Golf được coi là môn thể thao quý tộc và gắn liền với hình ảnh của giới thượng lưu, nên các chỉ tiêu để đáp ứng được nhu cầu của nhóm khách hàng này đòi hỏi rất khắt khe. Chưa kể vốn đầu tư cao, khả năng thu hồi vốn chậm và phải dàn trải trong nhiều năm dẫn đến rủi ro cho phần lớn các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực đầu tư, kinh doanh sân golf.
Tuy nhiên, rõ ràng, nếu có chiến lược tốt thì golf vẫn là một ngành kinh doanh có nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam, nên bất chấp những thách thức kể trên, vẫn có không ít nhà đầu tư vẫn chen chân vào lĩnh vực này. Một trong những nhà phát triển chuyên nghiệp nhất phải kể đến CTCP đầu tư Long Biên (LOBICO), chủ sở hữu 2 sân golf quy mô hàng đầu cả nước là sân Tân Sơn Nhất và sân Long Biên.
Ngược về tháng 6/2007, Bộ Quốc phòng đã ra quyết định giao LOBICO làm chủ đầu tư 2 dự án sân golf và dịch vụ Long Biên, dự án sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất. Cả hai dự án này đều được triển khai xây dựng vào năm 2010, thời gian khai thác của dự án là 50 năm.
Trong đó, Khu vực dự án sân golf & dịch vụ Long Biên nằm tại sân bay Gia Lâm, quận Long Biên, Hà Nội. Dự án này có quy mô 119,2ha gồm sân golf 27 lỗ, khu biệt thự và khu căn hộ cao cấp với tổng vốn đầu tư 3.362 tỷ đồng. Theo đánh giá của LOBICO thì thời gian hoàn vốn tại dự án này là 6,2 năm, đến ngày 31/3/2014, LOBICO đã rót 1.887 tỷ đồng đầu tư vào dự án này.
Còn Khu vực dự án sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất nằm tại khu sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình, TP. HCM. Quy mô dự án là 158ha, gồm sân golf 36 lỗ (4 cụm sân, mỗi sân 9 lỗ), khu biệt thự, khách sạn 5 sao, khu căn hộ cao cấp, trường học và nhiều tiện ích đi kèm. Tới tháng 3/2014, LOBICO đã đầu tư vào đây 799 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư dự kiến 5.443 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn dự kiến 13 năm. Dự án này được khai trương vào tháng 8/2015, chậm một năm so với kế hoạch đề ra.
3 năm sau khi đưa vào khai thác, dự án sân golf Tân Sơn Nhất đứng trước nguy cơ bị thu hồi khi vào tháng 8/2018, Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Theo đó, xóa sân golf và thay bằng việc bố trí nhà ga, khu hangar và một phần cây xanh hồ điều tiết. Như vậy theo đúng kế hoạch, sân golf này sẽ bị xóa bỏ để phục vụ mở rộng sân bay.
Liên quan đến việc này, ông Trần Văn Tĩnh - Phó Chủ tịch HĐQT LOBICO thời điểm đó khẳng định “Sẵn sàng bàn giao nếu Nhà nước thu hồi để mở rộng sân bay, nhưng phải bồi thường để đảm bảo được quyền lợi của nhà đầu tư”.
Khó khăn đối với chủ đầu tư LOBICO càng tăng lên khi dự án sân golf Long Biên cũng vướng phải sai phạm trong việc khởi công xây dựng công trình khi thiết kế bản vẽ thi công chưa được phê duyệt và không có giấy phép xây dựng.
Đặt cạnh quy mô cũng như tiếng tăm của hai dự án, không ít giới đầu tư tò mò về LOBICO. Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 6/2006, trụ sở đặt tại phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội. Số vốn điều lệ ban đầu ở mức 200 tỷ đồng và các cổ đông sáng lập gồm Công ty TNHH một thành viên đầu tư và phát triển Trường An (Bộ Quốc phòng), Công ty TNHH Him Lam (nay là CTCP Him Lam), Tổng CTCP Thương mại Xây dựng, Công ty TNHH xây dựng và thương mại Thành Nam và Công ty TNHH đầu tư xây dựng Bảo Lộc. Sau 1 năm thành lập, đến năm 2007, vốn điều lệ của LOBICO đã tăng gấp đôi, lên mức 400 tỷ đồng.
Vào tháng 3/2014, cơ cấu vốn cổ phần của LOBICO đã có sự thay đổi quan trọng khi chỉ còn ba cổ đông lớn gồm hai cổ đông cá nhân và một doanh nghiệp. Trong đó Công ty Trường An vẫn nắm giữ 15%, ông Trần Văn Tĩnh - Tổng Giám đốc CTCP Him Lam nắm 48,5% và bà Dương Thị Liêm - thành viên HĐQT CTCP Him Lam nắm 36,5%. Lưu ý rằng, ông Tĩnh và bà Liên lần lượt là anh họ và em ruột của ông Dương Công Minh (chủ tịch HĐQT CTCP Him Lam).
Tháng 9/2014, Công ty Trường An đăng ký bán đấu giá 15% cổ phần của LOBICO tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM với giá khởi điểm 90.000 đồng/cổ phần, tương đương định giá LOBICO ở mức 3.600 tỷ đồng, và đơn vị nào muốn sở hữu 6 triệu cổ phần của LOBICO phải bỏ ra ít nhất 540 tỷ đồng. Dẫu vậy, buổi đấu giá đã bị hủy vào ngày 30/10/2014 do không đủ điều kiện để tổ chức đấu giá khi chỉ có một nhà đầu tư tham gia.
Đến tháng 11/2014, LOBICO đã tăng vốn điều lệ lên 950 tỷ đồng và Công ty Trường An không còn là cổ đông. Một cổ đông mới xuất hiện là bà Lê Thị Bích Ngọc (Giám đốc khối kinh doanh tại CTCP Him Lam) nắm 26,5%. Như vậy, chủ sở hữu lúc này của 2 sân golf tại Long Biên và Tân Sơn Nhất chính là nhóm Him Lam.
Cập nhật đến ngày 31/12/2019, vốn điều lệ của LOBICO tiếp tục được nâng lên mức 2.000 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, liên tiếp từ năm 2011 đến 2014, LOBICO luôn ở trong trạng thái thua lỗ, trong đó năm 2011 lỗ sau thuế hơn 6 tỷ đồng, đến năm 2013 giảm xuống còn 4,4 tỷ đồng. LOBICO từng cho biết, công ty sẽ lỗ kế hoạch liên tục với mức cao trong vòng 4 năm, từ 2014 - 2017, với tổng mức lỗ lên đến 1.660 tỷ đồng, bình quân mỗi năm lỗ hơn 400 tỷ.
Nguyên nhân lỗ là do công ty chỉ thực hiện 2 dự án sân golf nhưng đang trong quá trình đầu tư, chưa có sản phẩm để bán, bên cạnh đó chi phí lãi tiền vay và chi phí quản lý chiếm tỷ trọng lớn. Công ty dự kiến sẽ khai thác và có doanh thu từ cuối năm 2014 và bắt đầu có lãi 271 tỷ đồng vào năm 2018.
Tuy nhiên, theo dữ liệu của Nhadautu.vn, giai đoạn từ 2016-2019, kết quả kinh doanh của LOBICO (công ty mẹ) vẫn không mấy khả quan với khoản lỗ thuần giao động từ 310-537 tỷ đồng, còn doanh thu thuần trên 400 tỷ mỗi năm. Hoạt động thua lỗ kéo vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này co mạnh về còn 87 tỷ đồng cuối năm ngoái, so với khoản vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng.