VCCI góp ý một số nội dung về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng

NHVN 08:01 06/09/2021

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra góp ý việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.

Phản hồi đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc góp ý vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổng hợp ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng.


Đề xuất điều chỉnh một số nội dung về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính

Theo đó, đề xuất điều chỉnh một số nội dung liên quan tới xử lý vi phạm quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính; vi phạm về trung gian thanh toán...

Cụ thể, dự thảo bổ sung quy định xử phạt các hành vi vi phạm về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Trong đó có các hành vi vi phạm như không ký kết hợp đồng về việc mở điểm giới thiệu dịch vụ và hợp đồng không quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các bên liên quan và thời hạn hiệu lực hợp đồng.

Việc xử phạt 2 hành vi này dường như chưa phù hợp với tính chất của việc xử phạt vi phạm hành chính. Vì đây là các hành vi có tính chất giao dịch dân sự, nếu có vi phạm thì quyền lợi của các bên sẽ bị ảnh hưởng và sẽ giải quyết theo pháp luật dân sự. Bởi lẽ, tác động của những hành vi này tới mục tiêu quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng là không đáng kể. Do đó, VCCI đề xuất cơ quan soạn thảo bỏ quy định nói trên.

Dự thảo sửa đổi các quy định xử phạt hành vi vi phạm về hoạt động thanh toán và trung gian thanh toán của Nghị định 88/2019/NĐ-CP nhưng theo thuyết minh thì căn cứ để sửa đổi các hành vi vi phạm trong 2 điều này lại dựa vào dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt.

Trong khi dự thảo đó hiện đang được soạn thảo và chưa được ban hành nên không đảm bảo chắc chắn có hay không sự thay đổi trong thời gian còn đang tập hợp ý kiến đóng góp. Việc dự thảo sửa đổi các quy định xử phạt căn cứ trên văn bản chưa được ban hành cần được xem xét cân nhắc về tính chính xác.

Từ phân tích trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo tạm thời chưa sửa đổi quy định này tại Nghị định 88/2019/NĐ-CP cho tới khi các quy định này tại Nghị định 101/2012/NĐ-CP đã được ban hành.

Quy định về xử phạt hành vi rửa tiền cần cụ thể hơn

Liên quan tới hành vi vi phạm phòng, chống rửa tiền, phòng chống tài trợ khủng bố phòng chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, dự thảo đã nâng mức xử phạt lên gấp 3 lần hoặc hơn để đảm bảo tính răn đe. Đây là các mức phạt tiền khá lớn, sẽ tác động lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp. Vì vậy theo VCCI, các quy định trong dự thảo phải đảm bảo đủ, rõ ràng, cụ thể để đảm bảo thống nhất trong cách hiểu.

Ví dụ xử phạt đối với các hành vi “không thường xuyên kiểm tra, làm rõ ngay khi có nghi ngờ giao dịch của khách hàng có liên quan đến tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt” tại Khoản 4, Điều 44 Nghị định 88/2019/NĐ-CP được sửa đổi tại Khoản 13, Điều 1 của dự thảo; hay “không báo cáo ngay khi thực hiện việc tạm ngừng lưu thông, phong tỏa toàn bộ tiền, tài sản liên quan đến tài trợ khủng bố và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt” tại Điểm c, Khoản 1, Điều 44a của Nghị định và được bổ sung tại Khoản 14 Điều 1 dự thảo).

Khái niệm “làm rõ ngay”, “không báo cáo ngay” là chưa đủ rõ và có thể tạo nhiều cách diễn giải khi áp dụng. Theo quan điểm của VCCI, cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ các quy định tại dự thảo để quy định lại theo hướng định lượng những khái niệm nói trên.

Lo ngại vay tiêu dùng bùng nổ, bộ Công Thương đưa ra lưu ý khi ký kết hợp đồng

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (bộ Công Thương) vừa có cảnh báo, lưu ý người tiêu dùng khi ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.

Theo cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, đại dịch Covid-19 với những diễn biến ngày càng phức tạp, khó kiểm soát đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế chung của đất nước, kéo theo đó là những tác động tiêu cực đến tình hình lao động việc làm. Theo báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm quý I năm 2021 của tổng cục Thống kê, hiện nay, cả nước vẫn còn 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19.

