Ngân hàng thay 'áo mới' cho hành trình mới

Hương Giang 12:44 10/07/2023

Thời gian qua, nhiều ngân hàng đã thay đổi tên viết tắt và bộ nhận diện thương hiệu nhằm đơn giản hóa và thuận tiện hơn trong giao dịch cho khách hàng.

Ngân hàng thay "áo mới" cho hành trình mới

Thay đổi theo hướng ngắn gọn, dễ nhớ

Mới đây, Ngân hàng TMCP Bản Việt đã công bố tên viết tắt tiếng mới sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận sửa đổi, từ VietCapitalBank thành BVBank và sẽ tiến hành đồng bộ hóa nhận diện thương hiệu trong thời gian tới.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã chính thức thay đổi toàn bộ nhận diện thương hiệu sau khi được NHNN chấp thuận sang LPBank.

Theo ngân hàng này, việc thay đổi tên viết tắt được đặt ra khi 13 năm qua, tất cả các khế ước và văn bản pháp lý, hoạt động truyền thông của ngân hàng này đều dùng tên tiếng Anh khó phát âm, khó nhớ dẫn đến khó nhận biết, hiệu ứng truyền thông không cao và cần phải thay đổi.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Tiên Phong cũng đổi tên viết tắt sang TPBank, Ngân hàng TMCP Nam Việt (NaviBank) đổi tên thành Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) đổi tên Ngân hàng TMCP Xây dựng (CB)…

Có thể thấy, tiêu chí chung của các ngân hàng khi đổi tên viết tắt đều ngắn gọn, dễ gọi, dễ nhớ, tạo sự thuận tiện trong việc gọi tên khi giao dịch với ngân hàng của khách hàng. Một chuyên gia chỉ ra rằng, sự thay này là xu hướng tất yếu vì tên viết tắt càng ngắn gọn, dễ nhớ giúp khách hàng dễ dàng nhận diện thương hiệu sản phẩm dịch vụ của ngân hàng.

Tuy nhiên, cần phân biệt rõ thay đổi tên viết tắt với việc thay đổi nhận diện thương hiệu hoặc logo. Theo đó, các ngân hàng muốn thay đổi tên viết tắt bằng tiếng Anh phải xin ý kiến cổ đông và báo cáo với NHNN. Khác với việc thay đổi nhận diện thương hiệu và thiết kế lại logo, các nhà băng cũng phải thực hiện các quy trình thủ tục theo quy định pháp luật và đặc biệt phải thực hiện các quy định tại Thông tư 50/2018/TT-NHNN và trình NHNN chấp thuận mới được thực hiện.

Bước vào hành trình mới

Việc thay đổi tên viết tắt có thể cần nhiều thủ tục và tuân thủ nhiều quy định nhưng thực tế là các nhà băng đang được các nhà đầu tư đón nhận khá tích cực khi giá cổ phiếu của các ngân hàng liên tục tăng những ngày sau đó.

Đơn cử, ngày BVBank công bố tên viết tắt mới, giá cổ phiếu chỉ ở mức 10.700 đồng/cổ phiếu, sau 1 ngày giá cổ phiếu đã tăng lên 11.300 đồng/cổ phiếu và sau 2 ngày giá chạm mốc 11.900 đồng/cổ phiếu. Tương tự, mã chứng khoán LPB của LPBank cũng tăng trưởng tốt sau 2 tháng đổi tên viết tắt. Cụ thể, so với thời điểm công bố thông tin, chốt phiên giao dịch ngày 7/7, LPB đã tăng giá từ 13.900 đồng/cổ phiếu lên 16.100 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch cũng tăng thêm gần 5.600.000 cổ phiếu.

Không dừng lại ở đó, theo các chuyên gia, đổi tên viết tắt là một trong những bước đi quan trọng để các ngân hàng bắt đầu cho một giai đoạn phát triển mới.

Thực tế, trong năm nay, BVBank cũng đặt ra nhiều mục tiêu mới như tăng vốn từ 5.139 tỷ lên 5.803 tỷ đồng; đặt mục tiêu tổng tài sản dự kiến tăng 10%, các chỉ tiêu huy động vốn từ tổ chức kinh tế tăng 16%, dư nợ cấp tín dụng tăng 12%... so với năm 2022; mở rộng mạng lưới với 131 đơn vị kinh doanh, tăng 21% so với năm 2021; dự kiến chuyển cổ phiếu từ diện đăng ký giao dịch trên UPCoM lên niêm yết trên HoSE nhằm nâng cao vị thế, uy tín và thương hiệu của ngân hàng, tạo thuận lợi cho việc giao dịch cổ phiếu của cổ đông và tranh thủ cơ hội thu hút thêm nguồn vốn đầu tư cho ngân hàng.

Còn LPBank cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế trong năm 2023 là 6.000 tỉ đồng, tăng 11% so với năm trước; sẽ chi trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu lên tới 19%. Nhằm phục vụ chiến lược phát triển mạng lưới và mở rộng hoạt động kinh doanh, ngân hàng này cũng đang tiếp tục tuyển dụng với nhiều vị trí từ chức danh lãnh đạo, quản lý đến các vị trí chuyên gia, chuyên viên tại Hội sở và các Chi nhánh, Phòng giao dịch trải dài đến các quận, huyện khắp 63 tỉnh thành trong cả nước. Ngoài ra, địa diện ngân hàng này cũng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện thay đổi toàn diện hệ thống logo và nhận diện thương hiệu LPBank nhằm đồng bộ hóa các dịch vụ, sản phẩm và nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Những hy vọng về một hành trình phát triển mới đều có khả quan khi một số ngân hàng đã thành công vượt trội sau khi đổi tên viết tắt, giống như trường hợp của TPBank. Cuối năm 2013 ngân hàng này đổi tên viết tắt từ TienPhongBank thành TPBank, từ một ngân hàng chưa có nhiều dấu ấn đến nay TPBank đã 4 lần được vinh danh Ngân hàng số xuất sắc; là “Ngân hàng dẫn đầu về hỗ trợ doanh nghiệp SME” do ADB đánh giá… nhờ vào chiến lược “đi trước đón đầu” về chuyển đổi số sau khi tiến hành tái cơ cấu và đổi tên viết tắt.

Theo Thời báo Ngân hàng

Link gốc : https://thoibaonganhang.vn/ngan-hang-thay-ao-moi-cho-hanh-trinh-moi-141529.html

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng thay 'áo mới' cho hành trình mới tại chuyên mục Tin tức. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức