Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 61/2021/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 trên thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, tác động sâu rộng tới đời sống kinh tế - xã hội, để đảm bảo tính khách quan, khả thi trong xây dựng dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022, Thông tư đã hướng dẫn:
Một, về thu NSNN, (i) xây dựng dự toán thu NSNN năm 2022 phải bám sát bám sát tình hình kinh tế - xã hội, tài chính thế giới và trong nước, trong bối cảnh tiếp tục đối mặt nhiều rủi ro, khó khăn, thách thức, tác động của dịch bệnh Covid-19 và các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, từ đó, tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi chính sách pháp luật về thu, gia hạn thời gian nộp thuế, giảm phí, lệ phí và thực hiện lộ trình cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện các biện pháp cải cách hành chính, hiện đại hoá công tác quản lý thu; tăng cường công tác quản lý, chống thất thu, chống chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế, quản lý chặt chẽ giá tính thuế; tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế; quyết liệt xử lý giảm tỷ lệ nợ đọng thuế và kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế.
Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 dựa trên các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số. |
(ii) Việc thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển nhượng vốn nhà nước và thu chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp hiện do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (nếu có) được lập dự toán đầy đủ và thực hiện nộp NSNN theo đúng quy định của pháp luật.
(iii) Đối với thu viện trợ không hoàn lại, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương xây dựng dự toán năm 2022 bao gồm cả các dự án viện trợ được quy định tại Nghị định số 50/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai. Ngoài ra, các khoản viện trợ đã được tiếp nhận (từ năm 2021 trở về trước), chưa có dự toán được giao, thì các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương lập và tổng hợp vào dự toán năm 2022 để được hạch toán, quyết toán theo chế độ quy định;
Hai, về chi NSNN, đối với chi đầu tư phát triển, Thông tư hướng dẫn việc lập dự toán nguồn NSNN (bao gồm cả nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức, nguồn thu tiền sử dụng đất, nguồn thu xổ số kiến thiết, thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển nhượng vốn nhà nước và thu chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp hiện do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) theo quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý nợ công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025.
Đối với chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 yêu cầu quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch và thực hiện chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ; chủ động rà soát các chính sách, nhiệm vụ trùng lắp, sắp xếp thứ tự ưu tiên các khoản chi thực hiện theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện năm 2022 để hoàn thành các nhiệm vụ, chương trình, dự án, đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở nguồn NSNN được phân bổ và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Để bảo đảm việc thực hiện các mục tiêu Nghị quyết số 18-NQ/TW, đối với dự toán chi thường xuyên nguồn NSNN của cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể Thông tư cũng đã hướng dẫn các bộ ngành xác định quỹ lương tính theo biên chế được giao hoặc theo Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, xác định cụ thể các tác động tăng hoặc giảm quỹ lương năm 2022 so với năm 2021; đồng thời, thực hiện tiết kiệm tối thiểu 10% chi thường xuyên (ngoài chi lương, các khoản đóng góp theo lương theo quy định, các khoản chi cho con người) so với dự toán năm 2021, trên cơ sở hạn chế tối đa mua sắm xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền, thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công theo quy định, tiết giảm các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách như: đoàn ra, đoàn vào, khánh tiết, hội thảo, hội nghị..., tăng chi từ nguồn thu sự nghiệp công; dành nguồn tăng chi đầu tư phát triển, cải cách tiền lương, thực hiện chuẩn nghèo, chi trợ cấp xã hội.
Theo Tài chính Doanh nghiệp