Theo quy định tại Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (Quyết định 2345), từ ngày 1/7, các giao dịch chuyển khoản trực tuyến 10 triệu đồng trở lên hoặc quá 20 triệu mỗi ngày bắt buộc áp dụng phương thức xác thực sinh trắc học.
Việc áp dụng phương thức xác thực giao dịch bằng sinh trắc học theo Quyết định 2345 được coi là biện pháp kịp thời và phù hợp nhất hiện nay, giúp người dân nâng cao nhận thức và kỹ năng tự bảo vệ tài sản của mình.
Còn đối với tổ chức tín dụng (TCTD) và trung gian thanh toán, Quyết định 2345 thúc đẩy toàn bộ hệ thống ngân hàng phải nghiêm túc hơn nữa trong việc xây dựng “tường lửa” bảo mật kiên cố bằng dữ liệu sinh trắc học.
Để đáp ứng các yêu cầu của Quyết định 2345, các tổ chức tín dụng và trung gian thanh toán đã nhanh chóng, khẩn trương, nghiêm túc thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu sinh trắc học được kiểm tra chéo với dữ liệu trong chip thẻ căn cước công dân của khách hàng do cơ quan Công an cấp. Các công việc này đều được hoàn thành trước thời điểm ngày Quyết định 2345 có hiệu lực (ngày 1/7).
Theo ghi nhận của Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, các TCTD và trung gian thanh toán chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, quy trình nội bộ, công tác tư vấn, hướng dẫn khách hàng tới công tác thông tin truyền thông, tuy nhiên, trong ngày đầu tiên quyết định có hiệu lực đã phát sinh một số tình huống ảnh hưởng đến các giao dịch chuyển tiền và gây tâm lý “khó chịu” nhất định cho khách hàng, như: nghẽn mạng, hệ thống không nhận diện được khách hàng, khách hàng chưa có căn cước công dân gắn chip; điện thoại không có chức năng NFC…
Sau những “trục trặc” ban đầu, đến nay, các giao dịch chuyển tiền của khách hàng đã trở lại bình thường và thông suốt. Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, đến 22h ngày 2/7, việc chuyển tiền diễn ra hoàn toàn bình thường so với các ngày khác, tỷ lệ số món chuyển tiền trên 10 triệu đồng là 8,24%, cao hơn mức bình quân trong tháng 6/2024 (8%).
Tính đến nay, tổng số người dân đã làm xác thực sinh trắc học xong là 13 triệu lượt người sẵn sàng làm giao dịch trên 10 triệu đồng, trong khi mỗi ngày chỉ có 1,8 triệu món giao dịch trên 10 triệu đồng.
Cụ thể, số lượng giao dịch chuyển tiền trực tuyến có giá trị trên 10 triệu đồng trong ngày 2/7 là hơn 1,8 triệu món, giá trị giao dịch đạt 136.270 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 8,4% trên tổng số lượng giao dịch chuyển tiền trên toàn hệ thống. Còn trong ngày 1/7, các con số này lần lượt là: hơn 1,7 triệu món, 133.213 tỷ đồng và 8,01%.
Còn trong tháng 6 (trước khi Quyết định 2345 có hiệu lực), tỷ lệ bình quân số món chuyển trên 10 triệu đồng trong tháng chỉ đạt 8,0%, ví như: ngày 30/6, số lượng giao dịch chuyển tiền trực tuyến có giá trị trên 10 triệu đồng là hơn 1,2 triệu món, giá trị giao dịch đạt 66.408 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 6,12% trên tổng số lượng giao dịch chuyển tiền trên toàn hệ thống; hay trong ngày 29/6, các con số này lần lượt là: hơn 1,6 triệu món, 103.517 tỷ đồng và 7,46%; ngày 27/6 là: hơn 2 triệu món, 174 tỷ đồng và 8,89%;... ngày 1/6 là: hơn 1,5 triệu món, 88.786 tỷ đồng và 6,9%; ngày 2/6 là: gần 1,9 triệu món, 54.149 tỷ đồng và 5,62%.
Số liệu trên cho thấy, dù xảy ra một số “trục trặc” nhỏ, song các TCTD và trung gian thanh toán đã thực hiện tốt các giao dịch chuyển tiền của khách hàng, đáng chú ý là các giao dịch chuyển tiền đã diễn ra an toàn và thông suốt.
Chia sẻ với Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, chị Tào Thanh Huyền (Giảng viên Học viện Báo chí - Tuyên truyền) cho biết, không gặp khó khăn hay vướng mắc gì khi thực hiện giao dịch chuyển tiền có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên trong những ngày qua, đặc biệt, trong ngày 1/7 chị đã chuyển khoản thành công giao dịch có giá trị 20 triệu đồng qua ứng dụng ngân hàng Techcombank. Chị Huyền cho biết việc thực hiện giao dịch diễn ra rất nhanh chóng, không có khác biệt nào so với trước khi thực hiện xác thực sinh trắc học.
"Kể cả việc thực hiện các bước xác thực theo hướng dẫn, mình cũng làm rất nhanh chóng, không có khó khăn gì. Sau khi thực hiện xác thực sinh trắc học, mình cảm thấy an tâm hơn khi bấm nút chuyển tiền. Cá nhân mình đánh giá cao việc thực hiện sinh trắc học này vì vừa an toàn hơn cho mình, lại vừa không ảnh hưởng gì đến các giao dịch chuyển và nhận tiền", chị Tào Thanh Huyền chia sẻ thêm.
Vừa thực hiện giao dịch chuyển khoản cho khách có giá trị hơn 30 triệu đồng qua ứng dụng VPBank, anh Hoàng Minh Thanh (buôn bán tự do) cho biết, từ ngày 1/7 đến nay anh không gặp vấn đề gì trong quá trình chuyển tiền của mình. Chỉ có vài trường hợp khách hàng của anh ở ngân hàng khác chuyển khoản thanh toán tiền hàng cho anh nhưng phải chiều cùng ngày anh mới nhận được. Còn lại thì các giao dịch dưới 10 triệu đồng thì anh nhận được ngay sau khi khách hàng chuyển khoản.
Là người thường xuyên giao dịch số tiền lớn qua ứng dụng ngân hàng, anh Nguyễn Việt Anh (môi giới bất động sản) cho biết, có chút khó khăn trong ngày đầu tiên áp dụng sinh trắc học với giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu đồng nhưng từ tối ngày 1/7 đến sáng nay (ngày 3/7) thì mọi giao dịch anh thực hiện đều đã như bình thường.
Theo các chuyên gia, xác thực bằng sinh trắc học có thể hạn chế tối đa khả năng làm giả và có tính bảo mật cao nhất hiện nay. Giải pháp này cho phép cơ quan quản lý, tổ chức cung cấp dịch vụ xác định được chính xác chủ tài khoản, người thực hiện giao dịch, người thụ hưởng.
Đánh giá cao các quy định tại Quyết định 2345, Thượng tá Cao Việt Hùng, Phó Trưởng phòng 4 - A05 Bộ Công an cho biết, các quy định tại quyết định 2345 không chỉ góp phần giúp bảo vệ an toàn cho các giao dịch thanh toán của khách hàng, mà còn góp phần phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng.
Để khách hàng từng bước làm quen và thực hiện việc xác thực sinh trắc học trong thanh toán trực tuyến thuận lợi trong những ngày đầu thực hiện và sẽ dần trở thành bình thường thời gian tới, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho rằng, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ, các TCTD cũng đã xác định tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, tư vấn và hướng dẫn khách hàng, đặc biệt là việc chăm sóc và xử lý kịp thời khó khăn vướng mắc phát sinh.
“Hoạt động này đã và đang được các TCTD trên địa bàn thực hiện tốt, với những hình thức tư vấn hướng dẫn sinh động và sáng tạo, chi tiết và cụ thể như: video; hình ảnh minh họa, văn bản… hướng dẫn các bước thao tác trên trang web ngân hàng, trên bản tin ngân hàng, cũng như gửi thông tin cụ thể tới email và facebook… của khách hàng”, ông Nguyễn Đức Lệnh chia sẻ.