Hà Nội nới lỏng từng bước, phục hồi sản xuất kinh doanh, sau 15/9

NHVN 18:52 15/09/2021

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, TP Hà Nội đang tập trung rà soát lại phương án phục hồi sản xuất kinh doanh, nhất là giai đoạn sau 15/9.

TP Hà Nội đang xem xét nới lỏng một số hoạt động dịch vụ dựa trên tình hình thực tế kiểm soát dịch bệnh sau ngày 15/9 và 21/9. Kết quả này cho thấy, công tác phòng, chống dịch của thành phố đang đi đúng hướng, theo nguyên tắc chỉ đạo chung, vừa bảo đảm an sinh xã hội vừa bảo đảm sản xuất kinh doanh.

Khôi phục sản xuất hướng về “vùng đỏ”

Mặc dù được thành phố tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh ở phân vùng 2, 3, tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phản ánh có vướng mắc trong việc đi lại của công nhân giữa các vùng và cụ thể việc tổ chức ăn ở cho công nhân ra sao để phòng dịch. Nhiều doanh nghiệp còn khó khăn trong khâu nhập nguyên phụ liệu; thiếu lao động để phục hồi sản xuất.

Trước khó khăn này, lãnh đạo thành phố yêu cầu các quận huyện phải liên thông thông suốt, giải quyết ngay những khúc mắc cho doanh nghiệp, bảo đảm tinh thần: an toàn mới được sản xuất, sản xuất phải an toàn đi đôi với tạo điều kiện thuận lợi nhất.

TP Hà Nội đang xem xét nới lỏng một số hoạt động dịch vụ dựa trên tình hình thực tế kiểm soát dịch bệnh sau ngày 15/9 và 21/9.

Tại cuộc họp trực tuyến giữa Sở Chỉ huy thành phố với Sở Chỉ huy các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã chiều 14/9, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đã gợi ý, phân vùng 2, 3 ngay từ bây giờ có thể mạnh dạn triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn theo tinh thần Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ.

Thực tế thững ngày này, tại nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn các huyện, thị xã “vùng xanh” theo Chỉ thị số 20/CT-UBND của UBND TP Hà Nội đã tất bật sản xuất trở lại.

Tại thị xã Sơn Tây, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất lên quy mô 1.000 lao động (chiếm 50% số công nhân). Tại KCN Thạch Thất, các đơn vị xác định vừa khôi phục sản xuất vừa chủ động chống dịch trong mọi phương án, không làm chậm quá trình sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp tại Cụm Công nghiệp Thanh Oai cũng đã được kích hoạt ở mức cao nhất, quay trở lại hoạt động 100% công suất.

Đánh giá về sự chủ động khôi phục sản xuất của các doanh nghiệp “vùng xanh”, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho biết, nhìn chung các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn Hà Nội đã có sự chủ động, xây dựng phương án với quyết tâm nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, duy trì tăng trưởng công nghiệp ở mức cao nhất.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, TP Hà Nội đã tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Cùng với nhiệm vụ phòng, chống dịch, UBND TP Hà Nội đã hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thành lập mới; hướng dẫn trả lương ngừng việc, giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc; tiếp nhận hồ sơ, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh; chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.

Đặc biệt, thành phố đã thực hiện các gói hỗ trợ cho vay sản xuất, kinh doanh như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức kết nối doanh nghiệp với ngân hàng qua đó doanh nghiệp tiếp cận nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có vốn cho sản xuất kinh doanh.

Ngành thuế cũng đã hướng dẫn người nộp thuế lập hồ sơ gia hạn nợ, xóa nợ thuế, không tính tiền chậm nộp, xuất hóa đơn lẻ…

Nới lỏng từng bước

Về lộ trình nới lỏng giãn cách các hoạt động trong thời gian tới, theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc CDC Hà Nội, hiện Sở Y tế vẫn đang nghiên cứu phương án cụ thể để trình lên UBND thành phố.

Theo ông Tuấn, thành phố đang đánh giá cụ thể về tình hình dịch bệnh để quyết định nới lỏng hoạt động dịch vụ nào. Sau ngày 15-9, thành phố sẽ hoàn thành mục tiêu xét nghiệm cho người dân, từ đó mới có căn cứ thực tế để có những bước đi tiếp theo. Nếu mở cửa trở lại một số dịch vụ thì sẽ nới dần dần từng bước một, vì hiện nay trên địa bàn thành phố vẫn còn những ca phát hiện trong cộng đồng.

Việc nới lỏng hoạt động dịch sẽ nới dần từng bước một.

PGS, TS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam đánh giá, tình hình dịch bệnh tại Hà Nội hiện nay vẫn đang kiểm soát được. Số ca mắc giảm, những ca mắc trong cộng đồng chỉ tập trung ở diện hẹp. Vì vậy, việc nới lỏng giãn cách, mở cửa lại một số hoạt động dịch vụ là rất đáng làm.

Theo PGS, TS Trần Đắc Phu, việc nới lỏng cần cân nhắc dựa trên 3 yếu tố: tính chất của dịch bệnh, độ phủ vắc xin và nhu cầu làm ăn kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Thành phố sẽ phải xây dựng những phương án cụ thể để vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch bệnh. Trong đó yếu tố phòng dịch phải đặt lên hàng đầu.

PGS, TS Trần Đắc Phu nhận định, nới lỏng đến mức độ nào thì từ nay 21/9, Hà Nội sẽ còn phải theo dõi và đánh giá tiếp. Tuy nhiên, chắc chắn những hoạt động có nguy cơ lây lan cao, một số hoạt động tập trung đông người… vẫn chưa thể hoạt động trở lại được.

Mặt khác, sau khi nới lỏng giãn cách, Hà Nội vẫn phải sẵn sàng cho tình huống có thể bùng dịch. Vấn đề là làm sao phát hiện sớm, khoanh vùng, phát hiện cách ly, truy vết kịp thời.

Theo Đại đoàn kết

Link gốc : http://daidoanket.vn/ha-noi-noi-long-tung-buoc-phuc-hoi-san-xuat-kinh-doanh-sau-159-5665876.html

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội nới lỏng từng bước, phục hồi sản xuất kinh doanh, sau 15/9 tại chuyên mục Thời sự. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thời sự