6 'ông lớn” nhà nước phải thoái vốn trong năm 2022

NHVN 12:00 01/09/2021

Tổng công ty cổ phần Bia, Rượu, Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco; Tập đoàn FPT; Tổng công ty cổ phần Bảo Minh; Công ty cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong;

Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam; Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam phải thực hiện thoái vốn trong năm 2022.

Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, do công tác cổ phần hóa cần có thời gian để tiến hành theo quy trình, từ lúc xác định giá trị doanh nghiệp đến lúc triển khai bán cổ phần lần đầu, thu tiền về ngân sách nhà nước (NSNN) cần một thời gian nhất định nên nguồn thu từ công tác cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp Trung ương trong năm 2022 theo kế hoạch phụ thuộc vào công tác thoái vốn tại các doanh nghiệp do SCIC quản lý.

Cục Tài chính doanh nghiệp trình Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ có giải pháp giao nhiệm vụ cho các Cơ quan, đơn vị chủ động tổ chức thực hiện công tác thoái vốn ngay từ Quý I năm 2022.

Cục Tài chính doanh nghiệp xây dựng kế hoạch thoái vốn trong năm 2022 (sau khi dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát) dự kiến tại 6 doanh nghiệp thuộc danh mục theo Thông báo số 281/TB-VPCP ngày 07/9/2016 của Văn phòng Chính phủ.

Cụ thể, Tổng công ty cổ phần Bia, Rượu, Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (giá trị phần vốn nhà nước theo mệnh giá là 2.308 tỷ đồng); Tập đoàn FPT (giá trị phần vốn nhà nước theo mệnh giá 460,1 tỷ đồng); Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (giá trị phần vốn nhà nước theo mệnh giá 463,1 tỷ đồng); Công ty cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (giá trị phần vốn nhà nước theo mệnh giá 437 tỷ đồng); Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (giá trị phần vốn nhà nước theo mệnh giá 529 tỷ đồng); Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (giá trị phần vốn nhà nước theo mệnh giá 160 tỷ đồng).

6 doanh nghiệp phải thoái vốn năm 2022.

Theo đó, với giá trị cổ phiếu niêm yết tham chiếu trên sàn giao dịch chứng khoán ngày 23/8/2021, Cục Tài chính doanh nghiệp dự kiến nguồn thu từ thoái vốn nhà nước trong năm 2022 đối với 6 doanh nghiệp như sau:

Để đạt được tối thiểu 10.000 tỷ đồng: cần thực hiện thoái vốn Nhà nước tại 5 doanh nghiệp là (1) Tập đoàn FPT (giá trị dự kiến thu về là 4.188 tỷ đồng với giá trị 91.000 đồng/cổ phần), (2) Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (giá trị dự kiến thu về là 1.778 tỷ đồng với giá trị 38.400 đồng/cổ phần); (3) Công ty cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (giá trị dự kiến thu về là 2.303 tỷ đồng với giá trị 52.700 đồng/cổ phần), (4) Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (giá trị dự kiến thu về là 1.269 tỷ đồng với giá trị 24.000 đồng/cổ phần), (5) Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (giá trị theo mệnh giá 160 tỷ đồng).

Để đạt được tối thiểu 30.000 - 40.000 tỷ đồng: ngoài việc thực hiện thoái vốn nhà nước tại 5 doanh nghiệp trên cần thực hiện thoái vốn nhà nước tại Sabeco với giá trị phần vốn nhà nước dự kiến thu về là 32.320 tỷ đồng (với giá trị 140.000 đồng/cổ phần).

Tuy nhiên, để đảm bảo tính cẩn trọng, khả thi, Cục Tài chính doanh nghiệp dự kiến nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn từ các doanh nghiệp trung ương trong năm 2022 có khả năng đạt được khoảng từ 15.000 - 20.000 tỷ đồng.

Đối với các doanh nghiệp do các địa phương làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, do việc triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn tại địa phương cần thời gian (xây dựng kế hoạch, tiến hành các bước đúng quy trình thủ tục) nên nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp thuộc địa phương triển khai trong năm 2022 sẽ được nộp vào NSNN địa phương trong các năm sau.

Để đảm bảo kế hoạch thu từ cổ phần hóa, thoái vốn cho Ngân sách địa phương năm 2022, Cục Tài chính doanh nghiệp đã trình Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố còn dư khoản thu từ cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn từ năm 2020 trở về trước chưa nộp về NSNN (các khoản tồn đọng trước khi có Nghị quyết của Quốc hội được giữ lại địa phương) hoặc được giữ lại địa phương theo Nghị quyết của Quốc hội, thực hiện nộp vào Ngân sách địa phương.

Theo tính toán của Cục Tài chính doanh nghiệp thì khoản tồn, dư từ cổ phần hóa, thoái vốn tại các địa phương có thể nộp vào Ngân sách địa phương trong năm 2022 là khoảng 10.000 tỷ đồng (số tiền thu từ cổ phần hóa, thái vốn nhà nước của các doanh nghiệp thuộc Thành phố Hà Nội là khoảng 7.000 tỷ đồng, Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 1.700 tỷ đồng, các địa phương khác khoảng 1.700 tỷ đồng).

Theo Tài chính Doanh nghiệp

Link gốc : https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/6-ong-lon-nha-nuoc-phai-thoai-von-trong-nam-2022-d23750.html

Bạn đang đọc bài viết 6 'ông lớn” nhà nước phải thoái vốn trong năm 2022 tại chuyên mục Big Corp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Big Corp