Ngân hàng tuần qua: Tỷ giá bất ngờ nổi sóng, “nóng” chuyện bán vốn, trả cổ tức

Quốc Thụy 09:34 10/07/2023

Trong tuần qua, ngành ngân hàng ghi nhận nhiều thông tin đáng chú ý liên quan đến tỷ giá, lãi suất, cổ tức và hoạt động bán vốn cho nước ngoài.

Tỷ giá bất ngờ nổi sóng

Sau giai đoạn bình lặng nửa đầu năm, tỷ giá USD/VND bất ngờ "nổi sóng" trong những phiên giao dịch tuần qua.

Theo đó, trong phiên giao dịch thứ Tư (5/7), tỷ giá USD tại Vietcombank - Ngân hàng có khối lượng giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống - đã tăng lên mức 23.550 - 23.920 VND/USD, tương ứng tăng 170 đồng so với hồi cuối tháng 6.

Ngay sau đó, giá USD đã lao dốc mạnh trong 2 phiên giao dịch cuối tuần, xuống chốt tuần ở mức 23.440 – 23.810 VND/USD, tăng 60 đồng so với mức ghi nhận cuối tháng 6.

Tại các ngân hàng lớn khác như VietinBank hay BIDV, giá USD hiện cũng chỉ còn cao hơn 50 – 60 đồng so với cuối tuần trước, hạ nhiệt đáng kể so với mức cao điểm ghi nhận vào giữa tuần qua.

Trong báo cáo mới phát hành, Chứng khoán Maybank Việt Nam (MBKE) cho rằng, nguyên nhân khiến tỷ giá bật tăng theo tìm hiểu ban đầu được cho là do nhu cầu USD đột xuất từ EVN để trả tiền nhập khẩu điện trong khi chênh lệch lãi suất USD và VND cao khiến dòng ngoại tệ thực chảy vào Việt Nam chưa được dồi dào.

Phần lớn ngân hàng đã giảm lãi suất huy động xuống dưới 7,5%/năm

Khảo sát biểu lãi suất niêm yết trên website của 34 ngân hàng trong nước vào ngày 9/7 cho thấy, lãi suất huy động cao nhất đang được áp dụng là 7,9%/năm. Hiện mức lãi suất này do Bac A Bank niêm yết cho kỳ hạn 18 – 36 tháng với số tiền gửi tối thiểu là 1 tỷ đồng. Tuy nhiên từ ngày mai (10/7), Bac A Bank sẽ điều chỉnh mức cao nhất xuống còn 7,7%/năm.

Hiện, phần lớn các ngân hàng trong hệ thống đã đưa lãi suất huy động cao nhất xuống dưới mức 7,5%. Trong đó, lãi suất cao nhất tại nhóm ngân hàng tư nhân lớn chủ yếu dao động trong khoảng 7 - 7,3%/năm, như VPBank (7,3%), SHB (7,2%), MB (7,1%), Techcombank (7,1%).

Đáng chú ý, một số ngân hàng tư nhân đưa lãi suất tiền gửi cao nhất xuống dưới 7%/năm như SCB (6,95%), ACB (6,9%), TPBank (6,7%).

Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank có lãi suất huy động cao nhất chỉ ở mức 6,3%/năm.

Hồi đầu năm 2023, ngoại trừ nhóm Big4, tất cả ngân hàng tư nhân đều niêm yết mức lãi suất cao nhất trên 9%; thậm chí một số nhà băng còn áp dụng mức lãi suất trên dưới 10%/năm cho các kỳ hạn từ tháng trở lên. So với giai đoạn đỉnh điểm này, lãi suất huy động niêm yết tại các ngân hàng đã giảm khoảng 1,25 – 3 điểm % ở tất cả kỳ hạn.

Thủ tướng yêu cầu thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, nới lỏng hơn

Ngày 4/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023.

Tại hội nghị, Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là phải ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô (tăng trưởng khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5%) và bảo đảm đời sống nhân dân. Với dư địa chính sách còn khá lớn (lạm phát giảm dần còn 3,29%; nợ công 38%, nợ Chính phủ 34,7% GDP, bội chi ngân sách nhà nước trong vòng kiểm soát), việc ưu tiên hơn cho mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng là phù hợp, cần thiết lúc này. Đây cũng là điểm mạnh của Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới còn ít hoặc khó khăn cho dư địa chính sách.

Trong chỉ đạo điều hành, cần đặc biệt lưu ý việc bảo đảm cân bằng hài hoà, hợp lý giữa: (1) Lãi suất và tỉ giá; (2) Tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu; (3) Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; (4) Theo dõi sát và nắm chắc tình hình bên trong và bên ngoài.

Về định hướng chính sách, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng, kịp thời, hiệu quả hơn ; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả , nhanh chóng, dứt khoát ; chú trọng nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp các chính sách.

