Ngoài thuế bảo vệ môi trường sau khi được giảm xuống còn 2.000 đồng/lít, giá xăng tại Việt Nam còn chịu thuế nhập khẩu từ 0 - 8%, thuế giá trị gia tăng (GTGT) 10% và thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) 10%. Trước đó, tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có ý kiến chất vấn cho rằng tại sao đánh thuế TTĐB đối với xăng và có phù hợp không vì đây là mặt hàng thiết yếu, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.
Bộ Tài chính lên tiếng
Liên quan về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, thuế TTĐB là sắc thuế gián thu, thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
Thuế TTĐB đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng vì có hại cho sức khoẻ (thuốc lá, rượu, bia,...), cần tiêu dùng tiết kiệm (như xăng gốc hoá thạch) hoặc hàng hoá, dịch vụ cao cấp, đắt tiền điều tiết thu nhập (ô tô, máy bay, du thuyền, chơi gôn,...). Do xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo cần phải sử dụng tiết kiệm nên theo thông lệ quốc tế luôn thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB.
Theo tổng kết kinh nghiệm quốc tế về chính sách thuế TTĐB, hầu hết các nước trên thế giới đều thu thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng, ví dụ, tại các nước châu Âu: Pháp (0,6629 EUR/lít đối với xăng E10 và 0,6829 EUR/lít đối với xăng khoáng); Đức (0,6545 EUR/lít đối với xăng có hàm lượng sunfua dưới 10mg/kg, 0,6698 EUR/lít đối với xăng có hàm lượng sunfua trên 10mg/kg); Hà Lan (0,81314 EUR/lít); Ý (0,7284 EUR/lít); Vương Quốc Anh (0,5795 Bảng/lít).
Các nước tại châu Á: Hàn Quốc (311 Won/lít thuế tuyệt đối và thuế tỷ lệ 15%), Trung Quốc (1,52 Nhân dân tệ/lít), Úc (0,442 Đô la Úc/lít).
Các nước trong khu vực: Campuchia (thuế suất 25%), Thái Lan (6,50 Bạt Thái /lít đối với xăng khoáng, 5,85 Bạt Thái/lít đối với xăng 95 E10, 5,2 Bạt Thái /lít xăng 95 E20, 0,975 Bạt Thái/lít đối với xăng 95 E85, 3,2 Bạt Thái/lít đối với dầu diesel), Singapore (0,41 đô la Singapore/lít), Lào (thuế suất 39%).
Tại Việt Nam, Luật thuế TTĐB đã quy định xăng thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB từ năm 1999. Quy định này là phù hợp với mục tiêu thu TTĐB và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Như vậy, theo Bộ Tài chính, việc đánh thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng là phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đối với xăng dầu, đây là nhiên liệu hóa thạch cần sử dụng tiệt kiệm, hiệu quả. Việc điều chỉnh giá xăng dầu phải linh hoạt, bám sát thị trường, trong khi việc điều chỉnh thuế TTĐB do Quốc hội quy định kỳ họp 6 tháng/lần.
Liệu mức thuế có quá cao?
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, xăng dầu là hàng hóa thiết yếu bởi dùng cho cả sản xuất và tiêu dùng. Về nguyên tắc, đối với xăng dầu đã có thuế nhập khẩu, thuế GTGT, tại sao lại có thêm TTĐB trong khi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu không chỉ cho người tiêu dùng mà thiết yếu với cả sản xuất?
Theo tính toán của ông Bùi Trinh, xăng dầu chiếm khoảng 5,8% trong giá trị sản xuất và chiếm 8,2% trong chi phí trung gian của nền kinh tế; riêng đối với nhóm ngành vận tải, xăng dầu chiếm 56,1% trong giá trị sản xuất và chiếm khoảng 71% trong tổng chi phí trung gian. Nếu sau khi thuế bảo vệ môi trường được giảm, thì giá xăng dầu cũng còn tăng so với bình quân năm 2021 khoảng 41%, từ đó tác động làm giảm GDP ở chu kỳ sản xuất tiếp theo khoảng 7,3%.
Trong khi đó, số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, tổng thu ngân sách Nhà nước 2 tháng đầu năm đạt 323.800 tỉ đồng, bằng 22,9% dự toán năm và vẫn tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó có thể thấy thu ngân sách đang đạt kết quả tốt.
Đó là chưa kể mức thuế TTĐB thu được từ xăng cũng tăng mạnh. Nếu như giá xăng trước đây là 15.000 đồng/lít, số thuế thu được là 1.500 đồng/lít thì số thuế TTĐB nay đã tăng cao gần như gấp đôi khi xăng chạm mức 30.000 đồng/lít.
Chính phủ đã áp dụng chính sách giảm 2% cho nhiều loại hàng hóa đang chịu thuế GTGT 10% kể từ đầu tháng 2 nhằm góp phần giúp doanh nghiệp nên hiện giờ nhiều loại hàng hóa chỉ chịu VAT là 8%, tổ chức kinh tế và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Thế nhưng, xăng dầu lại bị “loại” ra khỏi danh sách các mặt hàng được giảm thuế GTGT trong năm nay.
Cũng cho ý kiến về vấn đề này, ông Đặng Văn Khoa - Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, dầu là mặt hàng thiết yếu, nhưng hiện nay xăng phải chịu 10% TTĐB như thuốc lá, rượu bia là quá phi lý.
Giữa tháng 3, trong tờ trình Chính phủ về đề xuất giảm thuế môi trường, Bộ Tài chính báo cáo xăng dầu vừa là mặt hàng chiến lược, quan trọng, vừa là mặt hàng thiết yếu có tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.
Giá xăng dầu tăng cao sẽ gây áp lực lớn đến chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như chi tiêu dùng của người dân, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế. Các nước Thái Lan, Hàn Quốc, Ba Lan, Ấn Độ… cũng đã giảm TTĐB xăng dầu rồi.