Một trong những tiêu chí quan trọng để khách hàng lựa chọn ngân hàng để giao dịch đó là mức phí dịch vụ ưu đãi. Để thu hút khách hàng, sau Tết, các ngân hàng đồng loạt đưa ra các chương trình điều chỉnh phí chuyển tiền, rút tiền cùng và khác hệ thống, và có những khác biệt tương đối trong biểu phí dịch vụ của các ngân hàng.
Lãi từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng tăng mạnh (Ảnh minh họa) |
Phí rút tiền ATM tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phân tư nhân biến động ra sao?
Ở nhóm nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, Techcombank miễn phí rút tiền mặt tại ATM nếu thẻ phát hành theo gói trả lương; phí là 1.000 đồng/giao dịch nếu thẻ theo gói không trả lương và phí là 2.000 đồng/giao dịch trong trường hợp thẻ ATM là thẻ thông thường, tự do, không theo gói dịch vụ nào của nhà băng này.
Tuy nhiên, HDBank và VPBank không thu phí đối với các giao dịch rút tiền nội mạng. Đối với HDBank, các giao dịch rút tiền tại ATM ngoài hệ thống bằng thẻ nội địa sẽ thu phí 3.000 đồng/giao dịch đối.
Tại VPBank, từ ngày 31/5 tới ngân hàng sẽ thu phí rút tiền ngoại mạng 3.000 đồng/giao dịch. Nếu khách hàng không muốn mất phí rút tiền nội mạng và ngoại mạng thì có thể đổi sang thẻ quốc tế (vẫn giữ số tài khoản cũ như trong thẻ VPSuper). Trước đó, ngân hàng miễn phí rút tiền cả nội mạng lẫn ngoài hệ thống đối với thẻ VPSuper.
Ở ngân hàng Sacombank, OCB và ACB và một số ngân hàng khác vẫn thu phí giao dịch rút tiền tại ATM nội mạng đồng loạt ở mức 1.000 đồng và ngoài hệ thống là 3.000 đồng.
Ngân hàng Eximbank miễn phí rút tiền ATM nội mạng cho các chủ thẻ dùng gói dịch vụ, và rút tiền ngoài hệ thống thì cũng thu phí như các ngân hàng khác. Trong khi đó, MB lại thu phí rút tiền tại ATM nội mạng của thẻ ghi nợ nội địa là 1.000 – 3.000 đồng/giao dịch, trong đó phí là 1.000 đồng cho các giao dịch rút dưới 2 triệu đồng; phí 2.000 đồng/giao dịch nếu rút tiền từ 2 triệu đến dưới 5 triệu đồng và rút trên 5 triệu đồng/giao dịch thì phí là 3.000 đồng/giao dịch. Với thẻ ghi nợ quốc tế, ngân hàng thu phí rút tiền cao hơn.
Đáng chú ý, ngân hàng TPBank, VIB, Nam A Bank hiện đang miễn phí cả rút tiền nội mạng lẫn ngoại mạng tại bất kỳ ATM
Qua khảo sát, hầu hết các ngân hàng đều thu phí rút tiền tại ATM với nhiều mức phí khác nhau, chỉ rất ít ngân hàng miễn phí.
Nhóm ngân hàng thương mại cổ phân tư nhân đang thu phí SMS Banking như nào?
SMS Banking là một trong những sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử của ngân hàng để thực hiện thông báo biến động số dư tài khoản bất kỳ lúc nào qua tin nhắn SMS điện thoại. Dịch vụ dựa trên hệ thống tin nhắn SMS điện thoại, chỉ cần đăng ký dịch vụ thì ngân hàng sẽ thông báo cho khách hàng tài khoản mọi biến động dù nhỏ nhất liên quan đến tài khoản.
SMS Banking là một trong những sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử (Ảnh minh họa) |
SMS Banking là dịch vụ mà hiện ngân hàng nào cũng có, dịch vụ phục vụ 24/24 ngay cả ngày lễ, áp dụng cho tất cả các điện thoại sử dụng nhiều hệ điều hành khác nhau, dù là điện thoại thông minh hay điện thoại phím số thông thường. Hầu hết khách hàng đều đăng ký ngay dịch vụ này khi mở tài khoản nhằm theo dõi biến động số dư tài khoản ngân hàng một cách nhanh nhất, an toàn và tiện ích nhất.
