Tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tính đến ngày 22/12, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,7% so với cuối năm 2020.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, mục tiêu tín dụng năm 2022 sẽ tăng trưởng khoảng 14%, có thể thấp hơn hoặc cao hơn. NHNN sẽ cân đối dòng tín dụng vào các lĩnh vực thông qua việc phân bổ hạn mức tín dụng và các phương án điều hành khác.
Trong năm 2021, NHNN đã triển khai quyết liệt các giải pháp, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do dịch Covid-19, đẩy mạnh việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ.
Họp báo Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022 |
Tính đến 20/12, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ lũy kế từ khi có dịch khoảng 607.000 tỷ đồng, hiện có khoảng 775.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch được cơ cấu lại nợ, với dư nợ trên 296.000 tỷ đồng; Miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,96 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng; tổng số tiền lãi lũy kế đến nay đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 34.900 tỷ đồng; Cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt trên 7,4 triệu tỷ đồng cho khoảng trên 1,3 triệu khách hàng.
Các mục tiêu tại Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 về cơ bản đã đạt được. Trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng đánh giá thực trạng nợ xấu để xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu bảo đảm phù hợp với diễn biến dịch bệnh; đồng thời tiếp tục tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới.
Trong năm 2022, NHNN cho biết sẽ tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ (CSTT), phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước.
Trong đó, NHNN sẽ chỉ đạo các ngân hàng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, kiểm soát và xử lý nợ xấu; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Cụ thể, đối với lĩnh vực bất động sản nhà ở phục vụ nhu cầu tiêu dùng chính đáng, NHNN vẫn sẽ ưu tiên và tạo điều kiện. Còn những bất động sản mang tính đầu cơ hoặc thuộc dự án lớn có độ rủi ro cao vẫn sẽ được giám sát chặt chẽ.
Bên cạnh đó, nguồn vốn phục vụ cho thị trường phát chứng khoán phát triển lành mạnh, ổn định cũng sẽ được hỗ trợ phát triển. Ngược lại, nguồn vốn phục vụ cho mục đích đầu cơ, tạo ra sự bất ổn của thị trường cũng sẽ bị kiểm soát.
Bên cạnh việc kiểm soát chặt dòng chảy tín dụng, NHNN cũng sẽ cho triển khai Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 sau khi được phê duyệt.