Phân tích nợ xấu của TPBank tính tới thời điểm 31.3.2020, theo Báo cáo tài chính quý I/2020, tổng nợ xấu tăng xấp xỉ 53% từ hơn 1235 tỉ đồng lên khoảng 1.883 tỉ đồng.
Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng 61,3%, nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng 63,7% và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng 35,5%.
Đáng chú ý, trong quý I/2020, tỉ lệ nợ xấu của TPBank tăng lên 1,87% (so với mức 1,29% vào cuối năm 2019).
Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank chia sẻ tại Đại hội cổ đông, nợ xấu ngân hàng tăng thêm chủ yếu đến từ khách hàng cá nhân vay mua ôtô dù chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch COVID-19. Dự kiến trong thời gian tới, TPBank triển khai các biện pháp thu hồi nợ, nhưng việc này cũng gặp khó khăn do nhiều khách hàng đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Đánh giá về kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong mùa đại hội cổ đông năm 2020, chuyên gia phân tích của BVS cho rằng “TPBank là ngân hàng có quy mô tài sản nhỏ, thế mạnh là cho vay mua nhà và mua xe, chúng tôi nhận thấy áp lực đối với tăng trưởng tín dụng, và chất lượng tài sản của TPBank trong thời gian tới”.
Nợ xấu tăng kéo theo việc chi phí dự phòng rủi ro của ngân hàng này tăng 109%. Do đó, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng ghi nhận mức 1.009 tỉ đồng (tăng 18% so với cùng kì năm trước) và lợi nhuận sau thuế là 809,2 tỉ đồng (tăng 19% so với cùng kì năm trước).
Trong khi, thu nhập lãi thuần của TPBank tính tới thời điểm 31.3.2020 tăng 35% lên mức xấp xỉ 1.728 tỉ đồng thì lãi từ hoạt động dịch vụ giảm đến 27,6% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 157 tỉ đồng.
Lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư cũng giảm 19%.
Lãi thuần từ hoạt động khác tăng 13 lần cùng kỳ, đạt gần 306 tỉ đồng do tăng thu từ hoạt động kinh doanh khác.
Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh ngoại hối tiếp tục báo lỗ lên mức 83,4 tỉ đồng, tăng gấp 6 lần so với mức lỗ ghi nhận vào cuối năm 2019.