Vì vậy, mức phí dịch vụ SMS Banking khá đa dạng, dao động từ 5.500 đồng - 12.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, có ngân hàng thu tới 75.000 đồng/tháng đối với khách hàng có nhu cầu sử dụng cao nhưng vẫn có nhà băng hoàn toàn miễn phí.
Hiện tại, VPBank đang thu phí dịch vụ SMS Banking 12.000 đồng/tháng. Ngân hàng SHB, VIB áp dụng phí duy trì SMS Banking 11.000 đồng/tháng. Hầu hết các ngân hàng khác đều áp dụng mức phí duy trì SMS Banking 9.900 đồng/tháng/thuê bao.
Tuy nhiên, MBBank vẫn áp dụng mức phí 5.500 đồng/tháng/thuê bao đối với thẻ trả trước nội địa, nhưng lại miễn phí hoàn toàn với thẻ trả trước quốc tế.
Tại Techcombank, ngân hàng miễn phí toàn bộ dịch vụ liên quan đến SMS Banking cho dịch vụ F@st Mobipay và chỉ thu phí SMS Banking đối với Homebanking của khách hàng thường (miễn phí cho khách hàng ưu tiên).
Cụ thể, khách hàng thường sử dụng Homebanking của Techcombank sẽ trả phí 12.000 đồng/tháng nếu sử dụng không quá 15 SMS/tháng; 18.000 đồng/tháng nếu sử dụng 16-30 SMS/tháng; 40.000 đồng/tháng nếu sử dụng 31-60 SMS/tháng; 75.000 đồng/tháng nếu sử dụng trên 61 SMS/tháng.
Ngoài ra, các ngân hàng hiện nay còn cung cấp dịch vụ OTT. Tin nhắn OTT có ưu điểm là ngoài biến động số dư, khách hàng còn nhận được thêm thông tin về chương trình khuyến mại, ưu đãi dịch vụ, nhắc lịch trả nợ,…Và thực tế, phí OTT thường thấp hơn so với SMS Banking.
Thậm chí, nhiều ngân hàng khác đang miễn phí gửi tin OTT, không thu đồng nào của khách hàng đối với dịch vụ này. Chẳng hạn, Techcombank miễn phí hoàn toàn dịch vụ nhận thông báo qua ứng dụng F@st Mobile, chỉ cần thiết bị có kết nối Wifi/3G/4G/5G là sẽ nhận được tin nhắn.
Mức phí dịch vụ tại nhóm big4 ngân hàng bất ngờ thay đổi
Mới đây nhất, Agribank bất ngờ thông báo từ ngày 17/5 thực hiện chính sách miễn phí chuyển tiền trong nước, áp dụng đồng loạt tại 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc và cả các kênh ngân hàng điện tử của Agribank.
Cụ thể, Agribank miễn 100% phí dịch vụ chuyển tiền trong hệ thống Agribank, áp dụng trên tất các kênh thanh toán: tại quầy giao dịch, ATM, Agribank E-Mobile Banking, SMS Banking, Bankplus.
Ngân hàng cũng miễn 100% phí dịch vụ chuyển tiền ra ngoài hệ thống Agribank, áp dụng trên các kênh ngân hàng điện tử: ATM, Agribank E-Mobile Banking.
Tuy nhiên, Agribank vẫn sẽ thu phí với khách hàng tổ chức có tài khoản thanh toán tại Agribank và chuyển tiền ra ngoài hệ thống. Mức phí là 0,015% số tiền giao dịch, tối thiểu 6.000 đồng và tối đa 1 triệu đồng mỗi giao dịch.
Agribank thông báo chính sách miễn phí chuyển tiền trong nước, áp dụng đồng loạt tại 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc và cả các kênh ngân hàng điện tử của Agribank. |
Tại Vietcombank, hồi tháng 2 vừa qua gần như miễn phí cho khách hàng sau khi tung ra các gói tài khoản giao dịch. Các gói này đòi hỏi khách hàng Vietcombank phải có một số dư tài khoản đáp ứng yêu cầu, và đóng khoản phí hàng tháng trong khoảng từ 12.000 đồng đến 45.000 đồng.
Nếu không sử dụng các gói trên, khách hàng Vietcombank chuyển khoản nội bộ sẽ mất 2.200 đồng/giao dịch dưới 50 triệu đồng và 5.500 đồng/giao dịch từ 50 triệu đồng trở lên. Khi chuyển khoản ra ngoài hệ thống, Vietcombank chia mức phí ra nhiều khung khác nhau, tối đa 950.000 đồng/giao dịch.
Tại BIDV hiện thu phí chuyển khoản nội bộ 1.100 đồng/giao dịch nếu số tiền dưới 30 triệu đồng và 0,01% số tiền chuyển, tối đa 9.900 đồng/giao dịch nếu số tiền trên 30 triệu đồng.
Với chuyển khoản ra bên ngoài, BIDV thu từ 2.200-5.500-7.700 đồng với các giao dịch dưới 10 triệu đồng và 0,02% số tiền chuyển, tối đa lên tới 55.000 đồng/giao dịch nếu số tiền trên 10 triệu đồng.
Đáng lưu ý, nếu không muốn trả phí trên từng giao dịch, khách hàng BIDV có thể lựa chọn trong 5 gói dịch vụ B-Free của ngân hàng gồm Basic, Classic, Gold, Diamond & Salary cùng các hạn mức giao dịch theo nhu cầu sử dụng.
Khách hàng có thể đăng ký/thay đổi gói hay hạn mức ngay trên BIDV SmartBanking và sẽ được miễn nhiều loại phí như Miễn 100% phí chuyển tiền Online, miễn phí quản lý tài khoản/duy trì dịch vụ BIDV SmartBanking, miễn phí thông báo biến động số dư bằng tin nhắn OTT/SMS, miễn phí phát hành và thường niên năm đầu thẻ Ghi nợ nội địa/thẻ Platinum, Hoàn phí rút tiền thẻ Ghi nợ nội địa tại ATM …tùy theo gói dịch vụ B-Free mà khách hàng lựa chọn.
Riêng Vietinbank thu phí rút tiền nội mạng là 1.000 – 2.000 đồng/giao dịch tuỳ loại thẻ, nếu rút bằng thẻ phi vật lý thì miễn phí. Tại máy ATM ngoại mạng, phí rút tiền là 3.000 đồng/giao dịch.
Khi sử dụng tài khoản thanh toán, khách hàng thường hay sử dụng nhất là các dịch vụ, rút tiền mặt tại ATM, chuyển tiền cùng và khác ngân hàng. Với
các giao dịch diễn ra hàng ngày này, việc các ngân hàng điều chỉnh mức phí và có các mức phí chênh lệch nhau, dù không nhiều cũng làm cho khách hàng có sự so sánh. Và từ đó việc phí tăng, có đi đôi với chất lượng phục vụ tăng, vẫn đang là vấn đề được đa số khách hàng quan tâm hiện nay.
Vì vậy, câu chuyện phí dịch vụ không đơn giản là cuộc cạnh tranh công bằng giữa các ngân hàng mà đằng sau đó còn có nhiều vấn đề khác.
Theo thống kê, Vietcombank đang là ngân hàng có lãi từ hoạt động dịch vụ cao nhất hệ thống và bỏ xa các ngân hàng khác. Quý 1/2021, lãi từ hoạt động dịch vụ của nhà băng này đạt 3.438 tỷ đồng, tăng 205% so với cùng kỳ năm ngoái. Kế tiếp đó là SCB tăng gấp 2 lần lên 489 tỷ đồng và HDBank cũng tăng tới 98% lên 313 tỷ đồng.
Ngoài ra, hàng loạt ngân hàng lớn khác có tăng trưởng trên 40% như Techcombank tăng 41%, MB tăng 43%, ACB tăng 69%, VIB tăng 48%, TPBank tăng 80%, Eximbank tăng 76%, LienVietPostBank tăng 68%,…
Nhóm ngân hàng nhỏ cũng ghi nhận tăng trưởng cao ở mảng kinh doanh này. Chẳng hạn, ABBank, Kienlongbank, BacABank có lãi từ dịch vụ lần lượt là 55 tỷ, 39 tỷ, 16 tỷ đồng trong quý 1/2021, đều cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Sở hữu trí tuệ