Phát biểu tại "Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô" ngày 7/12, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã công bố 1 dữ liệu đáng chú ý về tình hình cho vay của hệ thống ngân hàng.
Cụ thế, doanh số cho vay của hệ thống đến thời điểm báo cáo đạt 17,6 triệu tỷ đồng, cao hơn cả năm 2021 (17,4 triệu tỷ đồng). Thống đốc cũng nhận định khả năng con số này có thể đạt trên 19 triệu tỷ đồng khi kết thúc năm 2023.
"Đây là con số lớn nhưng tại sao tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 9,15%", Thống đốc đặt vấn đề.
Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước lý giải tình trạng này là do hệ thống ngân hàng vẫn cấp vốn tín dụng cho nền kinh tế nhưng chủ yếu tập trung cho vay ngắn hạn, vòng quay vốn diễn ra bình thường.
"Điều này cho thấy mắc ở đây tín dụng cho vay trung, dài hạn khó khăn. Khó khăn chủ yếu do yếu tố khách quan", Thống đốc đánh giá.
Theo Thống đốc, tín dụng của các nước trên thế giới cũng đều tăng chậm không riêng Việt Nam do tổng cầu thế giới giảm. Cũng như các nước trên thế giới, đối với bài toán vốn trung, dài hạn tại Việt Nam cũng cần thận trọng làm sao huy động vốn ngắn hạn chỉ cho vay ngắn hạn, đảm bảo khả năng chi trả khi người dân rút tiền.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cũng cho biết, mặc dù triển khai nhiều giải pháp và đã đóng góp tích cực thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn chưa như kỳ vọng đặt ra. Đến ngày 30/11/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt khoảng 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với cùng kỳ các năm. Phó Thống đốc đã chỉ ra một số nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan. Trong đó, tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao chủ yếu từ các yếu tố khách quan.
Về nguyên nhân khách quan, Phó Thống đốc chỉ ra một số nguyên nhân như: Cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế gặp khó khăn. Đầu tư, SXKD, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng; Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong khi việc triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, Quỹ Phát triển DNNVV... chưa phát huy hiệu quả; Khó khăn từ thị trường BĐS tác động đến khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm BĐS trong khi tín dụng BĐS chiếm tỷ trọng khoảng 21% trong tổng tín dụng chung...
Phó Thống đốc cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như đối với Chương trình 120.000 tỷ đồng, các quy định pháp luật liên quan đến dự án NOXH (quỹ đất, trình tự, thủ tục mua bán, định giá…) còn nhiều vướng mắc; số lượng dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư rất ít; mới có 23 UBND tỉnh, thành phố công bố/gửi danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án xây dựng, cải tạo lại chung cư cho NHNN và Bộ Xây dựng để các NHTM có thể tiếp cận, thẩm định dự án; một số chủ đầu tư chưa đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định; một số điều kiện đối với người mua nhà không còn phù hợp, nguồn thu nhập và khả năng trả nợ của khách hàng mua nhà bị ảnh hưởng do tình hình kinh tế, SXKD khó khăn, cầu ở mức thấp.
Bên cạnh đó, Phó Thống đốc cũng nêu một số vướng mắc qua công tác thanh tra, giám sát như: Khả năng huy động vốn trung, dài hạn của các TCTD còn thấp so với nhu cầu của nền kinh tế; Khách hàng vay có tình hình tài chính kém lành mạnh, sử dụng vốn vay sai mục đích, đầu tư, kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến không trả được nợ vay; Nợ xấu có xu hướng tăng tại một số TCTD, làm hạn chế khả năng cấp tín dụng; Xử lý nợ xấu còn khó khăn, vướng mắc liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm, tài sản giữ hộ, trong đó phần lớn là nhà và đất, việc áp dụng thủ tục rút gọn theo yêu cầu của Tòa án theo Nghị quyết 42/2017/QH14 gặp khó khăn, chưa thực hiện được.
Về nguyên nhân chủ quan, Phó Thống đốc cho biết, mặc dù lãi suất cho vay của các TCTD đã giảm đáng kể trong thời gian qua, tuy nhiên lãi suất cho vay ở một số NHTM còn ở mức khá cao. Một số ngân hàng thiếu mạnh dạn cấp tín dụng, còn thận trọng, lo sợ nợ xấu tăng. Việc thực hiện cơ chế TSĐB nhiều lúc còn thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp. Thiếu sự kết nối của khách hàng và ngân hàng để trực tiếp trao đổi, tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn.