Xử lý nợ xấu: Cần đồng bộ quyết liệt

NHVN 11:29 16/07/2020

Kể từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 ra đời, công tác xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD hiệu quả hơn và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Xử lý nợ xấu hiệu quả hơn

Trong báo cáo gửi tới Quốc hội, NHNN cho biết đến cuối tháng 3/2020, nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD tiếp tục được xử lý, kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3% là 1,77%. Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 3/2020, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 1.076,95 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Riêng năm 2019 xử lý được 159,7 nghìn tỷ đồng và 3 tháng đầu năm 2020 xử lý được 26,94 nghìn tỷ đồng.

Ảnh minh họa

Đặc biệt, kể từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 ra đời, công tác xử lý nợ xấu (XLNX) của hệ thống TCTD hiệu quả hơn và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tổng số nợ xấu được xử lý kể từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đến nay đạt trung bình khoảng 7,15 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 3,63 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả XLNX của hệ thống các TCTD trong giai đoạn từ năm 2012 - 2017, tức trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (khoảng 3,52 nghìn tỷ đồng/tháng). Bên cạnh đó, tỷ trọng nợ xấu xử lý bằng hình thức khách hàng trả nợ/tổng nợ xấu nội bảng là khoảng 40,1%, cao hơn nhiều tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng trả nợ/tổng nợ xấu nội bảng đã xử lý trung bình năm từ 2012-2017 là 22,8%.

Chủ tịch HĐTV VAMC Nguyễn Tiến Đông cũng cho biết, tốc độ XLNX tại VAMC tăng 1,5 lần sau khi Nghị quyết 42 ra đời. Đặc biệt, từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của VAMC đạt 91.381 tỷ đồng, bằng 60% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 đến cuối tháng 3/2020.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của các TCTD, đối với công tác XLNX nói chung và XLNX theo Nghị quyết số 42 nói riêng thời gian vừa qua. Với vai trò cơ quan quản lý, xác định việc triển khai các chính sách XLNX là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng nhằm xử lý căn bản, triệt để nợ xấu theo Nghị quyết số 42 của các TCTD, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, NHNN đã chủ động, tích cực triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ được giao ngay sau khi Nghị quyết số 42 được Quốc hội thông qua. Trong quá trình triển khai, NHNN đã thường xuyên đánh giá kết quả đạt được, phân tích tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đồng thời báo cáo Chính phủ để kịp thời có biện pháp xử lý. Về cơ bản, NHNN đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, có hướng dẫn, chỉ đạo quyết liệt các TCTD, VAMC trong công tác triển khai Nghị quyết số 42. Qua đó, các TCTD, VAMC đã chủ động, tích cực quán triệt và nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42 trong toàn hệ thống. NHNN cũng đã tăng cường, đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các TCTD nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý các rủi ro, tồn tại trong hoạt động cấp tín dụng và XLNX của TCTD, thúc đẩy các TCTD triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 42...

Cần thêm cơ chế XLNX

Có thể thấy rõ công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với XLNX nói chung và XLNX theo Nghị quyết số 42 nói riêng trong thời gian qua có hiệu quả rõ rệt, đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị quyết số 42 trên thực tế còn một số vướng mắc, bất cập, có hiện tượng thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất khi áp dụng giữa các địa phương, bộ, ngành liên quan, ảnh hưởng đến tốc độ XLNX của hệ thống các TCTD. Cụ thể, việc thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ) của các TCTD, VAMC còn gặp nhiều khó khăn. Việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến TSBĐ tại Tòa án được kỳ vọng sẽ hỗ trợ xử lý nhanh hơn các khoản nợ tồn đọng, nhưng thực tế hiệu quả lại khiêm tốn khi số lượng các vụ việc xử lý theo hình thức này rất hạn chế. Theo báo cáo của một số TCTD như Agribank cho biết đã có 11 hồ sơ xin áp dụng thủ tục rút gọn được Tòa án thụ lý. Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa hồ sơ nào được xử lý do tòa kết luận chưa đủ điều kiện. Hay như tại BIDV có 19 hồ sơ xin áp dụng thủ tục rút gọn được Tòa án thụ lý; trong đó có 6 hồ sơ đang giải quyết, 6 hồ sơ được giải quyết nhưng lại được chuyển sang xét xử theo thủ tục thông thường... Có thể nói đến thời điểm này, quy định trên gần như không có tác động gì đối với các ngân hàng.

