Hé mở về ThaiGroup của 'bầu' Thuỵ

NHÀ ĐẦU TƯ 11:39 08/12/2020

Là tập đoàn tư nhân nổi danh cả nước, song tiềm lực tài chính của ThaiGroup và các công ty liên quan vẫn là bí ẩn với phần đa công chúng.

M&A ngược hay niêm yết cửa sau đã là những thuật ngữ quen thuộc trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhiều ông lớn đã sử dụng phương thức này để vừa niêm yết công ty, vừa bỏ qua các điều kiện quy định. Một trong những “case-study” tiêu biểu là CTCP ThaiHoldings thâu tóm CTCP Tập đoàn ThaiGroup.

Cụ thể, Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường 2020 của CTCP ThaiHoldings (tháng 8/2020) đã thông qua phương án phát hành 296,1 triệu cổ phần với giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phần (tổng tiền thu về 2.961 tỷ). Trong đó, CTCP ThaiHoldings dự chi 2.954 tỷ để mua 204 triệu cổ phần ThaiGroup (tỷ lệ 81,6% vốn), tương đương giá mua là 15.000 đồng/cổ phần.

Thương vụ này trở nên đáng chú ý bởi ThaiGroup vốn là công ty mẹ của ThaiHoldings khi sở hữu gần 74% vốn tính đến đầu năm 2019. Mặt khác, bản thân “bầu” Thụy (hay ông Nguyễn Đức Thụy) – Chủ tịch HĐQT ThaiGroup, cũng từng nắm chức vị cấp cao tương tự tại ThaiHoldings. Ngoài ra, dù ThaiGroup đã thoái hết vốn (tháng 4/2019), nhưng “bầu” Thụy hiện vẫn là cổ đông lớn duy nhất tại ThaiHoldings khi nắm 20% vốn công ty.

Đặc biệt hơn, thương vụ này được công bố chỉ nửa tháng sau khi cổ phiếu THD của ThaiHoldings niêm yết trên sàn HNX. Tính đến phiên giao dịch 4/12, thị giá THD đạt 31.900 đồng/cổ phiếu (giá điều chỉnh), tăng gấp 7,3 lần so với giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên (19/6/2020). Đây cũng là mức đỉnh của THD từ khi niêm yết đến nay.

Nhiều ý kiến nhận định, thương vụ M&A ngược này là hấp lực đẩy giá cổ phiếu THD. Bởi, một khi thâu tóm thành công ThaiGroup, ThaiHoldings sẽ nắm trong tay nhiều dự án, tài sản có giá trị.

Phát lộ hệ sinh thái đa dạng của “bầu” Thụy

Năm 1976, Tổ hợp xây dựng Bình Minh đã được ra đời tại Ninh Bình với hoạt động chủ yếu là xây dựng công trình dân dụng. Chủ nhiệm hợp tác xã là ông Nguyễn Xuân Thành (SN 1950). Dưới sự chèo lái của ông, Tổ hợp xây dựng Bình Minh sau đó đổi tên thành Tập đoàn Xuân Thành và được đánh giá là tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu tại Ninh Bình.

Để chuẩn bị cho thế hệ tiếp theo quản lý cơ nghiệp đồ sộ, doanh nhân Nguyễn Xuân Thành đã sớm định hướng cho các con mình nắm những mảng kinh doanh riêng biệt. Như đã biết, “bầu” Thụy vào năm 2007 đã thay cha nắm vị trí Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xuân Thành. Đến tháng 5/2015, tập đoàn chính thức đổi tên thành ThaiGroup.

Nói đến ThaiGroup, trước hết phải đề cập đến lĩnh vực xây dựng. Đây là bước đệm và là bệ đỡ chính để ThaiGroup phát triển. Theo đó, tập đoàn gây ấn tượng với nhiều dự án khủng tại tỉnh Ninh Bình như Trung tâm thương mại Chợ Rồng, Khách sạn Hoa Lư, Khu nhà thi đấu đa năng, Sân vận động tỉnh, Nhà máy xử lý chất thải, Trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh, hay Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình...

