Cụ thể, dựa trên cơ sở kế thừa Thông tư số 22 năm 2016 và Thông tư 15 năm 2018 về mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước quy định ngân hàng thương mại chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán tại năm trước liền kề; trừ trường hợp mua theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Ngoài ra, ngân hàng thương mại không được mua trái phiếu (bao gồm mua từ phát hành lần đầu và mua lại từ các tổ chức, cá nhân khác) của doanh nghiệp phát hành có phát sinh nợ xấu tại tổ chức tín dụng mua và tại tổ chức tín dụng khác trong vòng 12 tháng gần nhất tính đến thời điểm quyết định mua.
Theo thuyết minh của ban soạn thảo, quy định này nhằm hạn chế tổ chức tín dụng không kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu dưới 3% nhưng vẫn mua bán trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời góp phần hạn chế nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng…
Dự thảo thông tư cũng quy định ngân hàng thương mại không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ (đảo nợ) của chính doanh nghiệp phát hành.
Bởi lẽ, theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua đã phát sinh việc ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cụ thể, trong điều kiện doanh nghiệp phát hành trái phiếu vẫn gặp khó trong sản xuất, kinh doanh, không có khả năng trả nợ gốc và lãi trái phiếu đến hạn, từ đó phát hành thêm trái phiếu để tiếp tục cơ cấu lại nợ.
Đặc biệt, ngân hàng thương mại không được mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác. Qua công tác kiểm tra hoạt động của tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã phát hiện một số trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu với mục đích thực hiện chương trình, dự án đầu tư của doanh nghiệp, tăng quy mô vốn hoạt động, nhưng thực tế là huy động vốn để góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp khác...
Điều này khiến ngân hàng khó kiểm soát được mục đích sử dụng vốn, dòng tiền từ nguồn phát hành trái phiếu, tình hình thực hiện dự án.
Được biết, lũy kế 8 tháng, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đạt 237.729 tỷ đồng, tăng 50,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhóm tài chính ngân hàng dẫn đầu với giá trị phát hành thành công là 70.0138 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 29,5% tổng giá trị phát hành riêng lẻ. Đứng thứ 2 là nhóm ngành bất động sản với giá trị phát hành 59.076 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 24,9%. Nhóm tập đoàn đa ngành có giá trị phát hành 20.271 tỷ đồng, chiếm 8,7%. Các ngành còn lại đạt mức 87.544 tỷ đồng, chiếm 36,9%.
Liên quan đến việc một số ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp của một số doanh nghiệp bất động sản, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, các ngân hàng huy động vốn có tỷ trọng cao là vốn ngắn hạn, nên các khoản đầu tư như chứng khoán và bất động sản thường là dài hạn có rủi ro nhất định về thanh khoản, đòi hỏi phải thẩm định khả năng thu hồi vốn, đánh giá dòng tiền trong tương lai chặt chẽ.
“Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo các vụ cục chức năng của mình thường xuyên theo dõi, báo cáo về tình các tổ chức tín dụng, nếu nhận thấy có rủi ro sẽ lập tức có văn bản cảnh báo”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Hiện các ngân hàng đang lần lượt ra báo cáo tài chính quý 3 và 9 tháng đầu năm 2020. Điểm đáng chú ý trong hoạt động kỳ này là nợ xấu nội bảng và nhu cầu nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp cùng có xu hướng tăng tại phần lớn các ngân hàng.