Ngân hàng gia tăng sức mạnh tài chính

NHVN 07:51 20/03/2024

Năm 2023 là một năm tăng vốn điều lệ kỷ lục của ngành Ngân hàng. Tại thời điểm cuối năm 2023, tổng vốn điều lệ của các NHTM là hơn 760 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 100 nghìn tỷ so với cuối năm 2022.

Dồn dập tăng vốn

Cuộc đua tăng vốn, gia tăng sức mạnh tài chính của hệ thống ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục sôi động trong năm 2024. Bằng chứng là ngay từ đầu năm đã có không ít ngân hàng đã công bố kế hoạch tăng vốn. Đơn cử, NCB sẽ phát hành và chào bán 620 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, nhằm tăng vốn điều lệ thêm 6.200 tỷ đồng. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của NCB sẽ tăng từ 5.602 tỷ đồng lên 11.802 tỷ đồng. Theo đại diện ngân hàng này, việc tăng vốn điều lệ là một tín hiệu tích cực, tạo sức bật quan trọng cho quá trình chuyển đổi toàn diện và mạnh mẽ của NCB cho chiến lược mới giai đoạn 2023 - 2028.

Ngân hàng dồn dập tăng vốn để gia tăng sức mạnh tài chính

SaigonBank cũng có kế hoạch tăng vốn sau hơn một thập kỷ, bằng phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 10%. Theo đó, ngân hàng này sẽ nâng quy mô vốn điều lệ từ 308 tỷ lên 3.388 tỷ đồng. PGBank cũng đang muốn tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng.

Không chỉ khối nội, ngân hàng ngoại cũng rốt ráo thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ. Đơn cử như UOB Việt Nam thông báo tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 8.000 tỷ đồng thông qua việc bơm vốn từ ngân hàng mẹ UOB tại Singapore. “Việt Nam là thị trường chiến lược của UOB tại ASEAN. Với mức vốn tăng thêm này, chúng tôi có khả năng tốt hơn để hỗ trợ sự tăng trưởng của hoạt động kinh doanh bán lẻ cũng như thúc đẩy sự phát triển bền vững và tiếp tục mang lại các giá trị vượt trội cho khách hàng”, ông Victor Ngo, Tổng giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam chia sẻ.

Đáng chú ý, nhiều nhà băng đang có kế hoạch tăng vốn từ các nhà đầu tư ngoại. Đơn cử như Vietcombank, trước thềm Đại hội cổ đông thường niên năm 2024 vào cuối tháng 4 tới đây, một trong những nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của cổ đông Vietcombank là kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, Vietcombank dự kiến chào bán riêng lẻ 307,6 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược nước ngoài hiện nay là Mizuho Bank (46,1 triệu cổ phiếu) và các nhà đầu tư khác (261,4 triệu cổ phiếu).

Một nhà băng khác là LPBank cũng đang triển khai các bước trong kế hoạch phát hành riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian chào bán cụ thể sẽ được HĐQT LPBank quyết định sau khi được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Tương tự, việc lựa chọn nhà đầu tư để phát hành tăng vốn, thu hút cổ đông chiến lược luôn nằm trong định hướng của HDBank nhằm nâng cao năng lực tài chính để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, đồng thời bảo đảm chỉ tiêu an toàn vốn và thanh khoản. Lãnh đạo ngân hàng này chia sẻ, ngân hàng đã dành khoảng 10% room ngoại cho việc phát hành tăng vốn và hiện đã sẵn sàng cho việc đón đối tác chiến lược. “HDBank có kế hoạch phát hành 12,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi quốc tế trong năm nay”, vị này thông tin.

Thêm tiềm lực để hỗ trợ doanh nghiệp

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán VNDirect, hệ số an toàn vốn (CAR) tại các ngân hàng Việt Nam đã cải thiện, tuy nhiên, “bộ đệm” vốn còn tương đối thấp so tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, CAR trung bình của ngành Ngân hàng Việt hiện thấp hơn tương đối nhiều so với ngân hàng trong khu vực. Vì vậy, tăng vốn là một xu hướng tất yếu để có thể đáp ứng kế hoạch tái cấu trúc ngân hàng, hướng tới các tiêu chuẩn quản trị quốc tế như Basel II, Basel III.

Ngoài ra, giới chuyên gia đánh giá, năm 2024, ngành Ngân hàng sẽ còn phải đối diện với một số khó khăn như nợ xấu và nợ tiềm ẩn rủi ro có xu hướng tiếp tục tăng. Đồng thời, dòng vốn ngân hàng vẫn đóng vai trò trụ cột để hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, vốn điều lệ cao sẽ giúp các ngân hàng có một “bộ đệm” tốt, chống chọi với khó khăn, thách thức, đặc biệt trong nền kinh tế có nhiều biến động như hiện nay. Đây cũng là cơ sở, điều kiện để các NHTM tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp và nền kinh tế, mở rộng quy mô tín dụng.

Theo TS. Châu Đình Linh, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, với “bộ đệm" vốn dày dặn hơn, ngân hàng sẽ ít bị tổn thất khi rủi ro xảy ra. Đây là bài học được rút ra bởi rất nhiều cuộc khủng hoảng tài chính - ngân hàng trên thế giới. Mặt khác, Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” đã nêu rõ, đối với nhóm NHTM trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn, vốn điều lệ tối thiểu đạt 15.000 tỷ đồng; nhóm NHTM trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ và trung bình và NHTM có vốn nước ngoài thì vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng. Vì vậy, tăng vốn cũng là việc làm bắt buộc để đáp ứng yêu cẩu của Đề án trên. Bên cạnh đó, tăng vốn cũng sẽ giúp ngân hàng “ghi điểm” với NHNN trong việc xét tăng trưởng tín dụng. “Lợi đơn lợi kép” như vậy nên các ngân hàng phải nhanh chóng thực hiện kế hoạch tăng vốn”, TS. Linh nhận định.

Tuy nhiên, nhìn vào quá trình tăng vốn của các ngân hàng trong thời gian qua, có thể nhận thấy, không phải tất cả các nhà băng đều có thể đạt được mục tiêu tăng vốn đã đề ra. Nhờ có thương hiệu tốt, chiến lược kinh doanh rõ ràng, nhiều nhà băng tăng vốn dễ dàng qua việc phát hành thêm thu hút nhà đầu tư chiến lược rất thuận lợi. Nhưng cũng có nhóm ngân hàng có tiềm lực tài chính trung bình sẽ gặp khó khăn hơn với phương án tăng vốn, nhất là cơ hội hút vốn ngoại… Hiện còn một vài ngân hàng chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán nên có ít cơ hội lựa chọn hơn trong hoạt động tăng vốn.

Theo chuyên gia, trong thời gian tới, muốn tăng vốn thành công và đạt như kỳ vọng đặt ra, các nhà băng cần tích cực nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo dựng thương hiệu ngày càng uy tín trên thị trường để thu hút thêm các nhà đầu tư chiến lược.

Theo Thời báo Ngân hàng

Link gốc : https://thoibaonganhang.vn/ngan-hang-gia-tang-suc-manh-tai-chinh-149870.html

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng gia tăng sức mạnh tài chính tại chuyên mục Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Ngân hàng