Cho rằng đây là cơ hội cần nắm bắt, Thủ tướng nêu rõ chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, mở rộng hơn được thể hiện chủ yếu thông qua: Tăng cung tiền (M2), tăng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay. Theo Thủ tướng, về thực chất, chủ trương này đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, nhất quán, có lộ trình, xuyên suốt từ tháng 10/2022 đến nay; NHNN đã làm nhưng cần làm mạnh hơn nữa. Thủ tướng Chính phủ đưa ra chủ trương chuyển chính sách tiền tệ từ "chặt chẽ" trước tháng 10/2022 sang "chắc chắn" từ tháng 10/2022 và tiếp tục chuyển sang "linh hoạt, nới lỏng hơn" trong điều kiện hiện nay là cần thiết. Điều này nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết tháo gỡ khó khăn về thanh khoản, tín dụng, thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh và phù hợp với thực tiễn.

Cùng với NHNN và ngành ngân hàng, Thủ tướng kêu gọi và đề nghị cộng đồng doanh nghiệp phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa, tăng cường tiết kiệm chi phí, đổi mới quản trị doanh nghiệp, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển sản phẩm có chất lượng theo hướng sản xuất xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện môi trường, đáp ứng yêu cầu mở rộng thị trường trong nước, quốc tế,...

Tín dụng tiêu dùng bất động sản giảm 1,32%

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 ngày 4/7, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, đến 27/6, tín dụng tăng 4,03% và tăng 9,08% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, về cơ cấu tín dụng, tín dụng vào kinh doanh bất động sản trong 5 tháng đầu năm tăng 14%, cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng. Tuy nhiên, tín dụng cho tiêu dùng bất động sản trong 5 tháng lại giảm 1,32%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới 15%.

“Như vậy cho thấy tới thời điểm hiện tại, nhà đầu tư BĐS là cá nhân và người mua nhà để tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng đầu tư nên tín dụng còn đang thấp. Bởi vậy việc tháo gỡ các khó khăn pháp lý, điều chỉnh giá nhà, giá BĐS cũng là một trong những giải pháp để có thể thúc đẩy cầu tiêu dùng và đầu tư trong lĩnh vực BĐS”, Thống đốc nói.

Về gói cho vay cho nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng, Thống đốc cho biết NHNN đã nhận được 3 công văn công bố 15 dự án của các tỉnh Bắc Giang, Trà Vinh và Tây Ninh. Trong đó có 5 dự án đã được cấp phép xây dựng. Ngoài ra, có 3 địa phương là Bình Định, Phú Thọ và Bà Rịa đã công bố 9 dự án. Các địa phương cấp phép xây dựng các dự án cũng sẵn sàng được các TCTD cho vay. Đến nay đã có một số ngân hàng như BIDV, Argibank đã bắt đầu cho vay trong gói tín dụng này.

Hai ngân hàng “rục rịch” bán vốn cho nước ngoài

Theo nguồn tin của Reuters, SHB đang trong quá trình đàm phán bán 20% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Một số nhà đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiếp cận SHB trong thương vụ này, với định giá ngân hàng có thể đạt mức 2-2,2 tỷ USD.

SeABank cũng thông báo sẽ phát hành riêng lẻ thêm tối đa 94,6 triệu cổ phiếu, tương đương 4,6366% lượng cổ phiếu đang lưu hành để chào bán cho 1 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, dự kiến là quỹ Norfund (The Norwegian Investment Fund for developing countries - Quỹ đầu tư Na Uy cho các nước đang phát triển). Thương vụ này sẽ đem về cho SeABank tối thiểu 1.217 tỷ đồng và tối đa là 3.503 tỷ đồng.

VCB, MB và SHB chuẩn bị trả cổ tức

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank – Mã: VCB) thông báo 26/7 là ngày đăng ký cuối cùng hưởng quyền nhận cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020.

Theo đó, Vietcombank sẽ phát hành phát hành gần 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận thêm 181 cổ phiếu mới).

Dự kiến sau khi phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng thêm gần 8.566 tỷ đồng. Với mức vốn điều lệ sau khi phát hành cổ phiếu trả cổ tức dự kiến là 55.891 tỷ đồng, Vietcombank sẽ vượt Vieti

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - Mã: MBB) cho biết 17/7 là ngày đăng ký cuối cùng để trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế để lại luỹ kế của năm 2022. Cụ thể, sẽ phát hành khoảng 680 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 15% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu mới). Ngày giao dịch không hưởng quyền là 14/7/2023.

Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB – Mã: SHB) thông báo chốt danh sách cổ đông vào ngày 25/7 để chi trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18%. Theo đó, ngân hàng này dự kiến phát hành hơn 552 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành là 18%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 18 cổ phiếu mới.

Theo Nhịp sống thị trường

Link gốc : https://markettimes.vn/ngan-hang-tuan-qua-ty-gia-bat-ngo-noi-song-nong-chuyen-ban-von-tra-co-tuc-33656.html

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng tuần qua: Tỷ giá bất ngờ nổi sóng, “nóng” chuyện bán vốn, trả cổ tức tại chuyên mục Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Ngân hàng