Đã đến lúc thận trọng với cổ phiếu ngân hàng?

KINH TẾ SÀI GÒN 07:09 18/05/2021

Giá cổ phiếu nhiều ngân hàng đang liên tục lập nên đỉnh mới nhờ vào kết quả kinh doanh tăng mạnh mẽ bên cạnh các thương vụ tăng vốn hay thoái vốn.

Những đỉnh cao lịch sử

Trong phiên giao dịch đầu tuần này, các cổ phiếu ngân hàng tiếp tục bứt phá mạnh mẽ, duy trì xu hướng tăng và vẫn là đầu tàu số 1 kéo thị trường chung đi lên. Tính từ đầu tháng 5 đến nay, chỉ qua năm phiên giao dịch, cổ phiếu Techcombank và KienLong Bank đã tăng 20%, HDBank tăng 17%, VietinBank và MBBank tăng 13%, VIB và VPBank tăng 10%,... Không ít trong số này đã liên tục lập nên đỉnh mới và hiện đang ở mức giá cao nhất trong lịch sử.

Ngoài kết quả kinh doanh quí 1 tăng trưởng mạnh mẽ, tiếp nối một năm 2020 lãi “khủng”, cũng như kế hoạch chia cổ tức mạnh tay trong năm nay, chất xúc tác giúp cổ phiếu một số ngân hàng tăng giá mạnh còn đến từ kế hoạch thoái vốn hoặc dự kiến tăng mạnh được vốn điều lệ, cũng như khả năng sẽ ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục trong năm nay.

Với VPBank là thương vụ bán 49% vốn FE Credit cho tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG) của Nhật Bản ở mức định giá FE Credit lên đến 2,8 tỉ đô la; MBBank và VietinBank dự kiến tăng mạnh vốn điều lệ trong năm nay, từ đó mở rộng quy mô kinh doanh và sẽ có một năm lãi lớn.

Hay như Techcombank cũng được dự báo sẽ lãi khủng trong năm 2021 nhờ lợi thế tiền gửi không kỳ hạn tiếp tục tăng và hệ số NIM (chênh lệch phần trăm giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả) tiếp tục được mở rộng. Techcombank hiện là ngân hàng niêm yết có lãi suất huy động thấp nhất hiện nay, trong khi phân khúc cho vay của ngân hàng này tập trung vào mảng khách hàng cá nhân vay mua nhà, ô tô với lãi suất cao hơn so với mặt bằng chung.

Tương tự, KienLong Bank sau khi xử lý nợ của một nhóm khách hàng với tài sản bảo đảm là cổ phiếu STB của Sacombank, năm nay có thể sẽ chứng kiến mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của ngân hàng này.

Rủi ro nợ xấu vẫn lớn nhất

Lãi phải thu từ hoạt động tín dụng của nhiều ngân hàng tăng mạnh trong năm 2020, dẫn đến việc chưa phản ánh thực chất kết quả kinh doanh của ngân hàng, tức có ngân hàng vẫn ghi nhận lãi dự thu vào kết quả lợi nhuận nhưng thực chất chưa thu được lãi từ khách hàng.

Tuy nhiên, đà tăng mạnh của cổ phiếu ngân hàng trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong hơn ba tháng qua, khiến không ít nhà đầu tư thận trọng bắt đầu lo ngại, nhất là khi nhìn vào những rủi ro và thách thức mà ngành này đang đối mặt trong thời gian tới. Rủi ro lớn nhất vẫn là nguy cơ nợ xấu trong bối cảnh dịch bệnh thỉnh thoảng lại bùng phát, khiến các hoạt động trong nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng mang tính cầm chừng, ảnh hưởng lên doanh thu và khả năng trả nợ vay.

Mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện 10 nội dung hạn chế rủi ro tín dụng khi nhận thấy rủi ro đang ngày càng gia tăng tại nhiều ngân hàng. Cụ thể, qua công tác theo dõi, giám sát tình hình hoạt động của năm 2020, NHNN nhận thấy nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng so với năm 2019, đặc biệt tỷ lệ nợ xấu của một số công ty tài chính tiêu dùng ở mức cao và tăng cao so với năm trước, trong khi nợ xấu cấp tín dụng đối với khách hàng lớn (doanh nghiệp có tổng mức cấp tín dụng từ 500 tỉ đồng trở lên) cũng tăng so với cuối năm 2019.

Đáng lưu ý là dòng vốn có xu hướng tập trung rót trở lại các kênh đầu tư rủi ro như bất động sản, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, trong đó phần lớn tập trung vào trái phiếu của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Trong khi đó, chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống và dư nợ tín dụng qua thẻ tín dụng cũng suy giảm mạnh so với cuối năm 2019.

