Đầu tiên phải kể đến các doanh nghiệp bất động sản, theo đó DIC Corp (DIG) thông báo mua lại trái phiếu mã DIGH2124002 và DIGH2124003. Đây là trái phiếu doanh doanh nghiệp phát hành, được mua lại theo hình thức thoả thuận trực tiếp với người sở hữu. Đây là trái phiếu thông thường, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo.
Khối lượng dự kiến mua là 16.000 trái phiếu với tổng mệnh giá 1.600 tỷ đồng. Lô trái phiếu DIGH2124002 có giá trị phát hành theo mệnh giá là 1.000 tỷ đồng và lô trái phiếu DIG2124003 có giá trị phát hành theo mệnh giá là 1.500 tỷ đồng.
Cả 2 lô trái phiếu này được phát hành lần lượt vào thời điểm cuối tháng 9 và 11/2021. Thời gian đáo hạn là 3 năm sau thời điểm phát hành. Mệnh giá của cả 2 lô trái phiếu này đều là 100 triệu đồng/trái phiếu. Cách tính lãi suất là tổng của 4,25%/năm và lãi suất tiền gửi tiết kiệm…
Một doanh nghiệp bất động sản khác là Bất động sản An Gia (AGG) cũng đã chính thức công bố thông tin về việc mua lại trái phiếu trước hạn 300 tỷ đồng.
Trước đó, AGG có công bố thông tin mua lại trái phiếu trước hạn trị giá 200 tỷ đồng, mã AGG_BOND_ 3,4 vào 12/8. Lô trái phiếu AGG công bố mua trước hạn nằm trong đợt phát hành huy động giá trị 600 tỷ đồng. Gần kế đó, vào 19/8, một công bố thông tin mua lại trái phiếu trước hạn cùng mã cùng trị giá của AGG, tiếp tục nới ngày dự kiến mua lại từ 20/8 lên 30/8.
Chứng khoán Bản Việt (VCSC, VCI) có ý định mua lại 250 trái phiếu mã VCIH2123008 với tổng giá trị 25 tỷ đồng. Loại trái phiếu này có mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Ngày thực hiện việc mua lại trước hạn dự kiến là 11/11.
Với mã trái phiếu VCIH2123009, VCI sẽ chi 100 tỷ đồng để mua lại 1.000 trái phiếu này. Loại trái phiếu này cũng có mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Ngày thực hiện việc mua lại trước hạn dự kiến là 12/11.
LienVietPostBank (LPB) mới đây cũng thông báo về việc tiếp tục mua lại hơn 1.800 tỷ đồng trái phiếu. Đây là lô trái phiếu được phát hành ngày 24/11/2020, kỳ hạn 7 năm, tổng giá trị mua lại theo mệnh giá là 1.814 tỷ đồng. Như vậy, lô trái phiếu này không nằm trong danh sách có kỳ đáo hạn ở quý 4 năm nay.
Trái phiếu mà LienVietPostBank đã phát hành và nay mua lại là trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản bảo đảm, không kèm chứng quyền, xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp và thỏa mãn các điều kiện để tính vào vốn cấp 2 của Ngân hàng.
Nhiều doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn. |
Do đâu doanh nghiệp vội mua lại trái phiếu trước hạn?
Trái phiếu là kênh huy động vốn thường dùng để thực hiện các dự án, kế hoạch kinh doanh mang tính trung, dài hạn. Tuy nhiên, việc ồ ạt mua lại trái phiếu trước hạn, thậm chí là mới phát hành được vài tháng, là động thái khiến giới phân tích lo ngại.
Theo Chứng khoán SSI, động thái này có thể do tác động của vụ việc Uỷ ban chứng khoán Nhà nước huỷ bỏ 10.000 tỷ đồng trái phiếu nhóm doanh nghiệp của Tân Hoàng Minh đầu năm nay.
"Cả doanh nghiệp phát hành và người mua đều thận trọng hơn với hình thức huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu", nhóm phân tích nhận xét.
Ở khía cạnh khác, việc mua lại trái phiếu trước hạn có thể do các doanh nghiệp thay đổi kế hoạch phát triển dự án, kế hoạch kinh doanh hoặc cũng có khả năng do các doanh nghiệp này tìm thấy nguồn vốn thay thế bằng các kênh khác.
Tuy vây, kênh tín dụng bị "tắc" từ giữa năm nay khi các ngân hàng tăng trưởng gần hết "room" được cấp, còn Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên mục tiêu cả năm do lo ngại lạm phát. Thị trường chứng khoán lao dốc cũng khiến nhiều doanh nghiệp phải thay đổi kế hoạch phát hành, hoặc phải hạ giá bán cổ phiếu.
Trong một báo cáo cập nhật mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho thấy niềm tin của nhà đầu tư trái phiếu bị thử thách khi liên tiếp có hai sự kiện bắt giữ lãnh đạo cấp cao của hai tập đoàn bất động sản lớn vốn có quy mô phát hành trái phiếu riêng lẻ cao trong ngành.
Những tội danh này đều liên quan đến hành vi lừa đảo trong hoạt động phát hành triếu riêng lẻ của các công ty thành viên. Điều này đã tăng thêm áp lực thanh khoản cho các doanh nghiệp bất động sản vốn là những chủ thể có giá trị phát hành trái phiếu cao nhất khi các nhà đầu tư yêu cầu mua lại trái phiếu trước hạn.
Theo các chuyên gia, việc các doanh nghiệp phát hành mua lại trái phiếu trước hạn còn có nguyên nhân đến từ việc Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ có hiệu lực vào 16/9/2022 đã bổ sung một nội dung quan trọng liên quan đến vấn đề này.
Doanh nghiệp phát hành phải mua lại trái phiếu trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành; trong đó, có phương án sử dụng vốn hoặc vi phạm pháp luật. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã tăng cường mua lại nhằm giảm áp lực đáo hạn và giải quyết các lô trái phiếu có thể gặp bất lợi bởi quy định mới.
Nhìn chung, việc mua lại trái phiếu trước hạn có thể có mặt tích cực hoặc tiêu cực tùy từng trường hợp và bối cảnh.
Ở mặt tích cực, theo lý thuyết, khi mua lại trái phiếu trước hạn thì doanh nghiệp không phải trả chi phí lãi vay đang khá cao, đồng thời có thể giảm hệ số nợ/vốn chủ sở hữu, qua đó giúp doanh nghiệp cải thiện các chỉ tiêu tài chính.
Ở mặt tiêu cực, việc mua lại trái phiếu sẽ khiến doanh nghiệp bị suy giảm dòng tiền. Điều này sẽ vô cùng bất lợi trong bối cảnh doanh nghiệp cần nguồn vốn mà các kênh tiếp cận đều khó khăn.
Trên thực tế, việc phát hành trái phiếu mới sẽ khiến doanh nghiệp phải chịu ch cao hơn khi lãi suất đã tăng cao hơn so với giai đoạn trước, đồng thời khả năng chào bán, phân phối trái phiếu cũng không còn dễ dàng với các quy định lỏng lẻo với cả phía nhà phát hành lẫn phía trái chủ, nhà đầu tư như trước đây.
Trên tất cả, Bộ Tài chính khẳng định, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn là thị trường tiềm năng khi nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trong thời gian tới cho phát triển sản xuất kinh doanh là rất lớn.
Do đó, quan điểm của Chính phủ là tiếp tục phát triển thị trường hoạt động an toàn, lành mạnh và minh bạch. Do đó, các chủ thể tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần tuân thủ quy định pháp luật.