Bên cạnh đó, không thể không đề cập các gói thầu nghìn tỷ như: Nạo vét sông Đáy từ cầu Gián Khẩu đến cửa Đáy và các tuyến nhánh qua sông Đáy để thoát lũ cho sông Hoàng Long với số vốn hơn 9.720 tỷ đồng; Cải tạo, nâng cấp đê Hữu Đáy đoạn qua thành phố Ninh Bình (từ K8+380 đến K32+400) với số vốn hơn 3.550 tỷ đồng; Bệnh viện Sản nhi tỉnh Ninh Bình với số vốn hơn 2.670 tỷ đồng; dự án Đầu tư xử lý cấp bách hệ thống chống ngập lụt thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư với số vốn là hơn 1.699 tỷ đồng…

Phạm vi hoạt động của ThaiGroup sau đó dần mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như: Thủy điện, khoáng sản, cảng nước sâu… và tiêu biểu nhất là xi măng. Trong quá trình hoạt động, ThaiGroup của “bầu” Thụy đã rót hàng nghìn tỷ đồng vào các nhà máy xi măng, như: Nhà máy Xi măng Xuân Thành tại Hà Nam với công suất 3,6 triệu tấn/năm; Nhà máy xi măng Thạnh Mỹ tại Thạnh Mỹ, tỉnh Quảng Nam có công suất 3,6 triệu tấn/năm (hoàn thành năm 2013); Nhà máy xi măng tại Bình Phước công suất 12 triệu tấn/năm; Nhà máy xi măng tại Kiên Giang công suất 6 triệu tấn/năm đã được Chính phủ cấp phép…

Đặc biệt, ngoài các lĩnh vực truyền thống, ThaiGroup đã và đang lấn sân mạnh mẽ vào lĩnh vực bất động sản. Một trong các quyết định gây bất ngờ với giới đầu tư là ông mạnh tay chi hơn 1.000 tỷ đồng mua trọn lô 52,4% CTCP Du lịch Kim Liên (tháng 12/2015) – chủ sở hữu Khách sạn Kim Liên với diện tích 3,5 ha nằm ở vị trí đắc địa bậc nhất Hà Nội.

Như Nhadautu.vn từng đề cập, ThaiGroup không giấu diếm tham vọng tái cơ cấu toàn bộ khách sạn Kim Liên và định hướng phát triển khách sạn này trở thành khu phức hợp cao cấp.

Bên cạnh đó, công ty cũng chú trọng vào đầu tư các khu nghỉ dưỡng và khách sạn cao cấp như dự án khu nghỉ dưỡng Phức hợp Enclave Phú Quốc (bãi ấp Thơm và ấp đá Chồng tại Kiên Giang) – nắm qua CTCP Enclave Phú Quốc; tòa nhà văn phòng cho thuê hạng A Thaiholdings Tower (17 Tông Đản, Hà Nội) – sở hữu gián tiếp qua CTCP Tôn Đản Hà Nội…

Bên cạnh đó, CTCP Thaigroup Quảng Ngãi – một pháp nhân do ThaiGroup nắm 40% vốn, vào tháng 7/2019 đã đề xuất ý tưởng quy hoạch và đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái Đảo Ngọc tại Quảng Ngãi. Mặc dù thống nhất với đề xuất này, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, nhà đầu tư cần phối hợp với các sở, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án.

ThaiGroup cũng trực tiếp nắm 5% vốn CTCP ThaiLand, tiền thân là CTCP Xuân Thành Land. Cập nhật đến ngày 30/7/2019, ThaiLand có vốn điều lệ 388,68 tỷ đồng, gồm 13 cổ đông góp vốn. Trong đó, trực tiếp “bầu” Thụy sở hữu 66,52% vốn; ông Đào Minh Quang nắm 19,23%, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Xuân Thái 5%....

Thương hiệu cũ Xuân Thành Land được biết đến chủ yếu với dự án Khu nhà ở chức năng Xuân Thành Land - Nguyễn Huy Tự (Hà Tĩnh). Quy mô dự án là 24.733,8 m2, tổng vốn đầu tư 364,346 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện bắt đầu từ Quý IV/2012 đến Quý II/2015.

Như Nhadautu.vn từng đề cập, Xuân Thành Land vào ngày 26/9/2012 được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án. Tuy vậy, dự án không được triển khai trong thời gian dài, gây bức xúc trong dư luận và cử tri địa phương. Tới tháng 4/2020, Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư thay đổi lần 2, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án từ Quý II/2020 - Quý IV/2022. Dự án sau đó được tái khởi công với thương hiệu mới là D’. Metropole Hà Tĩnh của Tân Hoàng Minh Group, nhà phát triển dự án chính là Xuân Thành Land – lúc này đã đổi tên thành CTCP ThaiLand.

Ngoài ra, cái tên Xuân Thành Land còn gắn liền với loạt dự án như: Khu đô thị Pearl River (Duy Tiên, Hà Nam), Khu đô thị Xuân Thành Land - Văn Giang (Hưng Yên), quy mô 43,85 ha…

Bức tranh tài chính kém sắc

Có quy mô đồ sộ, nhưng kết quả kinh doanh của ThaiGroup không thực sự tích cực. Năm 2019, tập đoàn ghi nhận doanh thu hợp nhất 3.580 tỷ đồng, nhưng lỗ ròng đến 389 tỷ. Khoản lỗ này đã đẩy lỗ lũy kế ThaiGroup tính đến hết ngày 31/12/2019 lên đến 641 tỷ đồng, chiếm 24% vốn chủ sở hữu. Thêm vào đó, với việc nợ ngắn hạn trên BCTC 2019 lớn hơn tài sản ngắn hạn 1.957 tỷ, ThaiGroup bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục.

