Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng

THỜI BÁO NGÂN HÀNG 16:30 30/05/2021

Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng khẳng định, bằng các giải pháp, cơ chế chính sách, ngành Ngân hàng và các bộ ngành khác thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ giao tiếp tục thực hiện ..

Chính sách tiền tệ đang hiệu quả

Cuối tuần qua, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard&Poor’s Global Ratings (S&P) đã ra báo cáo đánh giá về Việt Nam, trong đó giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, và nâng triển vọng của Việt Nam từ Ổn định lên Tích cực. Điều đó có nghĩa kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện đến nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế gồm Moody’s, S&P và Fitch nâng triển vọng lên Tích cực. Điều này khẳng định sự đánh giá cao của các tổ chức xếp hạng đối với thành công của Chính phủ Việt Nam trong việc quyết tâm cao, điều hành quyết liệt để thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa phục hồi và phát triển kinh tế, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh.

Theo đánh giá của TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, lý do khiến Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng đồng loạt nâng triển vọng lên mức “Tích cực” là nhờ hiệu quả trong công tác phòng chống dịch Covid-19, tăng trưởng GDP thuộc top cao nhất thế giới. Bên cạnh đó là nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ linh hoạt với nhiều cơ chế mở cùng mặt bằng lãi suất phù hợp giúp nền kinh tế phục hồi, khả năng thu hút dòng vốn FDI và xuất khẩu tăng trưởng…

Ông Andrew Jeffries - Giám đốc ADB Việt Nam cũng đánh giá tích cực các chính sách tài khóa và tiền tệ của Chính phủ Việt Nam. Theo đó, chính sách tài khóa và tiền tệ đã được áp dụng một cách linh hoạt và hiệu quả giúp cho nền kinh tế được vận hành ổn định và giữ được đà tăng trưởng trong tình hình kinh tế thế giới bị suy thoái.

Có thể thấy, những điểm sáng của kinh tế Việt Nam đã được cả thế giới ghi nhận. Tuy nhiên, thời điểm này, sự quay trở lại lần thứ 4 của dịch Covid-19 đang tác động đến thành trì kinh tế Việt Nam. Dù chưa tính toán chính xác mức độ thiệt hại đối với nền kinh tế do đợt dịch Covid lần này, nhưng nhìn từ thực tế có thể thấy rõ tác động. Một số khu công nghiệp lớn tạm thời đóng cửa, nhiều loại hình kinh doanh nhỏ đang ngừng hoạt động phòng chống dịch…

Là một ngành kinh tế tổng hợp với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, ngành Ngân hàng được dự báo cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, TS. Võ Trí Thành nhận định, diễn biến dịch bệnh phức tạp đang làm đứt gẫy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng hồi phục kinh tế, chi phí đẩy tăng lên đang tạo áp lực lạm phát... Do vậy, từ nay đến cuối năm 2021, điều hành chính sách tiền tệ tương đối vất vả khi vừa phải đáp ứng mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế lại vừa đảm bảo không để xảy ra rủi ro bong bóng tài sản, xa hơn là hệ lụy nợ xấu cho ngân hàng.

Nhìn vào các chỉ số kinh tế vĩ mô tại thời điểm hiện nay như tăng trưởng, lạm phát, cán cân thương mại, tỷ giá…, TS Nguyễn Đức Độ - chuyên gia tài chính cho rằng, có thể nói NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ tương đối hiệu quả. Đặc biệt, những chính sách thiết thực nhất để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh cũng đã được NHNN nhanh chóng ban hành như hạ lãi suất, ban hành các chính sách giãn nợ của Thông tư 01 và mới đây là Thông tư 03 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ…

Thận trọng điều hành chính sách tiền tệ

Trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đang bùng phát tại nhiều địa phương, cũng có ý kiến đề nghị nên nới lỏng thêm chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc nới lỏng chính sách tiền tệ rất khó thực hiện trong bối cảnh áp lực lạm phát đang ngày càng lớn khi mà giá nhiều mặt hàng nguyên vật liệu như xăng dầu, sắt thép, thức ăn chăn nuôi… liên tục tăng giá trong thời gian gần đây.

Theo PGS. TS. Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), hiện sức ép lạm phát đang tăng lên, giá cả nguyên vật liệu đầu vào trên thế giới cao, việc kích thích kinh tế bằng nới lỏng tiền tệ, tài khóa dễ gây bất ổn vĩ mô, gây hệ lụy bong bóng giá tài sản.

Trong khi theo đánh giá của một chuyên gia ngân hàng, khu vực sản xuất có hấp thụ được dòng vốn giá rẻ trong thời gian tới hay không còn phụ thuộc vào sự hồi phục của nền kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu trên cơ sở tốc độ triển khai tiêm chủng vaccine phòng dịch bệnh Covid-19. Do đó, việc NHNN Việt Nam tiếp tục nới lỏng thêm chính sách tiền tệ là việc khó xảy ra trong thời gian tới.

Có chung quan điểm thận trọng, TS. Võ Trí Thành cho rằng, việc nới lỏng chính sách tiền tệ không chỉ áp lực lên lạm phát mà còn gây hệ lụy rủi ro tài chính, ảnh hưởng đến sự an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế. “Bên cạnh hướng đến đạt mục tiêu kép, yếu tố quan trọng nhất là phải giữ được ổn định vĩ mô và cải tổ đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng. Do vậy, trong điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục phải linh hoạt khéo léo, theo dõi chặt chẽ, bám sát diễn biến của nền kinh tế để đưa ra quyết định chính xác”, TS. Thành khuyến nghị và nhấn mạnh, muốn hồi phục nền kinh tế thì điều kiện tiên quyết là chúng ta phải sớm khống chế được bệnh dịch. Thậm chí, có thể xem xét cân đối điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng thấp hơn chút so với kỳ vọng nếu dịch bệnh còn diễn ra phức tạp để đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong bối cảnh áp lực lạm phát tăng lên, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, NHNN vẫn tiếp tục chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát dưới 4%. Điều hành tỷ giá linh hoạt giữ tương đối ổn định hỗ trợ xuất nhập khẩu, trả nợ nước ngoài... Ngoài ra, TS. Lực đề xuất cần nâng cao hiệu quả hơn nữa trong phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa gắn quan điểm điều hành, kiểm soát lạm phát với yêu cầu phục hồi, tăng trưởng kinh tế cả ngắn hạn và trung - dài hạn để ứng xử phù hợp. Trong đó, chú trọng thực hiện các giải pháp hỗ trợ tài khóa và tiền tệ đúng, trúng, hiệu quả và tăng cường phối hợp liều lượng, thời điểm điều tiết thị trường, nhất là thị trường trái phiếu. Việc phối hợp chặt chẽ với chính sách điều hành giá cả, trong đó việc tăng giá các mặt hàng Nhà nước quản lý cần được tính toán kỹ lưỡng, có đánh giá tác động và giải pháp phù hợp. Vấn đề rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu cần phải theo dõi sát từ đó, có đánh giá tác động và giải pháp phù hợp đối với Việt Nam.

Về phía ngành Ngân hàng, mới đây, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng khẳng định, bằng các giải pháp, cơ chế chính sách, ngành Ngân hàng và các bộ ngành khác thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ giao tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu kép vừa kiểm soát dịch Covid-19 vừa hỗ trợ nền kinh tế.

Link gốc : https://thoibaonganhang.vn/dieu-hanh-chinh-sach-tien-te-linh-hoat-than-trong-114962.html

Bạn đang đọc bài viết Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng tại chuyên mục Ngân hàng nhà nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Ngân hàng nhà nước