Ðề nghị truy tố 12 bị can
Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng xảy ra tại Công ty CP phát triển điện lực Sài Gòn, Công ty CP M&C và Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank).
Theo đó, CQĐT đề nghị VKSND Tối cao truy tố Tạ Bá Long, nguyên Chủ tịch GPBank cùng 9 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ GPBank về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng”; 3 bị can khác trong vụ án bị đề nghị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo kết luận điều tra, dự án Cao ốc Sài Gòn M&C do Công ty Sài Gòn One làm chủ đầu tư, có công năng xây dựng cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ cho thuê, chưa được phép bán.
Do vậy, HĐQT Công ty Sài Gòn One đã ra chủ trương phân chia cho các cổ đông quyền mua diện tích sàn căn hộ tại dự án Cao ốc Sài Gòn M&C nhằm mục đích tăng vốn điều lệ để trả nợ vay ngân hàng và kinh phí tiếp tục đầu tư thực hiện dự án, chưa có quyết định phân chia cụ thể.
Tuy nhiên, mặc dù không phải chủ sở hữu và chưa có quyền về tài sản trong việc bán các căn hộ nhưng Phùng Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Sài Gòn One, kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP M&C đã cấu kết với Nguyễn Trọng Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP phát triển điện lực Sài Gòn để ủy quyền cho một phó giám đốc của Hiếu ký, lập khống hồ sơ việc mua bán, thanh toán 6 căn hộ tòa nhà Sài Gòn One để vay 305 tỷ đồng của GPBank.
Theo thỏa thuận trước đó, Khánh sẽ chi 15%-20% giá trị khoản vay cho Hiếu. Nhận lời, Hiếu đã tìm gặp Đoàn Văn An, Phó Chủ tịch và Tạ Bá Long, Chủ tịch HĐQT GPBank đề nghị được vay khoảng 300 tỷ đồng và được chấp thuận với điều kiện chi 10% số tiền được vay.
Hợp thức hóa tiền “lại quả”
Sau đó, thủ tục vay vốn được bộ sậu lãnh đạo GPBank chỉ đạo “thông quan”, cấp phó của Nguyễn Trọng Hiếu được ủy quyền nhận giải ngân 305 tỷ đồng. Số tiền sau đó được chuyển đến tài khoản của Cty M&C và được Phùng Ngọc Khánh rút ra sử dụng vào các mục đích cá nhân.
Trong đó, Khánh chỉ đạo nhân viên chuyển lại tổng cộng hơn 101 tỷ đồng vào tài khoản Công ty CP phát triển điện lực Sài Gòn. Ngay khi tiền “nổ” tài khoản, Hiếu cùng nhân viên ra ngân hàng rút 30 tỷ đồng để chuyển cho Đoàn Văn An - Phó Chủ tịch GPBank theo thỏa thuận.
Sau đó, Nguyễn Ngọc Nam - nhân viên Văn phòng Tổng giám đốc GPBank đã mang chia số tiền hoa hồng nêu trên theo chỉ đạo của Đoàn Văn An. Cụ thể, Nam đã lấy tên con gái ông Tạ Bá Long để nộp 6 tỷ đồng vào tài khoản cá nhân của vợ, chồng ông Long; chuyển 5 tỷ đồng vào tài khoản cháu gái và em vợ của ông Phạm Quyết Thắng, Tổng giám đốc GPBank; chuyển 4 tỷ đồng vào tài khoản của bạn ông Đỗ Trung Thành, Phó tổng giám đốc GPBank. Theo kết luận điều tra, các khoản hoa hồng trên sau đó được đi lòng vòng đều được những vị lãnh đạo này rút ra chi tiêu cá nhân.
Đáng chú ý, Nguyễn Ngọc Nam còn lấy tên một người không có thật để chuyển 14,3 tỷ đồng vào tài khoản của ông Nguyễn Ngọc Thanh (chồng bà Trịnh Thu Hằng, Giám đốc GPBank Chi nhánh Thanh Xuân, Hà Nội). Sau đó bà Hằng đã rút toàn bộ số tiền này lập 3 sổ tiết kiệm cho ông Lưu Quang Hiếu (chồng bà Dương Thị Bích Liên, Phó Tổng giám đốc GPBank).
Nhận được sổ tiết kiệm, ông Lưu Quang Hiếu tiếp tục chuyển nhượng cho bà giúp việc của gia đình là Nguyễn Thị Oanh, ở Hải Phòng. Đến tháng 10/2011, bà Nguyễn Thị Oanh sử dụng 3 sổ tiết kiệm này thế chấp tại GPBank lấy toàn bộ số tiền 14,3 tỷ đồng đề bà Dương Thị Bích Liên nộp tiền mua bất động sản của bà Liên.