Doanh nghiệp trông chờ gì ở ngân hàng?

NHVN 11:18 14/07/2021

Dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành khiến hoạt động kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vì vậy nhiều doanh nghiệp đang mong chờ ngân hàng giảm lãi suất cho những khoản vay hy hữu

Doanh nghiệp cầu cứu Chính phủ
Làn sóng COVID-19 lần thứ 4 đang cho thấy quy mô, cũng như mức độ ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với 3 đợt dịch trước đây cộng lại, điều này đã khiến cho mức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp đã đạt đến mức giới hạn.

Mới đây, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã có văn bản gửi đến Chính phủ đề xuất về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Đại dịch COVID-19.

Theo Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng vô cùng nặng nề đến hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp. Đa số doanh nghiệp trong hơn 1 năm rưỡi qua đã phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm dừng hoạt động.

Nhiều doanh nghiệp đã đến hạn trả gốc và lãi ngân hàng, song không có khả năng trả đúng hạn. Theo quy định, nếu không trả gốc và lãi đúng hạn, doanh nghiệp sẽ bị xem xét đánh giá xếp hạng tín dụng. Như vậy, khó khăn sẽ càng chồng chất. Nếu tình trạng này kéo dài, nhiều doanh nghiệp chắc chắn sẽ phá sản, hàng loạt lao động sẽ mất việc làm.

Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam đề nghị giảm đồng loạt lãi suất mọi khoản vay hiện hữu của doanh nghiệp 2%/năm trong ít nhất 1 năm (Ảnh minh họa)

Do vậy, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã đề xuất Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong đó, có đề nghị giảm đồng loạt lãi suất mọi khoản vay hiện hữu của doanh nghiệp 2%/năm trong ít nhất 1 năm, đồng thời, giảm lãi suất cho các khoản vay mới thêm từ 1,5-2%/năm.

Đáp lại lời “cầu cứu” của doanh nghiệp, ngày 10/7, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và 12 ngân hàng thương mại cổ phần xem xét tiếp tục giảm lãi suất cho vay với các khoản dư nợ hiện hữu.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn và khả năng chống chịu ngày càng suy giảm khi dịch bệnh kéo dài. Vì vậy, năm 2021 này vẫn cần những hỗ trợ tích cực và trách nhiệm hơn từ tất cả ngân hàng trong việc tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, hỗ trợ lãi suất.

Thực hiện theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước chiều 12/7, Hiệp hội Ngân hàng đã họp với lãnh đạo 16 ngân hàng gồm Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV, MB, Techcombank, SHB, LienVietPostBank, VPBank, VIB, TPBank, SeABank, MSB, Sacombank, ACB và HDBank để trao đổi, thống nhất phương thức và thời gian thực hiện việc giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu trong 5 tháng cuối năm 2021.

Tại cuộc họp, các ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay từ 0,5% đến 2,5% cho từng khoản vay để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn. Tùy theo đối tượng bị ảnh hưởng, các ngân hàng sẽ có mức giảm lãi suất phù hợp. Thời hạn thực hiện giảm lãi suất sẽ thực hiện sớm trong tháng 7 cho đến hết năm 2021.

Giảm lãi suất cho vay với dư nợ hiện hữu là thiết thực
Theo nhiều doanh nghiệp việc giảm lãi suất cho các khoản đang vay thiết thực hơn nhiều so với giảm lãi suất cho vay mới. Bởi tình hình dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp hạn chế vay mới để mở rộng sản xuất.

Trả lời trên VTV, ông Đào Ngọc Nam – Chủ tịch CTCP Tập đoàn An Việt cho biết, ngân hàng đã hỗ trợ doanh nghiệp giãn các khoản nợ, nhưng việc giảm lãi suất liên quan đến rất nhiều thủ tục, khiến doanh nghiệp chưa thể thực hiện được.

Hiện nay, nhiều ngân hàng đang có gói tín dụng ưu đãi giảm lãi suất từ 0,5 đến 1% nhưng hầu hết đều dành cho các khoản vay mới, việc giảm lãi cho các khách hàng, doanh nghiệp đang vay vốn chủ yếu đến từ các ngân hàng thương mại lớn có vốn nhà nước.

Các chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, lãi suất huy động đang ở mức thấp nhất trong lịch sử nhưng lãi vay vẫn giảm chưa tương xứng. Thời gian qua, một số ngân hàng tung gói tín dụng ưu đãi, nhưng để tiếp cận là không dễ dàng. Hiện nhiều ngân hàng vẫn giữ nguyên lãi suất cũ với các khoản vay trung, dài hạn khiến doanh nghiệp vẫn phải chịu lãi cao.

Trong khi đó, chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay rất lớn. Nếu lãi suất huy động bình quân chỉ 3-5%/năm, thì có những khoản vay vẫn treo lãi suất 9-10%/năm. Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các nhà băng có nguồn vốn đầu vào giá rẻ, nhưng lãi suất cho vay vẫn treo cao.

Việc 16 ngân hàng lớn đồng thuận giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu từ 0,5 đến hơn 2,5% tuỳ khách hàng, mức giảm trung bình khoảng 1%/năm ngay từ tháng 7/2021 là một tín hiệu tích cực và các doanh nghiệp hy vọng điều này sẽ sớm thành hiện thực. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, với những khoản vay hiện hữu có lãi suất trên 10%/năm, nếu chỉ giảm 1%/năm trong vòng một năm cũng không hỗ trợ được nhiều. Thử tính với 1 tỷ đồng, giảm được 10 triệu đồng lãi một năm thì không đáng kể trong hoàn cảnh hiện nay.

Mặt khác, theo thống kê, Tổng dư nợ cho vay của ngân hàng đang rơi vào khoảng 9,5 triệu tỷ đồng. Giả sử nếu lãi suất cho vay giảm 1%, tương đương các ngân hàng sẽ giảm 95.000 tỷ đồng lợi nhuận. Vì thế các chuyên gia tài chính cũng nhấn mạnh, việc giảm lãi suất cần tính toán đến từng nhóm khách hàng, cân đối giữa việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và đảm bảo hỗ trợ hiệu quả, vừa an toàn cho hoạt động của ngân hàng.

Theo Doanh nhân Việt Nam

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/giam-lai-suat-cho-vay-voi-du-no-hien-huu-35658.html?fbclid=IwAR1UqsxWBQNHXbYUlGobwHiibWoDnfLgveJOJqEuXutDKYEjwKhWkVLL5ks

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp trông chờ gì ở ngân hàng? tại chuyên mục Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Ngân hàng