Ngân hàng thế giới đánh giá thế nào về nền kinh tế Việt Nam?

BẢO LINH-CLVN 08:46 24/08/2020

Việt Nam có tên trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất

Trong cuốn sách mới xuất bản gần đây có tên "Global Productivity: Trends, Drivers and Policies" (tạm dịch "Năng suất Toàn cầu: Xu thế, Động lực và Chính sách"), Ngân hàng Thế giới đã sử dụng một thuật toán để phân loại nhiều tổ hợp các quốc gia nhằm tìm kiếm các nhóm có vẻ như đang hội tụ với nhau.

Dựa trên mức năng suất của 97 nền kinh tế kể từ năm 2000 đến nay, Ngân hàng Thế giới đã xác định được 5 khối. 3 khối ảm đạm nhất bao gồm các quốc gia tương đối nghèo. Khối thứ tư bao gồm một số quốc gia lớn chưa phát huy hết tiềm năng, bao gồm Argentina, Brazil, Indonesia, Mexico và Nam Phi.

Khối quốc gia thành công nhất bao gồm tất cả các nền kinh tế phát triển, cùng với 16 nền kinh tế mới nổi gồm có Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Đặc biệt tại Việt Nam, một số các ngành nghề đạt được hiệu quả năng suất tốt, thậm chí đạt kim ngạch xuất khẩu tăng vượt trội, như: Các sản phẩm linh kiện điện tử, hàng dệt may, máy móc thiết bị phụ tùng, các sản phẩm gỗ, các loại giày, dép, trong đó phát triển mạnh mẽ là nhóm hàng nông sản (bao gồm hàng rau quả, hạt điều, hạt tiêu, chè, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm sắn, cao su) và thủy sản.

Hầu hết các thành viên của nhóm đầu cũng thực hiện tốt trên thước đo “độ phức tạp” về kinh tế do Giáo sư Ricardo Hausmann của trường Đại học Harvard và César Hidalgo của Viện Công nghệ Massachusetts phát triển. Các quốc gia đạt điểm cao nếu xuất khẩu của họ vừa phong phú vừa riêng biệt, gồm nhiều loại sản phẩm khác nhau mà ít quốc gia khác có. Các thành viên nghèo hơn có xu hướng tăng trưởng nhanh hơn các nước giàu hơn, ở tốc độ sẽ khiến khoảng cách về năng suất giữa các quốc gia giảm đi một nửa sau mỗi 48 năm.

Nhưng cũng có một số ngoại lệ. Chile nằm ở khối đầu, nhưng nền kinh tế của nước này không quá phức tạp. Điều này có thể lý giải bởi sản phẩm xuất khẩu của họ (đồng, cá hồi, trái cây) trông có vẻ đơn giản nhưng lại được sản xuất, chế biến và đóng gói theo một cách hết sức tinh tế. Ví dụ, những quả cherry tròn đỏ mọng của Chile được lựa chọn cẩn thận và bán tới Trung Quốc như biểu tượng của sự xa hoa.

Việt Nam là một trong các nền kinh tế mới nổi thành công với nhiều ngành nghề phát triển mạnh mẽ

Các tác giả viết cuốn sách mới của World Bank lo ngại rằng đại dịch Covid-19 sẽ kìm hãm đầu tư, rút ngắn các chuỗi cung ứng và nuôi dưỡng sự thiển cận, tất cả những yếu tố này đều có thể ngăn trở sự hội tụ. Nhưng đâu đó vẫn có những điểm sáng. Ví dụ, những cơn khủng hoảng có thể thúc đẩy các cải cách cơ cấu, sự thiếu bảo tồn các nguồn vốn lạc hậu trong những thời kỳ đen tối có thể thúc đẩy sự thay thế bằng các công nghệ mới hơn trong quá trình phục hồi.

Những nhà tiên phong của học thuyết hội tụ hiểu rằng một quốc gia không thể khai thác triệt để những tiến bộ công nghiệp nếu họ cứ tiếp tục theo sát các mô hình sản xuất và tiêu dùng thông thường, hay còn được gọi là "phong tục tập quán".

Vì vậy, GS kinh tế Abramovitz tin rằng chiến tranh và các bất ổn chính trị có thể được coi là "trải nghiệm khai thông cơ bản để mở đường cho những con người mới, tổ chức mới và phương thức hoạt động mới". Những người lạc quan, những người mong chờ sự hội tụ sẽ kéo dài hơn một năm đầy biến động này, cần phải giữ niềm tin rằng đại dịch Covid-19 sẽ mở ra những cải cách mới cho các nền kinh tế.

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng thế giới đánh giá thế nào về nền kinh tế Việt Nam? tại chuyên mục Thời sự. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thời sự