Kế hoạch triển khai Đợt thi đua được ban hành nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong công tác tổ chức thực hiện thi công các công trình, hạng mục công trình để tập trung cao điểm thực hiện thắng lợi mục tiêu "hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc trước ngày 31/12/2025" theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển hạ tầng giao thông đường bộ.
Phấn đấu hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc trước ngày 31/12/2025. |
Cụ thể, Lãnh đạo Chính phủ đề nghị các bộ, ban, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (bộ, ngành, địa phương), tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân thực hiện 5 nội dung sau:
Thứ nhất, thi đua lao động sáng tạo, hoàn thành đúng tiến độ, vượt kế hoạch, đảm bảo chất lượng các công trình, dự án đường bộ cao tốc trên địa bàn các tỉnh, thành phố theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, thi đua thi công, tư vấn giám sát bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, vệ sinh môi trường, an toàn lao động, tạo cảnh quan không gian phát triển của dự án sau khi hoàn thành; phối hợp với địa phương để tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến vật liệu xây dựng, giải phóng mặt bằng.
Thứ ba, thi đua đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảm bảo thuận lợi, khắc phục phiền hà và giảm chi phí cho các nhà đầu tư; công khai, minh bạch thông tin để các cấp có thẩm quyền và các tầng lớp Nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện của các bộ, ngành, địa phương, thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong thực hiện dự án.
Thứ tư, thi đua nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, phương pháp quản lý hiện đại trong thiết kế, thi công, xây dựng, khai thác và quản lý các dự án đường cao tốc để nâng cao hiệu quả lao động, rút ngắn thời gian, tiết kiệm tài nguyên và nguồn nhân lực, sử dụng nguyên vật liệu có tính ứng dụng cao, thân thiện, an toàn với môi trường.
Thứ năm, thi đua tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận, chấp hành tốt chủ trương, tích cực tham gia giải phóng mặt bằng cho các dự án hạ tầng thuộc dự án đường cao tốc tại địa bàn cư trú.
Quyết định nêu rõ, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tham gia Đợt thi đua phải phát huy tinh thần trách nhiệm, vai trò người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thi công tại các công trình đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ và bảo đảm môi trường.
Đối với các chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát phải phân công, bố trí nhân sự kiểm tra, đôn đốc, nắm bắt tình hình; kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách theo quy định cho cán bộ, viên chức, người lao động của đơn vị mình tham gia phong trào thi đua, đặc biệt là các đối tượng trực tiếp làm nhiệm vụ tại công trường.
Ngoài ra, Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các đơn vị phát hiện, động viên, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong Đợt thi đua. Tập trung khen thưởng các tập thể, cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân, kỹ sư, công nhân, người dân có những đề xuất, sáng kiến, giải pháp có giá trị giúp đẩy nhanh tiến độ, chất lượng, tiết kiệm kinh phí trong quá trình thực hiện các dự án xây dựng đường cao tốc.
Theo Tạp chí Tài chính