Cải cách hành chính ngành Ngân hàng: Kiến tạo nền kinh tế thị trường cạnh tranh

THỜI BÁO NGÂN HÀNG 11:38 06/12/2020

Nhìn lại 10 năm cải cách hành chính (CCHC), giai đoạn 2010 - 2020, NHNN đã có một bước tiến dài đáng trân trọng. Không chỉ là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) hoàn thiện hệ thống thể chế ngân hàng .

Thành tựu cải cách đã kết nối toàn hệ thống thành một thể thống nhất, thông suốt từ hoạt động điều hành CSTT đến cung ứng dịch vụ, chung tay cùng Chính phủ kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi, minh bạch. Điều đó càng làm đậm thêm tính nhân văn, ưu việt trong đường lối lãnh đạo của Đảng trên con đường xã hội chủ nghĩa bằng nhiều chính sách nhất quán. Các chính sách tín dụng hỗ trợ đến nhiều đối tượng khó khăn, yếu thế và gắn lợi ích của các TCTD với lợi ích của người dân, DN và trên hết là lợi ích của dân tộc, của đất nước. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú - Thủ trưởng hành chính cơ quan NHTW, thành viên Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ chia sẻ cùng Thời báo Ngân hàng.

cai cach hanh chinh nganh ngan hang kien tao nen kinh te thi truong canh tranh dam tinh xa hoi chu nghia
Phó Thống đốc Đào Minh Tú làm việc với Techcombank về tình hình triển khai Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Được biết cuối quý 3, NHNN đã có chương trình kiểm tra CCHC một số TCTD. Sự vào cuộc của cả hệ thống ngân hàng là điểm “khác lạ”, đột phá, tạo nên thành công của NHNN trong công cuộc CCHC những năm qua phải không, thưa ông?

Đúng vậy. Đây là điểm khác biệt trong hoạt động CCHC của NHNN những năm qua.

Bản chất của CCHC chính là sự thúc đẩy cả quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất xã hội cùng phát triển đồng nhịp. Cụ thể việc hoàn thiện thể chế, CCHC là việc chúng ta đã từng bước làm sáng rõ con đường phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng trên con đường đó cần có sự kiểm tra, giám sát để những cỗ xe DN thấy rõ hướng đi và đi đúng hướng. Theo quan điểm này, mối quan hệ hành chính với hệ thống các TCTD được đặt ra với mục tiêu thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước để hoàn thiện tính thị trường và thúc đẩy sự phát triển của thị trường tiền tệ. Hiển nhiên rằng, sự phát triển của thị trường tiền tệ sẽ kéo theo sự phát triển của hệ thống DN và người dân theo quan hệ nhân quả về lợi ích.

Do vậy, cùng với việc chỉ đạo xác định rõ hướng đi, NHNN thường xuyên kiểm tra giám sát các hoạt động có tính hành chính của TCTD. Mặc dù TCTD bản chất cũng là DN, nhưng với tính chất của một ngành dịch vụ chủ chốt và nhạy cảm trong nền kinh tế có quan hệ trực tiếp với người dân và DN, nên cần phải đặt ra trách nhiệm thường xuyên cải cách các thủ tục trong quan hệ tiền tệ tín dụng, thanh toán đảm bảo sự thuận lợi, hài hòa cao nhất cho người dân và DN.

Kiểm tra vừa qua tại các TCTD và các cuộc kiểm tra trước đó tại các đơn vị trực thuộc NHNN cho thấy, so với hơn 10 năm trước, các sản phẩm, hoạt động của các đơn vị trong toàn Ngành đã có một bước tiến dài với sự đổi mới quyết liệt mà tiền đề là việc triển khai Đề án Đơn giản hoá TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 - 2010 (Quyết định số 30/QĐ-TTg). Lúc bấy giờ với một số lượng khổng lồ các quy chế, thủ tục… việc nhận diện ra thủ tục nào giữ lại hay bãi bỏ, sửa đổi là vấn đề lớn. Song bằng quyết tâm và nỗ lực, chỉ đến tháng 7/2009 NHNN đã trở thành bộ ngành đầu tiên trong cả nước hoàn thành trước thời hạn công bố Bộ TTHC đầy đủ. Và cũng chỉ 1 năm sau đó hoàn thành phương án đơn giản hóa TTCH với mức cắt giảm chi phí tuân thủ trên 30%.

