Mới đây, VietinBank chính thức cho ra mắt tính năng rút tiền bằng mã QR, đi vào hoạt động từ tháng 6/2020. Theo đó, chủ thẻ ghi nợ của VietinBank có thể dùng app VietinBank iPay Mobile trên thiết bị di động quét mã QR hiển thị tại màn hình ATM để rút tiền một cách nhanh chóng mà không cần dùng thẻ chỉ với 4 bước đơn giản.
Trước đó, TPBank là ngân hàng đầu tiên cho phép rút tiền, chuyển tiền bằng mã QR thông qua ứng dụng TPBank QuickPay. Tiếp sau đó, hàng loạt các ngân hàng cũng đã cho ra thị trường những ứng dụng của riêng mình để cho phép khách hàng rút tiền bằng mã QR. Có thể kể đến như Sacombank đã triển khai phương thức thanh toán bằng mã QR với tổ chức thẻ quốc tế Nhật Bản JCB. BIDV triển khai BIDV Pay+, là phần mềm thông minh cài đặt trên các thiết bị di động và giao tiếp qua GPRS/3G/4G/Wifi, hỗ trợ tích hợp thông tin thẻ lên thiết bị di động, giúp rút tiền trên ATM và thanh toán tại các cửa hàng, website… bằng QR code, không cần dùng đến thẻ hay tiền mặt.
Rút tiền bằng mã QR được đánh giá an toàn và tiện lợi hơn so với việc dùng thẻ ATM truyền thống. Ảnh: ST |
Đặc biệt hơn, đối với Eximbank, khi có tài khoản thanh toán tại ngân hàng này, khách hàng có thể rút tiền tại ATM bằng xác thực vân tay. Chỉ cần đưa ngón tay vào vị trí nhận dạng trên máy, kết hợp với mã số vân tay là có thể giao dịch và rút tiền. Tính năng này cũng được áp dụng khi giao dịch tại quầy, theo đó khách hàng không cần mang theo CMND hay hộ chiếu.
VietBank cũng đã triển khai tính năng rút tiền bằng vân tay. Chỉ cần đăng kí dịch vụ “Nhận diện và xác thực giao dịch bằng vân tay” một lần duy nhất tại các quầy giao dịch của VietBank hoàn tiền miễn phí, từ đó, mỗi lần giao dịch tại quầy hoặc ATM, chủ thẻ chỉ cần sử dụng vân tay đã đăng kí là có thể rút tiền, chuyển khoản… nhanh chóng, mà không cần thẻ ATM truyền thống.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng TS.Nguyễn Trí Hiếu nhận định, tính năng rút tiền bằng mã QR có nhiều điểm tiện lợi mà ngân hàng đem đến cho người dùng. Chỉ cần một chiếc điện thoại di động, người dùng không cần mang theo thẻ mà vẫn có thể rút tiền từ các máy ATM. Vì thế có thể tránh các trường hợp như mất thẻ, làm gãy thẻ. Ngoài ra, tính bảo mật khi rút tiền bằng mã QR cũng rất cao, kẻ gian sẽ không thể lợi dụng sao chép thông tin cá nhân trên thẻ.
Có thể nhận thấy, các nhà băng đang tích cực nghiên cứu, cho ra những tính năng hiện đại nhằm số hóa dịch vụ, sản phẩm, hướng tới một “ngân hàng số đúng nghĩa” trong tương lai. Mới đây, trong một sự kiện về thanh toán không dùng tiền mặt, dẫn câu chuyện VietinBank cho phép sử dụng điện thoại di động quét mã QR để rút tiền từ ATM và HDBank hợp tác để cung cấp eKYC, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, nếu làm xong tất cả những việc này, "ước mơ" ngân hàng số trong lĩnh vực thanh toán đã thành sự thực. Đó là người dùng có thể thực hiện từ A đến Z, từ khâu mở tài khoản đến khâu nộp tiền và rút tiền mà không cần tiếp xúc với nhân viên ngân hàng, không cần phải đến ngân hàng.
Lời giải cho bài toán chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip
Theo TS.Nguyễn Trí Hiếu, tính năng rút tiền bằng mã QR sẽ là giải pháp góp phần hỗ trợ, giảm bớt gánh nặng cho các ngân hàng trong việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip. Bởi lẽ, chi phí chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip rất cao, gấp từ 4-6 lần so với chi phí phát hành thẻ từ, việc rút tiền nhanh chóng bằng mã QR sẽ thúc đẩy người dùng không cần sử dụng đến thẻ ATM truyền thống.
Tuy nhiên, cũng theo ông Hiếu, việc bỏ hoàn toàn thẻ ATM truyền thống là điều chưa thể. Bởi lẽ, không phải ai cũng có điện thoại di động để sử dụng QR Code, đặc biệt là bộ phận những người lớn tuổi, tầng lớp trung niên, họ đã quen với việc cầm thẻ ATM rút tiền và thanh toán tại siêu thị. Vì vậy, các ngân hàng vẫn cần tích cực trong chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip để đảm bảo tính bảo mật cao hơn.
Vị chuyên gia này đánh giá, quá trình chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip của các ngân hàng vẫn đang được tiến hành nhưng số lượng vẫn còn ít, cột mốc đến năm 2021 có thể thực hiện, tuy nhiên cần sự chung tay của cả người dùng và các ngân hàng.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối quý I/2020, Việt Nam hiện có 87,78 triệu thẻ nội địa. Theo kế hoạch đặt ra, đến 31/12/2019, các ngân hàng thương mại thực hiện chuyển đổi ít nhất 30% số lượng thẻ từ nội địa, 35% số lượng ATM và 50% số lượng POS hiện có sang công nghệ chip tiếp xúc và không tiếp xúc. Toàn bộ máy ATM và POS trên thị trường đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn VCCS vào 31/12/2020. Chậm nhất vào 31/12/2021, toàn bộ thẻ từ nội địa đang lưu hành của tổ chức phát hành thẻ tuân thủ tiêu chuẩn TCCS về thẻ chip nội. |