Ngày 15/3, Toạ đàm "Triển vọng ngân hàng số và Xu hướng gắn kết khách hàng đa kênh tại Việt Nam" được diễn ra dưới hình thức trực tuyến với sự tham dự của hơn 200 đại biểu trong và ngoài nước, từ cơ quan quản lý, đại diện các ngân hàng cho tới các chuyên gia.
Số hóa ngân hàng đã đáp ứng được nhu cầu cấp bách
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: “Chuyển đổi số ngành ngân hàng có tác động tích cực tới nền kinh tế nói chung và xu hướng tiêu dùng. Có thể thấy, các ngân hàng thương mại trong hai năm qua cũng đã rất tích cực chủ động, đi trước một bước để thúc đẩy quá trình này để có được kết quả như hiện tại - dù dịch bệnh, giãn cách nhưng mọi thanh toán trên cả nước vẫn thông suốt”.
Từ đó, ứng dụng thanh toán trên ngân hàng số đã đáp ứng được nhu cầu cấp bách, thường xuyên đối với mọi thành phần kinh tế.
Bên cạnh đó, thực tiễn trong giai đoạn giãn cách do Covid-19, đại đa số người dân đều đã tiếp cận được hình thức thanh toán này, đó là một cú hích mạnh mẽ và tích cực trong việc chuyển đổi giao dịch phi tiền mặt.
Chuyển đổi số lĩnh vực tài chính đã dần được bắt đầu ngay ở ý thức của mỗi người dân, từ người bán hàng nhỏ lẻ ở chợ, cho tới người bán hàng online, họ đã biết cách biến ngân hàng trở thành chiếc ví của họ nhằm quản lý tài chính, và chiếc ví đó sẽ được sử dụng thường xuyên qua app điện thoại.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các ngân hàng đều muốn đi tắt đón đầu, đồng thời giảm được chi phí đầu tư, triển khai, cũng như gia tăng hiệu suất hoạt động. Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để các ngân hàng vẫn có thể duy trì được lợi thế cạnh tranh dù cùng khai thác trên cùng một nền tảng công nghệ số?
Ông Riddhi Dutta, Giám đốc khu vực Đông Nam Á và Nam Á Backbase cho biết, cho dù tiến trình số hoá đang diễn ra khá tốt ở ngân hàng Việt Nam, cụ thể là những sản phẩm tiết kiệm, tín dụng, thanh toán, song khi nghiên cứu về những sản phẩm chính như cho vay, vẫn còn rất nhiều dư địa để cải tiến cho phép khách hàng tiềm năng khởi tạo khoản vay bằng công nghệ số.
Điều này không chỉ thể hiện ở ngân hàng Việt Nam mà cả ở những ngân hàng khu vực Đông Nam Á đều có thực trạng tương tự, dù vận hành tốt ở phần hỗ trợ thông tin, nhưng ở phần tài chính cho khách hàng cá nhân hay khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ lại chưa thực sự được khai thác hết.
Ngân hàng thương mại đã có chiến lược cạnh tranh gì?
Trả lời về câu hỏi này, ông Trần Đình Khiêm, Giám đốc Nền tảng số & Dịch vụ Ngân hàng số, Techcombank cho biết, mọi ngân hàng hiện nay đều rất tự tin với dịch vụ và trải nghiệm họ đem tới cho khách hàng, đây là một điều tốt cho khách hàng bởi chính sự cạnh tranh đó lại đem đến cho khách hàng ngày càng nhiều sự lựa chọn tốt.
Với Techcombank, ba trụ cột hướng tới luôn là: công nghệ, dữ liệu và nhân tài. Về mặt công nghệ, chỉ chiếm khoảng 20-30% thành công của một tổ chức, không chỉ riêng ngành ngân hàng. Đa phần còn lại nằm ở yếu tố con người và dữ liệu.
Theo ông, ngày xưa nếu ta so sánh dữ liệu là dầu, thì ở thời điểm hiện tại dữ liệu chính là không khí. Quan trọng đến vậy bởi hằng ngày, khi đánh giá hay đưa ra bất kỳ góc nhìn nào về một sự vật sự việc, ta đều cần dùng đến dữ liệu.
Bởi dữ liệu không chỉ để khai thác, mà còn là công cụ sử dụng trong cuộc sống hằng ngày, đó cũng chính là chìa khoá để nâng cao trải nghiệm khách hàng, khách hàng muốn cá nhân hoá dịch vụ hay cải thiện ở bất kỳ điểm nào, ngân hàng cũng có thể phân tích, đưa ra định hướng dựa trên dữ liệu thu thập được.