Đây là bước đột phá và thành công lớn, làm nền tảng để NHNN có những bước đi nhanh và mạnh mẽ hơn trong việc triển khai Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 (Nghị quyết 30C/NQ-CP). Kết quả của 2 thời kỳ CCHC quyết liệt 2010-2015 và 2016-2020, cùng việc triển khai các nghị quyết cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ từ năm 2014 đến từng TCTD với các tiêu chí định tính và định lượng cho từng năm đã hiện hữu rõ trong hoạt động toàn Ngành và nền kinh tế.

Công tác cải cách TTHC trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng ngày càng minh bạch, tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân trong các giao dịch hành chính với NHNN. Mục tiêu đảm bảo mức độ hài lòng của tổ chức, công dân về giải quyết TTHC của NHNN đạt trên 80% vào năm 2020 đang kề đích.

Tổ chức bộ máy của NHNN được cải cách và kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Hệ thống thể chế về tiền tệ, ngân hàng được rà soát, xây dựng dần hoàn thiện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trọng tâm hiện đại hóa toàn Ngành áp dụng công nghệ tiên tiến đã tạo ra sự thúc đẩy chung, góp phần chuẩn hóa các hoạt động hành chính, dịch vụ, tiết giảm chi phí, quan trọng hơn là liên thông, liên kết trong vận hành các hoạt động toàn ngành Ngân hàng.

Tiến xa hơn một bước, NHNN đã sớm hoàn thành kế hoạch xây dựng Chính phủ điện tử tại NHNN, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hoạt động hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công của NHNN. Đồng thời kiến tạo nền tảng cho hệ thống các TCTD tham gia vào việc hỗ trợ dịch vụ công của các bộ ngành và địa phương.

Những nỗ lực này dẫn đến CCHC của ngành Ngân hàng thể hiện trong tất cả quan hệ kinh tế giữa NHTM, DN và người dân. Đây là một trong những kết quả lớn nhất trong CCHC của NHNN, góp phần đưa CCHC của Ngành lan tỏa trong toàn bộ nền kinh tế, trực tiếp hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh cũng như thực hiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, không để ai bị bỏ lại phía sau.

cai cach hanh chinh nganh ngan hang kien tao nen kinh te thi truong canh tranh dam tinh xa hoi chu nghia
Với TCTD, cải cách chính là công cụ để tiếp cận thị trường, tạo niềm tin cho DN và người dân

Là người đã nhiều năm lãnh đạo chỉ đạo công tác CCHC của NHNN, điều mà ông tâm đắc nhất trong hành trình CCHC của NHNN là gì?

Điều mà tôi mừng nhất, vừa là bí quyết, cũng như vừa là nguyên nhân cho sự thành công trong công cuộc CCHC của Ngành, vừa là điểm quan trọng nhất của CCHC đó chính là nhận thức rõ ràng về mục tiêu, tính cấp bách, trách nhiệm chính trị của lãnh đạo các cấp trong Ngành và sự chuyển biến thực sự trong hành động quyết liệt của cả hệ thống ngân hàng.

Trước đây mọi người nhận thức CCHC, TTHC mang tính chất hình thức, hô hào. Nhưng đến nay rõ ràng mọi người nhận thức đây là một công cụ, giải pháp thực hiện mục tiêu giải phóng sức lao động, giải phóng nguồn lực. Nó góp phần tháo gỡ những ách tắc cản trở trong quan hệ kinh tế và những quan hệ phải thực hiện theo pháp luật vốn bị gò bó trước đây không đồng bộ, cồng kềnh, thiếu rõ ràng. Hiệu quả từ cải cách không chỉ mang lại lợi ích cho DN và người dân, mà còn mang lại lợi ích cho chính bản thân các TCTD, và cái lớn hơn là mang lại lợi ích cho xã hội.

Nhận thức ấy không chỉ ở các cấp lãnh đạo mà còn ở từng cán bộ nhân viên trong Ngành. Với NHNN, cải cách góp phần nâng cao vị thế, nâng cao hiệu lực quản lý điều hành, nâng cao chất lượng công vụ công chức. Với TCTD, cải cách chính là công cụ để tiếp cận thị trường, tạo niềm tin cho DN và người dân, từ đó mở rộng thị trường, đạt được mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận. CCHC vì thế không còn mang tính hình thức, thay vào đó là sự tự nguyện cũng như yêu cầu bắt buộc phải tuân theo từ quy luật phát triển. Tất nhiên khi nhận thức đúng thì sẽ có hành động đúng. Như với TCTD, là sự chuyển dịch quan hệ với người dân và DN sang cộng sinh, vận hành theo cơ chế thị trường, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

Kết quả của sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động này đã đưa đến thành tựu rõ ràng cho Ngành trong công cuộc phát triển kinh tế đất nước, được Chính phủ và xã hội ghi nhận với 5 lần liên tiếp đứng đầu Bảng xếp hạng CCHC các bộ ngành Par-index 5 năm vừa qua.