Việc được áp dụng thứ tự ưu tiên thanh toán nghĩa vụ về thuế, phí khi xử lý TSBĐ cũng đang gây khó khăn cho các TCTD. Theo quy định tại Nghị quyết 42, số tiền thu được từ xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ nhưng trên thực tế, các TCTD phản ánh về việc vẫn phải nộp các khoản thuế trước khi thực hiện nghĩa vụ ưu tiên thanh toán cho bên nhận bảo đảm là TCTD đã làm giảm số tiền thu hồi nợ của TCTD. Thậm chí nhiều trường hợp số tiền bán TSBĐ không đủ thu hồi nợ nhưng vẫn phải nộp thuế, gây khó khăn cho cả bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm, ảnh hưởng đến quyền chủ nợ có bảo đảm của TCTD.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước vẫn diễn biến phức tạp, ẩn chứa nhiều yếu tố bất ổn, nhất là tác động bất lợi từ dịch bệnh Covid-19 đặt ra những thách thức không nhỏ đối với mục tiêu về kiểm soát nợ xấu cũng như các mục tiêu khác đặt ra tại Đề án 1058, áp lực trong XLNX lên toàn hệ thống nói chung và VAMC nói riêng sẽ nặng nề… Do đó, việc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc liên quan đến việc triển khai Nghị quyết số 42 có ý nghĩa rất quan trọng để giảm thiểu tỷ lệ nợ xấu, đảm bảo mục tiêu XLNX đạt như kế hoạch đặt ra. Nếu không nợ xấu tiếp tục chịu tác động kép.

Để đảm bảo công tác XLNX gắn với tái cơ cấu TCTD đạt được mục tiêu theo Đề án 1058, lãnh đạo các TCTD đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các Bộ, Ngành, UBND các tỉnh, thành phố vào cuộc một cách mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa cùng với ngành Ngân hàng đẩy nhanh, hiệu quả XLNX. Bộ Tư pháp tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân sự rà soát lại những vụ việc thi hành án còn tồn đọng, liên quan đến xử lý TSBĐ thu hồi nợ để tập trung, ưu tiên giải quyết dứt điểm nhằm đảm bảo giá trị TSBĐ thu hồi lớn nhất; thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán án phí trong các vụ việc thi hành án tín dụng để thống nhất với quy định tại Điều 12 Nghị quyết số 42 về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ... Đối với Bộ Công an, các TCTD đề xuất Bộ chú trọng kiên quyết xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi chống đối, cản trở, đe dọa tính mạng, tinh thần của bên thu giữ tài sản để việc thu giữ TSBĐ được diễn ra thuận lợi, phù hợp quy định pháp luật...

Do phần lớn TSĐB là bất động sản, vì vậy Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có văn bản chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện quy định về điều kiện chuyển nhượng TSBĐ của khoản nợ xấu là dự án bất động sản và quy định về ưu tiên áp dụng luật khi xử lý đề nghị của TCTD liên quan đến việc chuyển nhượng các dự án khi chưa có Giấy chứng nhận; Nghiên cứu, sửa đổi điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong dự án bất động sản (khi thế chấp dự án bất động sản) tại Luật Đất đai... Cùng với đó, Bộ Tài chính cần phối hợp với NHNN đề xuất cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các TCTD, VAMC trong việc thực hiện Thông báo Kết luận số 106/TB-VPCP ngày 22/3/2019 về các khoản thuế, phí còn nợ của bên bảo đảm trong việc chuyển nhượng TSBĐ đã được cơ quan thi hành án dân sự xử lý để đẩy nhanh tiến độ thi hành án...

Từ thực tế XLNX thời gian qua, Chủ tịch HĐTV VAMC Nguyễn Tiến Đông cho rằng cần sớm Luật hóa Nghị quyết XLNX. Một trong những lý do chính khiến cho việc XLNX theo Nghị quyết 42 hiệu quả chưa cao do Nghị quyết chưa được luật hóa nên các chế tài chưa rõ ràng. Nhiều quy định tại Nghị quyết phải qua nhiều Bộ Luật thậm chí còn cao hơn cả Luật các TCTD rất khó cho ngân hàng, VAMC khi thực thi. “Vì vậy, trong thời gian tới nhất thiết phải Luật hóa Nghị quyết 42. Khi có chế tài Luật giao nhiệm vụ cho từng ngành, địa phương nếu không hoàn thành sẽ phải chịu trách nhiệm chứ như hiện tại rất khó quy trách nhiệm cho đơn vì nào”, ông Đông bày tỏ quan điểm.

Trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của các TCTD, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh yêu cầu Cơ quan TTGSNH, Vụ Pháp chế ghi nhận và tổng hợp các ý kiến hợp lý của các TCTD báo cáo Lãnh đạo NHNN để báo cáo, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, UBND có liên quan xử lý hoặc đề xuất Quốc hội có phương hướng xử lý… Đối với các khó khăn, vướng mắc, đề xuất của TCTD chưa hợp lý và các khó khăn, vướng mắc của TCTD đã được NHNN, các Bộ, ngành xử lý, Vụ Pháp chế, Cơ quan TTGSNH và VAMC sẽ cùng trao đổi cung cấp thêm thông tin cho TCTD về vấn đề này.

Theo Thời báo Ngân hàng

Link gốc : https://thoibaonganhang.vn/can-su-vao-cuoc-dong-bo-quyet-liet-de-day-manh-xu-ly-no-xau-104137.html

Bạn đang đọc bài viết Xử lý nợ xấu: Cần đồng bộ quyết liệt tại chuyên mục Dịch vụ tài chính. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Dịch vụ tài chính