Ngân hàng Nhà nước đứng đầu về chỉ số cải cách hành chính lần thứ 5 liên tiếp

TDVN 10:32 04/06/2020

Theo kết quả công bố Chỉ số CCHC năm 2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đạt điểm cao nhất 95.4/100 điểm và tiếp tục xếp vị trí thứ nhất. Đây là lần thứ 5 liên tiếp NHNN đứng đầu.

Ngày 19/5/2020, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính Phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2019 của các Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2019. Theo kết quả công bố Chỉ số CCHC năm 2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đạt điểm cao nhất 95.4/100 điểm và tiếp tục xếp vị trí thứ nhất. Đây là lần thứ 5 liên tiếp NHNN xếp vị trí số 1 về CCHC trong các Bộ, cơ quan ngang bộ.

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Nhận thức yêu cầu tất yếu, khách quan của CCHC và quyết liệt trong chỉ đạo

Trong 7 năm đánh giá CCHC theo chỉ số Par inex của Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần trong Top 3 và liên tiếp 5 năm gần đây xếp vị trí dẫn đầu, có thể nói đây là thành tích rất tự hào của ngành Ngân hàng trong những năm vừa qua. Đồng thời theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, chỉ số Tiếp cận tín dụng của Việt Nam luôn có sự cải thiện và duy trì thứ hạng cao so với các quốc gia trên thế giới.

Theo báo cáo về Môi trường kinh doanh 2020 được Nhóm Ngân hàng Thế giới công bố ngày 24/10/2019, chỉ số tiếp cận tín dụng, tăng 5 điểm và tăng 7 bậc, đứng thứ 25/190 nền kinh tế (vượt mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là tăng ít nhất 1 bậc trong năm 2019), đứng thứ 2 trong các nước ASEAN (sau Brunei). Trong đó, chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng của Việt Nam đạt điểm tối đa 8/8 điểm. Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam là một điểm sáng, thể hiện sự quyết tâm của NHNN trong việc chỉ đạo các TCTD tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch. Như vậy, có thể khẳng định CCHC đã được NHNN rất chú trọng và triển khai đạt hiệu quả cao.

CCHC có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước, được Chính phủ đặc biệt chú trọng và xác định là một trong những khâu đột phá chiến lược để đưa nước ta cơ bản thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Nhận thức sớm yêu cầu CCHC trong ngành Ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc sâu rộng với cơ hội và thách thức đan xen, CCHC là xu hướng tất yếu khách quan để ngành Ngân hàng hội nhập và phát triển ngang tầm các ngân hàng trong khu vực và thế giới. NHNN đã xác định rõ các định hướng, mục tiêu và xây dựng kế hoạch CCHC tổng thể và hết sức cụ thể trong từng giai đoạn 5 năm và hàng năm và thường xuyên rà soát, bổ sung; trên cơ sở đó kiên trì bền bỉ chỉ đạo và tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ trong toàn Ngành.

Quan điểm của NHNN trong CCHC còn thể hiện một sự nhất quán chặt chẽ giữa các giải pháp cải cách trong hệ thống NHNN và các giải pháp cải cách của hệ thống các TCTD và xác định đây là một nội dung trọng tâm trong chiến lược tái cơ cấu của ngành Ngân hàng. CCHC là cơ hội, yêu cầu tất yếu để từng hệ thống TCTD phát triển, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ, sức cạnh tranh với các ngân hàng trên thế giới.

Đổi mới phương thức phục vụ của ngành Ngân hàng

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, mục tiêu xuyên suốt là đẩy mạnh 6 lĩnh vực CCHC trong hệ thống NHNN gắn với đổi mới phương thức phục vụ của ngành Ngân hàng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và phải tạo chuyển biến rõ nét về cải thiện môi trường kinh doanh trong hoạt động ngân hàng; Mọi cải cách thủ tục hành chính thực chất là các giải pháp nhằm tăng thêm khả năng tiếp cận tín dụng và các dịch vụ tiền tệ ngân hàng đối với doanh nghiệp và người dân trong toàn bộ quy trình, điều kiện và thủ tục vay vốn và cung ứng dịch vụ tiền tệ ngân hàng.

