Ngày 15/7 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Tại hội nghị, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-2,0%/năm.
Với sự quyết tâm, nỗ lực của toàn Ngành, mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm. Đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 1,0%/năm so với cuối năm 2022; các ngân hàng thương mại đã chủ động điều chỉnh và triển khai các chương trình/gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay với mức giảm khoảng 0,5-3,0%/năm tùy đối tượng khách hàng đối với các khoản vay mới.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng cho biết, VPBank rất hưởng ứng các chỉ đạo của NHNN. Nếu so sánh với đỉnh cao của thanh khoản vào cuối năm ngoái và đầu năm nay lãi suất huy động lên tới 10% thì đến nay đã giảm, ngân hàng cũng chấp nhận giảm lợi nhuận của mình… Bản thân VPBank đã giảm hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận, mức giảm từ 2-3%.
Các điều kiện để tăng thêm mức tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, nền kinh tế nói chung, VPBank cùng các ngân hàng khác cũng đang tiếp tục triển khai. Nếu như trước đây chỉ tập trung các chủ trương hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp trong khi doanh nghiệp lại không có đầu ra thì đến nay đã có chủ trương kích cầu, kích thích tiêu dùng. "Rất may trong 6 tháng đầu năm chúng ta đã phục hồi trong đầu tư công, điều này sẽ tạo ra những cơ hội cho tăng trưởng, đưa được nguồn vốn lớn cũng ứng ra nền kinh tế nhưng chừng đó là không đủ. Bởi vậy, tiêu dùng và tiêu dùng nội địa sẽ là yếu tố quan trọng nhất", CEO VPbank nhận định.
Bên cạnh thuận lợi, ông Vinh cho rằng có những vướng mắc bản thân ngành Ngân hàng không thể tự giải quyết được và rất cần sự chung tay của nhiều bộ, ngành.
Thứ nhất khi kinh tế khó khăn, sức khỏe doanh nghiệp giảm sút dẫn đến không đáp ứng được các yêu cầu cấp tín dụng. Vậy chúng ta có hỗ trợ không? Thực tế hỗ trợ DN khỏe, người ta cũng cần nhưng không cần lắm. Trong khi toàn nền kinh tế có đến 70-80% không đáp ứng được yêu cầu, mấy trăm nghìn công nhân thất nghiệp có hỗ trợ không… Bài toán này cần đặt vấn đề ngược lại với các cơ quan nhà nước về chính sách.
Ông Vinh cho rằng hãy để các ngân hàng được cân đối những rủi ro trong phạm vi cho phép, khi khách hàng đang gặp khó khăn, không thể đáp ứng đầy đủ 100% điều kiện thì ngân hàng có thể chấp nhận nếu nhìn thấy tiềm năng trong tương lai.
Thứ hai, để giảm lãi suất, đã có rất nhiều các văn bản kêu gọi, vận động, áp dụng các biện pháp hành chính. Tuy nhiên gốc rễ của lãi suất không nằm ở thủ tục hành chính mà nằm ở thị trường. Đó là vấn đề thanh khoản, nếu không giữ môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, một chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ cùng các chính sách khác ổn định… thì sẽ rất khó.
Thứ ba, đối với hỗ trợ tài chính tiêu dùng, nhu cầu của người dân là cần chính sách để triển khai hết các hình thái cho vay tiêu dùng để giải quyết việc suy giảm tiêu dùng của người dân trong thời gian qua.
Theo ông Vinh, cần có chính sách bảo vệ quyền và lợi ích của ngân hàng, củng cố hoạt động lành mạnh của ngân hàng. Hiện ngân hàng cho vay cũng đang chịu nhiều rủi ro nhất, do đó cơ quan quản lý cũng cần có những quy định về quyền đòi nợ, quyền xử lý nợ, ngân hàng có quyền đòi nợ, người đi vay phải có trách nhiệm trả nợ.
Theo Nhịp sống thị trường