Tăng kiểm soát an toàn vốn tại các công ty phi ngân hàng |
Cho vay bất động sản vào tầm ngắm
Theo đó, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng (NH), gồm công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính là 9%, tỷ lệ này được xác định bằng vốn tự có so với tổng tài sản có rủi ro.
Trong đó, nhóm tài sản có hệ số rủi ro 50% đối với các khoản phải đòi được bảo đảm toàn bộ bằng nhà ở (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai), quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất của bên vay và đáp ứng một trong các điều kiện như khoản vay dưới 1,5 tỉ đồng; nhóm tài sản có hệ số rủi ro 120% (có hiệu lực kể từ ngày 1.1.2021 - 31.12.2021) và 150% (có hiệu lực kể từ ngày 1.1.2022) đối với các khoản cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống mà tổng số tiền thỏa thuận cho vay, mức cho vay tại các hợp đồng tín dụng của khách hàng đó từ 4 tỉ đồng trở lên. Bên cạnh đó, các công ty này cũng không được rót vốn cho khách hàng mua trái phiếu doanh nghiệp của chính tổ chức đó; tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là 90%...
Theo NH Nhà nước (NN), việc điều chỉnh các chỉ số an toàn vốn của các tổ chức tín dụng phi NH nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản (BĐS), bảo đảm phát triển hiệu quả, bền vững của thị trường này.
Trước đó, Thông tư số 18/2019 được NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính (CTTC) đã siết chặt một số chỉ tiêu. Cụ thể, tỷ lệ cho vay tiền mặt trên tổng dư nợ tín dụng từ đầu năm 2021 là 70% và giảm dần qua các năm, về mức 30% từ đầu năm 2024; các biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, trong đó thực hiện số lần nhắc nợ tối đa 5 lần/ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 - 21 giờ…
An toàn cho hoạt động ngân hàng
Hiện trên thị trường có 16 CTTC và 10 công ty cho thuê tài chính đang hoạt động, trong đó CTTC chủ yếu cho các cá nhân vay những khoản nhỏ, tiền mặt theo hình thức tín chấp.
Ông Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, phân tích các tổ chức phi NH có thể huy động vốn bằng cách vay lại NH, sau đó cho vay, cho thuê lại máy móc thiết bị với lãi cao hơn. Do có mối liên thông giữa NH và các công ty nên việc tăng quản trị rủi ro hoạt động, an toàn vốn là cần thiết.
Hiện nay, các CTTC chỉ tập trung các khoản vay nhỏ của cá nhân, không được phép huy động vốn trong khu vực dân cư, không được làm chức năng thanh toán… Thế nhưng, những công ty này có thể huy động vốn trung dài hạn để cho vay.
“Những quy định an toàn vốn mới sẽ chi phối các công ty cho thuê tài chính nhiều hơn, bởi các công ty cho thuê máy móc, thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh với trị giá lớn, sau này có thể bán lại máy móc đó cho người thuê. Đây cũng là kênh cung ứng vốn cho doanh nghiệp khi có nhu cầu đầu tư máy móc thiết bị, một thị trường mà các NH không muốn tham gia vào nhiều. Thế nhưng, một số công ty cho thuê tài chính vừa qua hoạt động không hiệu quả, có doanh nghiệp phá sản nên việc giám sát là cần thiết, tránh gây ảnh hưởng đến NH”, ông Hiển nhận định.
TS Lê Đạt Chí cũng cho rằng việc NH đưa ra các quy định quản lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức phi NH là hoàn toàn cần thiết. Nguồn vốn NH bơm sang cho CTTC ngày càng tăng và từ đó các công ty sử dụng vốn để cho vay, đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp… đều dễ dàng hơn so với NH. Thế nhưng báo cáo tài chính của NH không đề cập chi tiết nguồn vốn rót cho các CTTC. Từ đó tiềm ẩn các rủi ro rất lớn vì không được đánh giá rủi ro và trích lập dự phòng đúng mức.
TS Lê Đạt Chí nhấn mạnh: NHNN đã từng bước có các hướng dẫn, kiểm soát đối với hoạt động của tổ chức phi NH nhưng vẫn chưa đủ. Cần có thêm quy định như phân loại về quy mô, đối tượng khách hàng để phân biệt rõ với hoạt động của NH, nhất là CTTC với cho vay tiêu dùng của NH. Tránh để bị trùng lặp về đối tượng khách hàng khiến CTTC tranh giành với NH dẫn đến việc hạ thấp tiêu chí cho vay. Chẳng hạn, nên nêu rõ CTTC không được cho khách hàng vay tiền mua nhà, mua xe với trị giá lên tiền tỉ mà chỉ cho vay tiêu dùng nhỏ lẻ, mua hàng hóa giá trị thấp…
Cơ chế kiểm soát, giám sát hay đánh giá rủi ro của các khoản vay ở CTTC yếu hơn nhiều so với một NH. Vì vậy cần phải có quy định chặt hơn về trị giá khoản vay để giảm rủi ro cho hệ thống tài chính NH nói chung.
Trên thực tế, nhiều CTTC đều trực thuộc hoặc có vốn lớn của các NH và nếu rủi ro xuất phát từ CTTC cũng sẽ ảnh hưởng đến NH. Ở nhiều nước trên thế giới đều có phân định rõ hoạt động của CTTC với NH để tránh giẫm chân lên nhau.
Thanh Niên