Dù vậy, tập đoàn cho biết, sự chênh lệch này chủ yếu do ThaiGroup tập trung đầu tư vào các tài sản cố định có giá trị lớn (như nhà máy xi măng, bến cảng,…) và đầu tư sở hữu cổ phần các doanh nghiệp có lợi thế kinh doanh như nắm 52,43% CTCP Du lịch Kim Liên; 80,45% vốn CTCP Tôn Đản Hà Nội; 98% CTCP Enclave Phú Quốc… Ngoài ra, Tập đoàn cũng dự kiến thanh lý một số tài sản dài hạn như: Nhà máy xi măng Thạnh Mỹ; mỏ nguyên liệu đá vôi; mảng kinh doanh taxi; 2,7 ha đất tại KĐT Xuân Thành, Ninh Bình; và Cảng Ninh Phúc nhằm có dòng tiền thanh toán các khoản nợ đến hạn.

Với ThaiHoldings, lũy kế 9 tháng đầu năm 2020 ghi nhận doanh thu 1.155,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 71 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 206,6% và 119,1%. Dù vậy, lợi nhuận doanh nghiệp chỉ mới hoàn thành được 19,7% kế hoạch cả năm.

Tính tới ngày 30/9/2020, tổng tài sản của ThaiHoldings tăng 96,7% lên 1.672,8 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn 688,5 tỷ đồng, chiếm 41,2% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn 637,5 tỷ đồng, chiếm 38,1% tổng tài sản; tài sản dài hạn khác là 273,8 tỷ đồng, tương đương 16,4% tổng tài sản. Trong kỳ khoản phải thu ngắn hạn tăng 305% lên 688,5 tỷ đồng, chủ yếu là từ phải thu khách hàng.

Đối với những cái tên như Tôn Đản Hà Nội, Enclave Phú Quốc, ThaiLand, Thaigroup Quảng Ngãi, do các dự án sở hữu đang trong quá trình bước đầu vận hành, thi công hoặc đề xuất đầu tư, không ngạc nhiên khi 4 doanh nghiệp này đều chịu lỗ trong năm 2019.

nhadautu - nhom cong ty bds

Trong khi đó, chỉ duy nhất Du lịch Kim Liên đạt 98,2 tỷ đồng doanh thu thuần và 11,5 tỷ lãi thuần.

Tương tự, các công ty con/liên kết hoạt động trong lĩnh vực khác của ThaiGroup chỉ ghi nhận Công ty TNHH Đầu tư và PT THD (ThaiGroup nắm 88% vốn) có lãi thuần 1,4 tỷ. Trong khi đó, những CTCP Xi măng Kaito Hà Tiên (ThaiGroup nắm 80% vốn), Công ty TNHH MTV ThaiGroup Bình Phước (100% vốn) và CTCP Xuân Thành Quảng Ngãi (40%) đều hoạt động thua lỗ.

nhadautu - cong ty thanh vien khac

Trở lại với thương vụ M&A, việc giá cổ phiếu THD ngày càng tăng phần nào phản ánh kỳ vọng của giới đầu tư, cũng như tiềm năng của ThaiHoldings. Bởi, chỉ nội việc các dự án bất động sản được hoàn thành (hoặc đi vào hoạt động ổn định) sẽ đóng góp dòng tiền khổng lồ cho ThaiHoldings. Mặt khác, thương vụ này cũng đem về “bầu” Thụy và nhóm cổ đông liên hệ nguồn lực khổng lồ để tiếp tục đầu tư các dự án khác trong tương lai. Dù vậy, vẫn còn đó không ít lo ngại đặt ra, bởi M&A thành công ThaiGroup đồng nghĩa ThaiHoldings sẽ phải gánh khoản lỗ lũy kế lên đến 641 tỷ đồng.

Link gốc : https://nhadautu.vn/he-mo-ve-thaigroup-cua-bau-thuy-d45995.html

Bạn đang đọc bài viết Hé mở về ThaiGroup của 'bầu' Thuỵ tại chuyên mục Big Corp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Big Corp
Sở hữu “hệ sinh thái” với hơn chục công ty thành viên, quy mô vốn của hầu hết các pháp nhân chủ chốt thuộc Trungnam Group đều là những con số nghìn tỉ đồng.