Câu chuyện từ cậu bé bán đậu nành trên hè phố trở thành Chủ tịch tập đoàn của doanh nhân Nguyễn Cao Trí được nhiều người xem như một tấm gương truyền cảm hứng cho giới trẻ, bởi rằng để thành công trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam không phải là chuyện dễ dàng, nếu không nói là cần tài năng hơn người.
Nói đến nền tảng phát triển sự nghiệp của vị doanh nhân sinh năm 1970 Nguyễn Cao Trí thì phải kể tới quãng thời gian đảm nhiệm chức vụ cấp cao tại một số công ty thành viên của Tập đoàn Bến Thành (Bến Thành Group) với vị trí Giám đốc Đầu tư tại Công ty Bến Thành Tourist (từ năm 1999 - 2005) hay Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Địa ốc Bến Thành (Bến Thành Land).
Sau khi Bến Thành Group thoái vốn vào năm 2015, Bến Thành Land đổi tên thành CTCP Tập đoàn Capella (Capella Holdings) và bắt đầu chuyển trọng tâm kinh doanh sang lĩnh vực ẩm thực - giải trí (F&B Hospitality) dưới sự chèo lái của ông Nguyễn Cao Trí trong vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.
Theo giới thiệu của Capella Holdings, năm 2015, công ty đã sở hữu tới 9 thương hiệu nổi tiếng trong các lĩnh vực: giải trí (Air 360 Sky Bar, Chill Bar, La Vie En Rose Live Music & Bar), trung tâm hội nghị tiệc cưới (Riverside Palace, Claris Palace, Capella Park View, Capella Center), hệ thống nhà hàng Hoa, Nhật, Việt Nam (San Fu Lou, Sorae, Dì Mai). Trong đó, Chill Sky Bar (tòa nhà AB, Quận 1, Tp. HCM) và Air 360 Sky Lounge (Bến Thành Tower, Quận 1, TP. HCM) đều là những địa điểm ăn chơi có tiếng.
Vị thế trong lĩnh vực F&B và giải trí của Capella Holdings càng được khẳng định khi pháp nhân này đứng đằng sau thương vụ Công ty TNHH Chloe Hospitality nhận chuyển nhượng quyền quản lý "tòa lâu đài" Tajmasago và nhà hàng Cham Charm từ doanh nhân Hoàng Khải (Khải "Silk") vào cuối năm 2018.
Giá trị chuyển nhượng không được công bố. Hai công trình trên từng được Tập đoàn Khaisilk đầu tư hơn 30 triệu USD. Sau khi tiếp quản 2 bất động sản này, Chloe Hospitality đã dần cung cấp nhiều loại hình dịch vụ như ẩm thực cho những sự kiện của giới kinh doanh, từ hội nghị, chiêu đãi, yến tiệc, du thuyền trên sông… đến trình diễn sản phẩm.
Chloe Hospitality chỉ được thành lập cách thương vụ trên ít tháng - cụ thể là vào ngày 6/9/2018. Ban đầu, vị trí Tổng Giám đốc và người đại diện theo pháp luật của Chloe Hospitality thuộc về phu nhân của ông Nguyễn Cao Trí là bà Bùi Thị Vân Anh (SN 1970), đến cuối năm 2018 vị trí này được giao cho bà Đào Ngọc Bảo Phương (SN 1994).
Nữ doanh nhân năm nay 26 tuổi từng thu hút sự chú ý đặc biệt của giới đầu tư khi cách đây ít tháng đã rót tới 7.560 tỷ đồng để sở hữu 60% cổ phần CTCP Tập đoàn Bến Thành (Bến Thành Holdings) - pháp nhân đã đề xuất đầu tư hai dự án có tổng quy mô 65.300 tỷ đồng tại Quảng Ninh vào hồi tháng 6/2020 như Nhadautu.vn từng đề cập.
Dù sở hữu hệ sinh thái đa dạng, song kết quả kinh doanh vài năm trở lại của nhóm doanh nghiệp của ông Nguyễn Cao Trí không mấy khả quan.
Giai đoạn 2017-2019, doanh thu thuần của Capella Holdings (công ty mẹ) có xu hướng giảm mạnh, từ 385 tỷ đồng năm 2017 về còn 84 tỷ đồng năm 2019. Lợi nhuận thuần theo đó cũng chỉ còn 442 triệu đồng trong năm ngoái. Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của công ty ở mức 1.166 tỷ đồng.
Còn với Chloe Hospitality, trong hai năm gần đây, doanh nghiệp này liên tục báo lỗ, lỗ thuần 6,8 tỷ đồng năm 2018, và lỗ tới 27 tỷ đồng năm 2019. Nợ phải trả cũng tăng gấp 2,3 lần lên 136 tỷ đồng.
Chloe Hospitality chỉ là một mảnh ghép trong hệ sinh thái các công ty nổi danh mà doanh nhân sinh năm 1970 Nguyễn Cao Trí sở hữu, chẳng hạn như: CTCP Thương mại Dịch vụ Ô tô Bến Thành; CTCP Salla; CTCP Dịch vụ và Nhân lực quốc tế Văn Lang, Công ty TNHH US Talent International - UTI, CTCP Thái Bình Dương Đà Lạt; Công ty TNHH Văn Lang Healthcare.
Đặc biệt, tháng 7/2019 vừa qua, ông Nguyễn Cao Trí còn kiêm nhiệm thêm cả vị trí Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của CTCP Lothamilk (Lothamilk). Ngoài giải trí, bất động sản F&B hay sữa, ông Nguyễn Cao Trí còn nắm giữ cương vị Phó Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Ban quản lý dự án tại Trường Đại học Văn Lang.
Trong số các pháp nhân thuộc tầm ảnh hưởng của đại gia Nguyễn Cao Trí, CTCP Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội (viết tắt: Khahomex - Mã CK: KHA) là doanh nghiệp hiếm hoi đang niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của công ty này lần lượt đạt 39,1 tỷ đồng và 34,5 tỷ đồng. Tại ngày 3/9/2020, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu là 305,6 tỷ đồng và 273 tỷ đồng.
Công ty này sở hữu một loạt các dự án bất động sản tại khu vực quận 4 (như: chung cư Khahomex 1, 2, 3 và các cơ sở dịch vụ gia tăng gồm Trường Mầm non Khánh Hội, Trung tâm Hội nghị - Tiệc cưới Riverside Palace) có vị trí địa lý đắc địa, kết nối giữa khu vực trung tâm TP. HCM (quận 1, quận 5) và các khu đô thị mới (quận 2, quận 7).
Nghi vấn vi phạm quy định phòng, chống rửa tiền
Kết quả thanh tra mới đây của Ngân hàng Nhà nước kết luận một nhà băng tư nhân đã không thực hiện báo cáo giao dịch đáng ngờ với 4 nhóm khách hàng, trong đó có 2 nhóm là (1): Dao Ngoc Bao Phuong, CTCP Bến Thành Investment Group, CTCP Đầu tư Địa ốc Bến Thành, Phan Thi Phuoc; và (2): Nguyen Cao Tri, Dao Ngoc Bao Phuong, CTCP Bến Thành Investment Group.
Do đó, ngân hàng này đã vi phạm quy định tại điểm b, Khoản 3, Điều 22 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012; khoản 1 Điều 6 Thông tư số 35/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 của Thống đốc NHNN hướng dẫn thực hiện một số quy định vê phòng chống rửa tiền.