Hành trình CCHC 10 năm khép lại để chuẩn bị sang một thời kỳ mới, vậy NHNN đặt mục tiêu gì với chiến lược CCHC 10 năm tới (2021-2030), đặc biệt trong bối cảnh nhiều đột biến khó lường như Covid-19, thưa ông?

Cùng với những thành quả đã đạt được, trong chiến lược CCHC tới đây NHNN tiếp tục tập trung triển khai liên tục và có hiệu quả 3 trụ cột và 6 nội dung trong CCHC nhằm kiến tạo môi trường kinh doanh nói chung và trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng nói riêng ổn định, an toàn, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật và tôn trọng các quy luật thị trường làm tiền đề thúc đẩy đầu tư sản xuất phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, trong giai đoạn này NHNN sẽ không đặt nặng mục tiêu cải cách TTHC khi 10 năm qua đã giảm hơn 80% dần về ngưỡng tới hạn. Thay vào đó một trong những định hướng lớn và cũng là một mũi nhọn đột phá CCHC của ngành Ngân hàng trong giai đoạn tới đó là ứng dụng công nghệ tài chính, công nghệ ngân hàng và chuyển đổi số để thúc đẩy kinh tế số đáp ứng yêu cầu phát triển của một ngành kinh tế tổng hợp có độ mở cao trong hội nhập kinh tế quốc tế. Cùng với đó là xu hướng các TCTD ngày càng vươn xa ra ngoài biên giới lãnh thổ và là ngành được dự báo chịu sự biến đổi sâu sắc nhất bởi công nghệ 4.0.

Trong một thế giới phẳng thì ít nhất ở Việt Nam chúng ta, mục tiêu hướng tới là ngân hàng “không khoảng cách” với các giao dịch ngân hàng dựa trên nền tảng số là xu hướng trong những năm tới. Tuy nhiên, hiện đại hóa, số hóa phải không để tạo ra lỗ hổng mất an toàn an ninh. Vì vậy, tới đây NHNN sẽ chỉ đạo toàn Ngành tiếp tục hiện đại hóa tổng thể từ hoạt động dịch vụ đến công tác quản lý, hệ thống báo cáo tài chính, thanh tra giám sát. Đây là nền tảng để NHNN nâng cao hiệu lực hiệu quả thực thi vai trò quản lý nhà nước của mình; không để bỏ trống, bỏ sót quyền năng quản lý nhà nước cũng như lỗ hổng trong quản lý pháp lý dẫn tới thiệt hại cho nhà nước. Đồng thời, giúp các TCTD nâng cao hiệu suất cung ứng dịch vụ, ứng dụng công nghệ cao, tiết giảm chi phí hoạt động cho DN và người dân.

Bên cạnh việc tăng cường việc ứng dụng công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo, NHNN tiếp tục định hướng các TCTD cải cách tập trung vào đi đôi với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đó chính là đội ngũ cán bộ ngân hàng có năng lực quản lý và kinh doanh, làm việc với trách nhiệm cao, ý thức phục vụ tốt; đạo đức công chức công vụ luôn được tôn trọng. Chúng tôi cũng xác định đây là nhân tố quyết định cho sự phát triển nhanh và bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, đưa trình độ phát triển của ngành Ngân hàng Việt Nam ngang bằng và có bản sắc riêng với các ngân hàng lớn trong khu vực và trên thế giới.

Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Phó Thống đốc!

Link gốc : https://thoibaonganhang.vn/cai-cach-hanh-chinh-nganh-ngan-hang-kien-tao-nen-kinh-te-thi-truong-canh-tranh-dam-tinh-xa-hoi-chu-nghia-109448.html

Bạn đang đọc bài viết Cải cách hành chính ngành Ngân hàng: Kiến tạo nền kinh tế thị trường cạnh tranh tại chuyên mục Ngân hàng nhà nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Ngân hàng nhà nước