NHNN cũng chỉ ra những vấn đề mà giới phân tích đề cập suốt thời gian qua, đó là lãi phải thu từ hoạt động tín dụng của nhiều ngân hàng tăng mạnh trong năm 2020, dẫn đến việc chưa phản ánh thực chất kết quả kinh doanh của ngân hàng, tức có ngân hàng vẫn ghi nhận lãi dự thu vào kết quả lợi nhuận nhưng thực chất chưa thu được lãi từ khách hàng.

Nỗi lo ngại về nợ xấu không phải là thiếu cơ sở khi mà báo cáo tài chính quí 1 mới đây của các ngân hàng tiếp tục chứng kiến nợ xấu gia tăng. Như nợ xấu tại ACB tăng tới 60,5% so với đầu năm, lên 2.954 tỉ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,59% lên gần 1%.

Nợ xấu của Vietcombank tăng hơn 47%, lên 7.647 tỉ đồng, trong đó riêng nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng gần gấp đôi - lên gần 1.312 tỉ đồng và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng gấp hơn 8 lần - lên 1.935 tỉ đồng, theo đó tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ 0,62% lên 0,88%.

Tại MBBank, tổng nợ xấu tính đến cuối quí 1 tăng 29% so với đầu năm, lên mức gần 4.184 tỉ đồng, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn tăng gấp 2 lần - lên hơn 1.857 tỉ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 1,1% đầu năm lên 1,3%.

Cả ba ngân hàng nói trên đều được đánh giá có chất lượng quản trị rủi ro khá tốt và nghiêm túc trong việc chuyển nhóm nợ, do đó bức tranh tại ba ngân hàng này phần nào phản ánh được xu hướng chung hiện nay.

Trước nỗi lo về nợ xấu có thể tăng vọt, mới đây NHNN cũng đã ban hành Thông tư 03 (sửa đổi Thông tư 01) và có hiệu lực từ ngày 17-5-2021, tạo điều kiện cho các ngân hàng tiếp tục được tái cơ cấu các khoản vay của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Theo thông tư này, trong năm nay các ngân hàng buộc phải trích lập tối thiểu 30% dự phòng của các khoản vay đã được tái cơ cấu vì dịch Covid-19, do đó những ngân hàng nào có nợ tái cơ cấu lớn sẽ chịu áp lực chi phí dự phòng đáng kể.

Đã đến lúc thận trọng?

Trong khi đó, trước diễn biến hoạt động tín dụng đang có nguy cơ chảy vào các tài sản rủi ro từ năm ngoái đến nay, nhà điều hành gần đây cũng cho biết sẽ có giải pháp kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán. Điều này dĩ nhiên sẽ kìm hãm tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng, đặc biệt đây lại là những phân khúc mang lại biên lợi nhuận khá lớn nhờ có lãi suất cho vay cao, do đó cũng sẽ tác động lên lợi nhuận.

Một thách thức khác là biên độ lãi suất của các ngân hàng có thể chịu áp lực co lại trong thời gian tới, khi mà dư địa giảm lãi suất đầu vào gần như không còn, căn cứ trên khung lãi suất tiền gửi hiện nay được cho đang ở mức đáy còn áp lực lạm phát vẫn hiển hiện, trong khi lãi suất cho vay có khả năng sẽ cần phải giảm thêm để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay theo định hướng của nhà điều hành. Thực tế trong các cuộc họp đại hội đồng cổ đông mới đây, lãnh đạo nhiều ngân hàng cũng tuyên bố sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay và dĩ nhiên điều đó sẽ ảnh hưởng lên lợi nhuận.

Trong khi đó, kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ dù sẽ mở ra cơ hội cho các ngân hàng đẩy nhanh quy mô hoạt động kinh doanh, nhưng cũng sẽ kèm theo hai rủi ro là cổ phiếu bị pha loãng và ngân hàng có thể kinh doanh mạo hiểm hơn để đảm bảo duy trì các hệ số sinh lời.

Bất chấp những rủi ro và thách thức kể trên, bên cạnh những nhà đầu tư thận trọng và không giấu được nỗi lo ngại, không ít nhà đầu tư khác vẫn đang say sưa với cổ phiếu ngân hàng khi nhóm này vẫn đang là tâm điểm thu hút dòng tiền, ít nhất là trong ngắn hạn. Dù vậy, một khi thị trường chung đảo chiều và bước vào giai đoạn điều chỉnh, không loại trừ khả năng nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ là nạn nhân đầu tiên và có thể chịu áp lực giảm mạnh hơn.

Link gốc : https://www.thesaigontimes.vn/316221/da-den-luc-than-trong-voi-co-phieu-ngan-hang.html

Bạn đang đọc bài viết Đã đến lúc thận trọng với cổ phiếu ngân hàng? tại chuyên mục Ngân hàng nhà nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Ngân hàng nhà nước