy kế giai đoạn 2016 - tháng 6/2020, đã có 174 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.126 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.748 tỷ đồng. Tuy nhiên trong 174 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 36/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch), số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch năm 2020 là 92 doanh nghiệp.
Có thể thấy, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp còn chậm, những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020: Thành phố Hà Nội cổ phần hóa 13 doanh nghiệp (04 Tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; Thành phố Hồ Chí Minh cổ phần hóa 38 doanh nghiệp (11 Tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa 06 doanh nghiệp (03 Tập đoàn, 03 Tổng công ty); Bộ Công Thương cổ phần hóa 04 doanh nghiệp (03 Tổng công ty, trong đó đã công bố giá trị 01 Tổng công ty); Bộ Xây dựng cổ phần hóa 02 Tổng công ty.
Trên cở sở kết quả cổ phần hóa, thoái vốn 6 tháng đầu năm 2020, Cục Tài chính doanh nghiệp nhận định, việc triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn đối với các doanh nghiệp theo kế hoạch trong 06 tháng còn lại năm 2020 là khó khả thi. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành kế hoạch nộp tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp (Quỹ) về NSNN theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội (số tiền phải thực hiện chuyển từ Quỹ vào NSNN năm 2020 là 38.500 tỷ đồng, trong đó chưa tính các nhiệm vụ chi cần thiết khác đã có chủ trương).
Công ty CP Hanel thuộc danh mục doanh nghiệp thoái vốn năm 2020 |
Đảm bảo công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường
Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các địa phương, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, DNNN cần tập trung các giải pháp tổ chức thực hiện. Cụ thể: Thứ nhất, các cơ quan quản lý nhà nước căn cứ chức năng, nhiệm vụ kịp thời nghiên cứu, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Thứ hai, tăng cường công tác chấp hành kỷ luật kỷ cương về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường, mang lại hiệu quả, lợi ích cao nhất cho nhà nước. Trong đó, các DNNN thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trình Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 và các văn bản sửa đổi, bổ sung.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa đến hết năm 2020 triển khai hoàn thành công tác xác định giá trị doanh nghiệp, xử lý tài chính, công bố giá trị doanh nghiệp trong năm 2020. Đồng thời, triển khai công tác thoái vốn theo quy định, kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quy định đối với các trường hợp thoái vốn gặp khó khăn, vướng mắc để điều chỉnh cho phù hợp.
Đặc biệt, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải lựa chọn thời điểm phù hợp để thực hiện bán cổ phần lần đầu (đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa) và thoái vốn, không thực hiện bán cổ phần, thoái vốn bằng mọi giá để đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, trong trường hợp cần thiết, cần phải giảm chi đầu tư từ nguồn cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp để đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước.
Đối với người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, cơ quan đại diện chủ sở hữu cần chỉ đạo thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật; Đối với các doanh nghiệp đã cổ phần hóa và chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, đề nghị thực hiện quyết toán công tác cổ phần hóa; xác định số phải nộp/tạm nộp và thực hiện nộp về Quỹ theo quy định, trường hợp không đảm bảo thời gian thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân và chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này; Thực hiện bàn giao các doanh nghiệp thuộc diện phải bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC theo đúng quy định hiện hành.
Người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo kế hoạch đã đề ra, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả triển khai công tác cơ cấu lại DNNN, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ khi không hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ đã giao. Thường xuyên đôn đốc, giám sát, kịp thời tháo gỡ hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn.
Theo TCDN