Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) vừa công bố BCTC hợp nhất bán niên năm 2020 sau soát xét. Đáng chú ý, sau kiểm toán, nợ xấu của ngân hàng tăng vọt so với báo cáo tự lập trước đó.
Cụ thể, sau kiểm toán, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) của Nam A Bank lên gấp gần 5 lần so với trước soát xét, lên mức 1.535 tỷ đồng.
Trong khi đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) lần lượt giảm 6% và 27% so với trước kiểm toán, dẫn đến tổng nợ xấu của NAM Á BANK tăng 81%, lên mức gần 2.259 tỷ đồng, cao gấp 1,8 lần so với mức 1.245 tỷ đồng trong báo cáo tự lập.
Đáng chú ý, DƯ NỢ CHO VAY KHÁCH HÀNG cũng tăng thêm hơn 1.904 tỷ đồng, tương đương tăng 3% so với trước soát xét, lên mức 77.006 tỷ đồng. Như vậy, tăng trưởng dư nợ cho vay của ngân hàng trong 6 tháng đầu năm đạt 14% thay vì 11,2% theo như báo cáo tự lập trước đó.
Nợ nghi ngờ tăng mạnh là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 1,66% lên mức 2,93% sau soát xét.
Cùng với việc điều chỉnh tăng dư nợ, kiểm toán đã giảm 2.143 tỷ đồng các khoản phải thu của Nam A Bank xuống còn 1.788 tỷ đồng.
Tuy tổng nợ xấu tăng mạnh sau soát xét, kết quả kinh doanh bán niên NamABank không có sự thay đổi.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế và sau thuế của Nam A Bank nửa đầu năm 2020 vẫn ở mức gần 201 tỷ đồng và 160 tỷ đồng, lần lượt giảm 55% và 54% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận giảm chủ yếu do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của NamABank tăng gấp 6,2 lần, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, lên hơn 276 tỷ đồng.
Tương tự, Sacombank công bố BCTC hợp nhất bán niên năm 2020 được soát xét, trong đó, nợ nhóm 4 của ngân hàng cũng có sự chênh lệnh nhỏ nhưng không đáng kể so với trước soát xét. Cụ thể, sau kiểm toán, nợ nghi ngờ ở mức 545 tỷ đồng, còn trong báo cáo tự lập ở mức 543 tỷ đồng.
Còn nhớ, 6 tháng đầu năm 2019, một số ngân hàng như ABBank, Eximbank,… công bố BCTC 6 tháng qua soát xét cho kết quả không như báo cáo ban đầu.
Cụ thể, theo báo cáo soát xét của Eximbank, kiểm toán đã thực hiện điều chỉnh khoản mục lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của nhà băng này từ 43,4 tỷ đồng trong báo cáo tự lập tăng lên gần 155 tỷ đồng sau soát xét.
Do đó, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2019 của ngân hàng được tăng thêm tương ứng 111,4 tỷ đồng, đạt 762,5 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 619,5 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng tài sản cũng điều chỉnh lên mức 159.591 tỷ đồng, tăng 4,5% so với báo cáo tự lập.
Báo cáo của ABBank thì cho thấy LỢI NHUẬN SAU KIỂM TOÁN 6 tháng đầu năm 2019 lại giảm 89 tỷ đồng, từ hơn 526 tỷ đồng xuống gần 436,5 tỷ đồng do ghi nhận thêm thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính của 6 tháng 2019 theo đề xuất từ đơn vị kiểm toán, từ 25,2 tỷ đồng trước kiểm toán lên gần 114,5 tỷ đồng.