Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại hội thảo |
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, trong thời gian vừa qua, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt có sự tăng trưởng rất nhanh cả về số lượng lẫn giá trị giao dịch. Tính đến cuối tháng 4/2020, thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng của cả nước tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; thanh toán qua kênh internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% giá trị; thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 189% về số lượng và 166,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Xu hướng thanh toán trong nền kinh tế đang có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng các phương tiện thanh toán kinh doanh thương mại nhiều hơn. Thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ công đã được chú trọng, tăng cường.
Đại diện NHNN cho biết, từ đầu năm đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng hoạt động thanh toán có sự tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Trong 4 tháng đầu năm 2020, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng hoạt động ổn định, an toàn và thông suốt. Tổng giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán liên ngân hàng tăng 18,3% so với cùng kỳ; giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ tăng 73,36% về số lượng và tăng 129,47% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi đó, bà Lý Thị Hoài Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa (Tổng cục Thuế) cho biết, tình đến cuối 2019 đã có 99% doanh nghiệp đang hoạt động đã đăng ký nộp thuế điện tử. Số tiền thuế đã nộp bằng phương thức điện tử năm 2019 là trên 700.000 tỷ đồng. Tổng cục Thuế đã triển khai thí điểm hóa đơn điện từ tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Theo thống kê, hiện đã có gần 300 doanh nghiệp áp dụng hóa đơn điện tử với tổng số doanh thu xác thực là trên 103.600 tỷ đồng và tổng số thuế giá trị gia tăng được xác thực là hơn 8.000 tỷ đồng. Toàn hệ thống ngân hàng hiện nay đã có 53 NHTM và 12 đơn vị T-VAN (nhà cung cấp dịch vụ truyền nhận dữ liệu điện tử trung gian) tham gia cung cấp dịch vụ khai, nộp thuế điện tử cho người nộp thuế.
Theo bà Hương, hiện nay cơ quan thuế đang triển khai dịch vụ nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy điện tử. Cơ quan này cũng phối hợp với Napas và đơn vị sở hữu ví điện tử Momo thử nghiệm thành công giải pháp thanh toán điện tử qua đơn vị trung gian thanh toán.
Toàn cảnh hội thảo |
Tại hội thảo, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá cao những kết quả phát triển thanh toán không dùng tiền mặt mà ngành Ngân hàng đã phối hợp với các đơn vị thương mại điện tử và các cơ quan thông tin truyền thông thực hiện trong những năm vừa qua.
TP.HCM hiện nay đang hướng tới xây dựng đô thị thông minh. Vì thế, mục tiêu xây dựng xã hội không tiền mặt là mục tiêu quan trọng cần tiếp tục được đẩy mạnh. Bởi hiện nay, dù đã có khoảng 80% trường học ở TP.HCM không thu học phí bằng tiền mặt, 400 trường học đã tổ chức thu phí qua kênh ngân hàng, nhưng một số lĩnh vực khác có tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn khiêm tốn.
TP.HCM cam kết sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành thúc đẩy phát triển thanh toán dịch vụ công không dùng tiền mặt theo Chỉ thị 22 của Chính phủ. “TP.HCM sẽ làm việc với các đơn vị để thúc đẩy việc này trong năm nay”, ông Tuyến nói.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho rằng, cơ sở pháp lý về thanh toán không dùng tiền mặt đến nay đã được bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện tạo nền tảng cho hoạt động thanh toán nói chung. Hiện nay, hầu hết các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đều đã được ứng dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực thanh toán, như: phân tích hành vi khách hành trên Big Data, xác thực sinh trắc học, ứng dụng QR Code, mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán thẻ chip tiếp xúc và phi tiếp xúc (contact và contactless)…
Theo Phó Thống đốc, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Quyết định về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). Khi quyết định này được Chính phủ chấp thuận và ban hành sẽ tạo thêm nhiều cơ hội để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội.
Trong vai trò điều hành chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc cho biết trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, NHNN sẽ trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 101 về thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, ban hành Thông tư hướng dẫn việc mở tài khoản thanh toán với định danh, xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC)…
NHNN sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ; đồng thời tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo 2021-2025.
Theo Thời báo Ngân hàng