Trong đó, nam giới chiếm 51% và số người trong độ tuổi từ 25 đến 54 chiếm gần hai phần ba.

Có 540 nghìn người bị mất việc; 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 3,1 triệu người cho biết họ bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động báo cáo họ bị giảm thu nhập.

Lao động khu vực thành thị chịu tác động nhiều hơn khu vực nông thôn với 15,6% lao động khu vực thành thị còn bị ảnh hưởng, trong khi đó con số này ở nông thôn là 10,4%.

Nhóm lao động thất nghiệp chịu tác động mạnh mẽ nhất khi 36,3% trong số họ vẫn còn chịu ảnh hưởng tiêu cực, tiếp đó là lao động có việc làm (15,5%), chỉ có 4,3% lao động không hoạt động kinh tế còn chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch này.

Đứng trước những khó khăn kéo dài chưa có điểm dừng đối với tình hình kinh tế nói chung và tình trạng việc làm nói riêng do đại dịch Covid-19 gây ra, hình thức cho vay tiêu dùng ở Việt Nam có dấu hiệu sẽ trở thành xu hướng mới và phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của người dân trong và sau đại dịch. Để bảo vệ tối đa quyền lợi cho người tiêu dùng cũng như lường trước những hậu quả không đáng có, cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (bộ Công Thương) đưa ra một số lưu ý cho người tiêu dùng liên quan đến hình thức cho vay tiêu dùng này.

Cụ thể, Hợp đồng tín dụng giữa khách hàng và tổ chức tín dụng là hợp đồng dân sự, người vay phải ký hợp đồng vay tiêu dùng bằng văn bản với tổ chức tín dụng, bởi mọi hình thức giao kết khác như bằng lời nói, hành vi cụ thể... sẽ dẫn đến việc hợp đồng đó vô hiệu về hình thức theo quy định của pháp luật dân sự.

Khi nhận được dự thảo hợp đồng do tổ chức tín dụng cung cấp, người vay cần đọc, tìm hiểu và nghiên cứu thật kỹ toàn bộ nội dung hợp đồng, lưu ý và cân nhắc kỹ một số nội dung có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của mình như thời hạn cho vay; lãi suất cho vay; các trường hợp áp dụng lãi phạt và cách tính; các loại phí khác mà người vay phải trả (ngoài các khoản phí và lãi cố định).

Đáng chú ý, khách hàng cần lưu ý và cân nhắc một số điểm quan trọng: Thời hạn cho vay, thời hạn duy trì hạn mức; Lãi suất cho vay, thời điểm xác định lãi suất, phương pháp tính lãi; Các trường hợp áp dụng lãi phạt và cách tính; các loại phí khác mà khách hàng phải trả (ngoài các khoản phí và lãi cố định); theo quy định tại hợp đồng, khách hàng có được gia hạn nợ hay không? Gia hạn như thế nào? Cách tính lãi và các khoản phí liên quan trong trường hợp này...

Người vay nên chủ động tìm hiểu thật kỹ, cân nhắc kỹ, không nên đăng ký khoản vay quá khả năng chi trả của bản thân. Có kế hoạch rõ ràng trong việc cân đối chi tiêu để thanh toán các khoản vay theo kỳ hạn, trả đúng hạn nhằm tránh việc trả nợ quá hạn và các khoản lãi phát sinh hoặc mất khả năng thanh toán nợ.

Trong khi đó, công ty tài chính có nghĩa vụ phải cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng để khách hàng xem xét, quyết định trước khi ký và phải giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực các nội dung cụ thể hợp đồng cho vay tiêu dùng khi có yêu cầu của khách hàng.

Ngoài ra, công ty tài chính phải thực hiện niêm yết công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung về cho vay tiêu dùng tại trụ sở, điểm giới thiệu dịch vụ và đăng tải trên trang thông tin điện tử của công ty tài chính.

Theo Người đưa tin

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/vcci-gop-y-mot-so-noi-dung-ve-xu-phat-vi-pham-trong-linh-vuc-tien-te-a526542.html

Bạn đang đọc bài viết VCCI góp ý một số nội dung về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng tại chuyên mục Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Ngân hàng