Các ngân hàng “bơm” bao nhiêu vốn cho lĩnh vực bất động sản? (Ảnh minh hoạ) |
Cho vay bất động sản tăng mạnh năm 2021
Theo số liệu được đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, tăng trưởng tín dụng bất động sản tính đến tháng 11/2021 tăng 12% so với năm 2020 và chiếm khoảng 18-20% trong tổng dư nợ nền kinh tế. Trong cơ cấu tín dụng bất động sản, cho vay mua bất động sản để sử dụng chiếm 68%, còn lại là kinh doanh bất động sản.
Với dư nợ cho vay toàn nền kinh tế vào cuối năm 2021 đạt hơn 10,44 triệu tỷ đồng, ước tính dư nợ cho vay đối với lĩnh vực bất động sản nằm trong khoảng 1,88 – 2,09 triệu tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản là khoảng 600.000 - 670.000 tỷ đồng.
Dư nợ cho vay đối lĩnh vực xây dựng, bất động sản ở một số ngân hàng đã tăng thêm từ hàng trăm đến hàng chục nghìn tỷ đồng trong năm 2021.
Tại Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB), dư nợ cho vay doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng vào cuối năm đạt hơn 128.000 tỷ đồng, tăng gần 13.000 tỷ đồng, tương đương hơn 11% so với cùng kỳ năm trước và chiếm đến 78% tổng dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp. Nếu tính cả các khoản vay cá nhân mua nhà, dư nợ cho vay liên quan đến bất động sản của ngân hàng này đạt trên 254.000 tỷ đồng, tăng gần 51.500 tỷ đồng và tương đương 73% tổng dư nợ.
Tính đến cuối quý IV/2021, cho vay lĩnh vực bất động sản của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đạt 85.000 tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm và chiếm gần 42% tổng dư nợ của ngân hàng.
Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB), dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng mở rộng thêm gần 25.500 tỷ đồng lên trên 123.400 tỷ đồng, chiếm gần 35% tổng dư nợ cho vay. Trong đó, dư nợ cho vay cá nhân mua nhà ở, quyền sử dụng đất ở là 54.352 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cuối năm 2020 và chiếm 15,3% tổng dư nợ. Cho vay kinh doanh bất động sản đạt hơn 42.567 tỷ đồng, tăng 15,3% và chiếm 11,98%. Cho vay xây dựng hơn 26.492 tỷ đồng, tăng hơn 7% và chiếm 7,46% tổng dư nợ.
Dự nợ cho vay mảng xây dựng và kinh doanh bất động sản của Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) tại thời điểm cuối năm 2021 là gần 35.155 tỷ đồng, tăng hơn 7.600 tỷ đồng so với đầu năm. Con số này chưa tính lượng dư nợ cho vay dưới hình thức cho vay tiêu dùng hộ gia đình.
Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB), dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản và xây dựng tăng hơn 61% trong năm 2021 đạt gần 26.312 tỷ đồng và chiếm gần 26% tổng dư nợ cho vay. Trong đó, cho vay kinh doanh bất động sản tăng 34,5% lên 12.136 tỷ đồng; cho vay lĩnh vực xây dựng tăng gần gấp đôi với 14.176 tỷ đồng.
Tương tự, Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank - Mã: TPB) cũng cho vay thêm hơn 1.900 tỷ đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản và xây dựng trong năm 2021, tương đương tăng 12,2%. Tại thời điểm 31/12/2021, dư nợ cho vay của TPBank đối với hai ngành nghề này đạt lần lượt 9.763 tỷ đồng và 7.776 tỷ đồng, tăng 20,4% và 3,5%.
Tại Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank - Mã: KLB), dư nợ cho vay mảng bất động sản và xây dựng vào cuối năm 2021 đạt gần 4.346 tỷ đồng, tăng 706 tỷ đồng so với cuối năm 2020, tương đương tăng 19,4%.
Ngân hàng Bản Việt cũng ghi nhận tăng trưởng cho vay lĩnh vực kinh doanh bất động sản ở mức hai chữ số. Cụ thể, đến cuối năm 2021, ngân hàng này cho vay 7.267 tỷ đồng, tăng 28,4% so với với cuối năm 2020 và chiếm 15,7% tổng dư nợ. Trong khi cho vay mảng xây dựng giảm 154 tỷ đồng xuống còn 6.884 tỷ đồng.
Siết tín dụng vào lĩnh vực bất động sản
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có quyết định về kế hoạch hành động của ngành ngân hàng với mục đích nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp được quy định tại Nghị quyết số 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, NHNN yêu cầu không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp.
Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế tối đa phát sinh nợ xấu, đặc biệt đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nêu trên.
Đồng thời kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, quy định nội bộ trong hoạt động cấp tín dụng; cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản và tuân thủ đúng các quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng và quy định liên quan.
Gần đây, đã có 2 ngân hàng thông báo tạm dừng giải ngân vốn vào lĩnh vực bất động sản. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) tạm dừng đến ngày 30/6/2022.
Techcombank tạm dừng giải ngân các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và vay thứ cấp mua bất động sản (gồm chưa/đã có giấy chứng nhận) kể từ ngày 25/3/2022. Với các khoản vay tạm dừng giải ngân nêu trên, đơn vị kinh doanh trao đổi và đàm phán với khách hàng để rời lịch giải ngân các khoản vay này sang ngày 1/4/2022.
Bên cạnh thị trường trái phiếu chưa thực sự ổn, trong năm nay, các ngân hàng đã bắt đầu siết tín dụng theo chỉ đạo của NHNN. Trước tiên là siết các công ty bất động sản lớn, sau là giám sát nghiêm ngặt vấn đề nợ xấu, không cho phép đảo nợ trá hình, không cho phép cố neo các xếp hạng nhóm nợ.