Với ngành nghề đặc thù nhiều nguy hiểm và độc hại, công nhân ngành than thường được trả lương cao hơn các ngành khác. Nhưng tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), lương công nhân chỉ bằng một góc nhỏ so với lương lãnh đạo.
Dàn sếp lương bạc tỷ
Cụ thể, trong năm 2019, ông Lê Minh Chuẩn – Chủ tịch Hội đồng Thành viên TKV – nhận lương 1.036,8 tỷ đồng, tương đương 86,4 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, theo kế hoạch đề ra trước đó, thù lao của ông Chuẩn chỉ là 864 triệu đồng/năm. Như vậy, ông Chuẩn được trả cao hơn kế hoạch tới 172,8 triệu đồng, tương đương 20%.
Tính chung trong 2019, cả dàn lãnh đạo được trả thù lao lên tới gần 15,5 tỷ đồng, tăng 2,6 tỷ đồng, tương đương 20,2% so với kế hoạch.Ông Chuẩn không phải lãnh đạo duy nhất tại TKV nhận lương bạc tỷ. Danh sách nhận lương tiền tỷ năm 2019 của TKV còn có ông Đỗ Thanh Hải - Tổng Giám đốc TKV. Theo đó, trong 2019, ông Hải được trả 1.008 tỷ đồng, tăng 168 tỷ đồng, tương đương 20% so với kế hoạch đã được phê duyệt.
Dàn lãnh đạo còn lại của TKV cũng có thù lao cao ngất ngưởng, ngót nghét 1 tỷ đồng. Mức thu nhập 921,6 triệu đồng trong năm 2019 được dành cho các thành viên của Hội đồng thành viên. Số tiền này tăng mạnh so với con số 768 triệu đồng theo kế hoạch.
Công nhân TKV nhận lương bao nhiêu?
Trong khi đó, theo báo cáo của công ty mẹ - TKV, năm 2019, tiền lương bình quân của người lao động là hơn 13,9 triệu đồng/người/tháng. Kế hoạch 2020, lương bình quân của người lao động tăng nhẹ lên trên 14,3 triệu đồng/người/tháng.
Về lực lượng lao động, trong nhiều năm gần đây, TKV có xu hướng mạnh tay cắt giảm nhân sự. Năm 2018, số lượng người lao động tại TKV giảm 6.129 người, tương đương 5,9% so với năm 2017.
Tới 2019, TKV tiếp tục giảm 7.864 người, tương đương 7,5%. Sang 2020, dù TKV tuyển dụng trở lại nhưng tổng người lao động là 97.000 người, vẫn giảm 7.504 người, tương đương 7,2%.
Tài sản TKV đi lùi sau 6 năm
Sau 6 năm, tài sản TKV không gia tăng mà thậm chí, còn đi lùi. Cụ thể, tại thời điểm 30/6/2020, tổng tài sản TKV là 132.617 tỷ đồng, giảm 1.348 tỷ đồng, tương đương 1% so với năm 2013, thời điểm trước khi ông Chuẩn được bổ nhiệm chức danh Chủ tịch thành viên TKV.
Trong khi đó, lợi nhuận cũng chẳng có nhiều tiến triển. Lợi nhuận sau thuế quý II/2020 của TKV chỉ là 1.120 tỷ đồng, bằng 54% tổng lợi nhuận cả năm 2013. Có thể thấy, nếu 6 tháng cuối năm 2020, TKV không có bứt phá, khoản lãi tại TKV sau 8 năm vẫn giậm chân tại chỗ.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2020, TKV hiện gánh khoản nợ phải trả lên tới 90.450 tỷ đồng, tăng 7.261 tỷ đồng, tương đương 8,7% so với thời điểm đầu năm nay. Nợ phải trả cao gấp 2,1 lần vốn chủ sở hữu của TKV.
Trong đó, nợ vay là con số rất lớn 55.365 tỷ đồng (21.765 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 33.600 tỷ đồng nợ dài hạn). Nợ dài hạn đang giảm đáng kể nhưng nợ ngắn hạn tăng vọt từ 16.009 tỷ đồng lên 21.765 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa áp lực trả nợ của TKV là rất lớn. Trong khi đó, tiền và các khoản tương đương tiền tại TKV chỉ là con số rất nhỏ so với nợ: 3.654 tỷ đồng.