“Quan điểm và trọng tâm trong điều hành của NHNN là điều hành chính sách tiền tệ và đẩy mạnh cải cách hành chính để đảm bảo mục tiêu kép vừa thúc đẩy sự phát triển của hệ thống doanh nghiệp, phục vụ người dân, đồng thời giảm thiểu rủi ro trong hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh tích cực bền vững", Phó Thống đốc chia sẻ.

Nhờ sự quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành của NHNN, sự nỗ lực chung trong toàn Ngành, cả 6 lĩnh vực thuộc chương trình tổng thể CCHC nhà nước và các nhiệm vụ về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đều đạt được những kết quả tích cực.

Trong lĩnh vực cải cách thể chế, NHNN đã xây dựng trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD, ban hành quy định mới quản lý hoạt động tín dụng, cho vay của các TCTD... Hoàn thiện khuôn khổ chính sách tiền tệ, điều hành tỷ giá đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả huy động và phân bổ nguồn vốn trong nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm mạnh mẽ từ giai đoạn triển khai Đề án 30 từ năm 2010 đến nay, với hơn 80% TTHC trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng đã được cắt giảm, đơn giản hóa đáp ứng tốt yêu cầu giao dịch hành chính đơn giản thuận tiện cho người dân và Doanh nghiệp.

Đối với hệ thống các TCTD, mặc dù cũng là doanh nghiệp, tuy nhiên với tính chất là doanh nghiệp phục vụ, nên NHNN đã chỉ đạo phải đẩy mạnh cải cách, đổi mới và xác định đây là một nhóm nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch CCHC chung của ngành Ngân hàng.

Những cải cách đồng bộ và liên tục và bền bỉ của NHNN cùng các TCTD nhiều năm qua nền tảng để kiến tạo môi trường kinh doanh tiền tệ, ngân hàng ổn định, an toàn, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh. Đồng thời đảm bảo mọi người dân và doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận đầy đủ, thuận tiện với các dịch vụ tài chính, ngân hàng có chất lượng từ đó duy trì ổn định mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong vòng 10 năm qua của nước ta liên tục ở mức cao.

Định hướng CCHC trong thời gian tới

Về định hướng CCHC, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: “Hiện nay, NHNN đang tổng kết 10 năm thực hiện chương trình tổng thể CCHC nhà nước theo Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ và đồng thời cũng đang xây dựng kế hoạch CCHC của Ngành trong 10 năm tới. Quan điểm về cải cách trong 10 năm tới của NHNN sẽ tập trung triển khai liên tục và có hiêu quả các lĩnh vực CCHC nhằm kiến tạo môi trường kinh doanh nói chung và trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng nói riêng ổn định, an toàn, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật và tôn trọng các quy luật thị trường thúc đẩy đầu tư sản xuất phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh triển khai toàn diện 6 lĩnh vực CCHC, trọng tâm vào 3 trụ cột đó là cải cách hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại hóa phương thức điều hành; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Thứ hai, tiếp cận, ứng dụng nhanh công nghệ hiện đại đi đôi với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đưa các sản phẩm tiện lợi, an toàn nhất cho doanh nghiệp và người dân trong các lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, thanh toán.

Thứ ba tiếp tục cải cách trong toàn Ngành để tăng cường minh bạch, công khai các hoạt động tài chính, quản lý tài chính công, trong đó có lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, thanh toán.

Cuối cùng, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế nói chung và hệ thống các TCTD nói riêng bằng kết quả của Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và các chương trình CCHC hiện nay”.

Theo Thời báo Ngân hàng

Link gốc : https://thoibaonganhang.vn/lan-thu-5-lien-tiep-ngan-hang-nha-nuoc-dung-dau-ve-chi-so-cai-cach-hanh-chinh-101920.html

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng Nhà nước đứng đầu về chỉ số cải cách hành chính lần thứ 5 liên tiếp tại chuyên mục Ngân hàng nhà nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Ngân hàng nhà nước