Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại lần thứ 2, gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Việt Nam nói riêng và kinh tế thế giới nói chung. Thống kê chỉ ra, trong 7 tháng đầu năm 2020, có 63.461 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 10,9% so với cùng kỳ 2019. Trung bình mỗi tháng có 9.065 doanh nghiệp đóng cửa, tương đương mức bình quân hơn 300 doanh nghiệp đóng cửa mỗi ngày. Trong đó, có 32.722 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Đây là mức tăng cao nhất về số lượng đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong các kỳ 7 tháng giai đoạn 2015-2020, thể hiện sự ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 đến việc tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp. Theo nhận định từ giới chuyên gia, năm nay dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam tương đối thấp.
Trao đổi về tình hình trên, Chuyên gia kinh tế Trần Thọ Đạt - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, hiện các dự báo cụ thể về tăng trưởng của các tổ chức đưa ra khá nhiều, tương đối cập nhật, song thường xuyên thay đổi, từ những thông tin, đánh giá, nhận xét, ông Đạt nhận định khả năng kinh tế sẽ tăng trưởng khoảng 3% trong cuối năm nay.
“Để đạt được mục tiêu này, trong một khoảng thời gian ngắn, nền kinh tế phải tạo đáy, trong những tháng còn lại của nền kinh tế phải có những động lực tăng trưởng để cho tốc độ tăng trưởng phải đi lên từ những quý sau thì chúng ta mới đạt được tốc độ tăng trưởng 3% vào cuối năm”, ông Đạt phân tích.
Bên cạnh đó, PGS. TS. Tô Trung Thành, Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho hay, dịch Covid-19 lần này là một cơ hội để chúng ta nhìn nhận lại cơ chế, thể chế của nền kinh tế với những giải pháp căn cơ dài hạn hơn trong tương lai. Theo đó, cần thay đổi về mô hình tăng trưởng, cần có sự cải thiện mạnh mẽ về thể chế kinh tế.
Một trong những tiêu chí thành phần trong bộ chỉ số ở đây chính là môi trường kinh doanh và thương mại quốc tế. Đây cũng là một trong những điểm nghẽn Việt Nam phải khắc phục trong thời gian tới để đảm bảo gia tăng mức độ phát triển kinh tế và cải thiện hơn nữa, tạo động lực hơn nữa cho sự phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân.
“Quan trọng nhất là cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt tạo môi trường bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, đây là điểm mà tôi thấy chúng ta vẫn chưa cải thiện đáng kể. Đây là điểm nghẽn chúng ta cần tập trung khắc phục trong thời gian tới”, PGS. TS. Tô Trung Thành nhấn mạnh.
Đồng thời, các chuyên gia kinh tế cho rằng, mức tăng trưởng của những tháng cuối năm có thể đạt được ở kịch bản lạc quan hay không phụ thuộc lớn vào điều hành chính sách tài khoá, tiền tệ, tăng trưởng tín dụng và đầu tư công. Một vấn đề khác, trong thời gian tới Việt Nam phải tính toán thay đổi nguồn cung để không quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Thế nhưng, để làm được điều này cần rất nhiều thời gian và nỗ lực của doanh nghiệp, Chính phủ…