Về con người, trong tiến trình số hoá, chúng ta luôn luôn cần tư duy của con người, sự tập hợp của đội ngũ. Trong đó yếu tố quan trọng là khả năng tư duy triển khai và truyền tải của đội ngũ cán bộ của mỗi tổ chức.
Mặt khác, ông Nguyễn Quang Thông, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân, Ngân hàng Nam Á bày tỏ, chiến lược của Nam Á là “Lấy khách hàng làm trung tâm”.
Theo đó, khách hàng là sự khởi nguồn và định hướng chiến lược cho mọi giải pháp thích ứng trước biến động thị trường. Đồng thời, tập trung vào hai trọng điểm: tăng tương tác với khách hàng và gia tăng trải nghiệm khách hàng trên mọi nền tảng số.
Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh yếu tố “Cần là có, tìm là thấy” là rất quan trọng với các ngân hàng ở thời điểm hiện tại. Để có thể xác định ngân hàng đã đủ tiếp cận với khách hàng hay chưa, lại không thể thiếu yếu tố về công nghệ. Nếu không có nền tảng đủ tốt, thì nguồn lực hay ý chí thay đổi của ngân hàng cũng không thể phát huy hết tác dụng.
Phát triển hệ sinh thái số, hành lang pháp lý cần sửa đổi
Theo Backbase, xu hướng trong tương lai, các khách hàng hy vọng có thể khởi tạo khoản vay nhỏ như mua nhà, mua xe, thương mại,...theo phương thức online và đơn giản hoá quy trình. Sau khi đã hoàn tất theo lộ trình cập nhật tới khách hàng, ngân hàng có thể có hoạt động tương tác của con người thông qua tư vấn để xây dựng thiện cảm trong trải nghiệm khách hàng.
Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam, khi thực hiện những khoản cho vay trực tuyến, sẽ cần dựa trên hai phần. Thứ nhất, quy trình cho vay từ quy định của các ngân hàng; thứ hai, cần dựa trên pháp lý hiện hành của Nhà nước.
Từ đó, đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định: “Khi lấy khách hàng làm trung tâm, có nghĩa hệ sinh thái khách hàng giờ đây là hệ sinh thái chung, muốn vậy cần có hành lang pháp lý thật chặt chẽ để tất cả đều có thể khai thác và phát triển trên một nền tảng chung - nền tảng số”.
Ông cho biết, hành lang pháp lý đối với hoạt động của ngân hàng số vẫn còn tồn tại những vướng mắc. Ông lấy ví dụ, hiện tại đã có một số ngân hàng hoạt động phục vụ khách hàng theo hướng chuyên biệt, cũng là hướng các tổ chức tín dụng đang triển khai; tuy nhiên, để làm được việc đó đúng hướng, hành lang pháp lý là điều không thể thiếu.
Hiện tại, Luật Giao dịch điện tử được ban hành từ năm 2014, tới nay vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung, chính vì vậy những văn bản được Ngân hàng nhà nước ban hành liên quan đến cho vay, bảo lãnh, xác thực thông qua eKYC mới chỉ dừng ở việc mở tài khoản.
Những vấn đề khác liên quan đến tiền bạc và trách nhiệm pháp lý với những khoản phê duyệt, hợp đồng ký kết lại chưa hoàn thiện. Vậy nên trong thời gian tới, đây cũng là điều cần được ưu tiên sửa đổi, bổ sung.
Ông thông tin thêm, hiện nay, Bộ Thông tin & Truyền thông đã trình lên Chính phủ, đề xuất với Quốc hội để cố gắng trong năm 2022 sẽ tiến hành sửa đổi Luật cho phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, đại diện của Nam Á Bank cũng đóng góp thêm ý kiến, các hoạt động về giao dịch với ngân hàng, những chính sách về tín dụng, thế chấp, bảo lãnh vẫn tồn tại ở hợp đồng giấy, quy trình đảm bảo rất nhiều giấy tờ, đây có thể coi là điểm yếu của quá trình số hoá ngân hàng.
Do đó, cần có khung pháp lý cụ thể cho hoạt động giao kết điện tử, chữ ký điện tử trong các hoạt động ngân hàng, đặc biệt là hoạt động tín dụng.
|