Thời gian qua các ngân hàng rất tích cực trong việc xử lý nợ xấu thông qua việc phát mại tài sản, đưa tài sản bảo đảm các khoản vay và các khoản nợ xấu ra bán đấu giá. Thực tế, nhiều tài sản được đem ra đấu giá nhiều lần nhưng vẫn không thể tìm được người mua dù giá giảm. So với các đợt trước đây, tài sản phát mãi lần này đã trở nên quy mô và đang dạng hơn khi trường học, nhà hàng cũng được các nhà băng thanh lý.
Những tài sản ngàn tỉ đồng dự “chợ phiên”
Khải năng trả nợ của các doanh nghiệp đang ngày một yếu đi, tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn ở các ngân hàng đang tăng mạnh sau soát xét. Do vậy các khoản nợ xấu được ngân hàng rao bán có giá trị cao xuất hiện ngày một nhiều hơn trong thời gian gần đây.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đang bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại lô số 14, Công viên Phần mềm Quang Trung, quận 12, TPHCM. Đây là khu đất vốn thuộc về Trường Kỹ thuật Tin học Sài Gòn (SaigonTech) có thời hạn sử dụng đất đến năm 2056.
Tòa nhà của trường SaigonTech bị SCB rao bán cao 12 tầng, bắt đầu xây dựng năm 2006. Diện tích khu đất là 5.600 m2. Giá khởi điểm được ngân hàng đưa ra là 191 tỉ đồng. Ngày tổ chức đấu giá là 11-9.
Trước đó, ngày 27-8, SCB cũng tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc dự án khu cao ốc căn hộ và biệt thự cao cấp tại địa chỉ 1323 Huỳnh Tấn Phát, quận 7, TPHCM. Giá đấu khởi điểm là 2.350 tỉ đồng. Dự án này có tên thương mại là BMC Hưng Long, do Công ty BMC làm chủ đầu tư.
Trong khi đó, với tỷ lệ nợ xấu cao, BIDV vẫn là đơn vị rao bán tài sản miệt mài nhất trong hệ thống khi liên tiếp đưa ra “chợ phiên” những tải sản quy mô lớn trong những năm qua. Trong lô tài sản được rao cuối tháng 8 vừa qua mỗi tài sản được nhà băng này rao bán có giá gần 400 tỉ đồng.
Cụ thể, BIDV rao bán đấu giá tài sản nguyên lô gồm quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất là Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace tại quận 7, TPHCM (diện tích 2.675 m2) cùng với hệ thống máy móc thiết bị. Giá khởi điểm cho tài sản nguyên lô gần 378 tỉ đồng, chưa bao gồm VAT.
Hay khoản nợ của Công ty cổ phần Du lịch Thương mại Nông nghiệp Việt Nam cũng được BIDV rao bán với giá khởi điểm hơn 388 tỉ đồng. Tài sản bảo đảm của khoản nợ là quyền sử dụng đất với diện tích gần 8.147 m2 ở Vũng Tàu.
Tính đến ngày 30-6, dư nợ cho vay khách hàng của BIDV ở mức hơn 1,1 triệu tỉ đồng, chỉ tăng 2% so với đầu năm. Trong khi đó, tổng nợ xấu của Ngân hàng lại tăng mạnh 17%, chiếm gần 22.770 tỉ đồng, đẩy tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 1,75% lên mức 2%.
Không riêng gì BIDV, nợ xấu của các ngân hàng trong nhóm “Big 4” cũng tăng mạnh và những tài sản thế chấp quy mô lớn cũng đã bắt đầu được nhóm này đưa ra đấu giá.
Với VietinBank, nợ xấu của ngân hàng này tăng đến 48% trong 6 tháng đầu năm, chiếm hơn 15.973 tỉ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vay của VietinBank tăng từ 1,16% lên mức 1,7%. Trong ngày 11-8, VietinBank cũng thông báo bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất tại khu đô thị mới Phước Trạch - Phước Hải, TP. Hội An, Quảng Nam với giá khởi điểm hơn 496 tỉ đồng.
Trong khi đó, qua 6 tháng đầu năm thì tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank cũng tăng 11% với 6.433 tỉ đồng. Điều này khiến tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của Vietcombank tăng lên mức 0,83% so với mức 0,79% của hồi đầu năm. Tất cả các tài sản thế chấp được nhà băng này rao bán trong cuối tháng 8 vừa qua cũng có giá trị lên đến hơn 100 tỉ đồng.
Sacombank cũng đang trong quá trình tái cơ cấu nợ xấu trong hệ thống thông qua việc bán tài sản thế chấp. Đa số tài sản được ngân hàng này đưa ra đấu giá là các nhà đất mặt tiền các quận trung tâm TPHCM với tổng giá trị lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Trong đó một khu đất tại quận Tân Phú có giá trị cao nhất với mức khởi điểm 355 tỉ đồng.
Không nhiều kỳ vọng về tính thanh khoản
Báo cáo mới phát hành của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng nhận định, diễn biến dịch Covid-19 ngày càng phức tạp tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu dẫn đến rủi ro về chất lượng tài sản là quan ngại lớn nhất cho các ngân hàng hiện nay, đặc biệt là trong thực tế, nhiều ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu (số dư dự phòng các khoản nợ xấu/nợ xấu) khá thấp để chống đỡ trước những cú sốc chất lượng tài sản không lường trước được.
Mặc dù đã ra sức bán tài sản thu hồi nợ xấu, song theo lãnh đạo các nhà băng, do ảnh hưởng của đại dịch tác động lên thị trường bất động sản nên việc phát mãi tài sản là bất động sản trở lên khó khăn. Vì vậy, quá trình thu hồi nợ cũng chậm trễ, không được như kỳ vọng, nếu thị trường bất động sản không thuận lợi thì để xử lý dứt điểm có thể kéo dài đến năm 2023.
Đại diện của một ngân hàng cho biết, quá trình phát mãi tài sản thu hồi nợ khó khăn, song do tác động của dịch bệnh khiến nợ xấu mới gia tăng. Các kế hoạch thu hồi nợ xấu trong ngăn hạn dường như đổ bể khi làn sóng dịch bệnh thứ hai ập đến. Báo cáo tài chính bán niên của nhiều ngân hàng cũng cho thấy điều này, khi nợ xấu nhóm 3-5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng mạnh so với đầu năm 2020.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam (VLCAC), cho biết hiện ngân hàng cũng rất khó bán được hàng vì diễn biến dịch bệnh còn phức tạp. Chưa kể giá trị tài sản quá lớn nên dù có hời thì cũng ít người có đủ tiềm lực tài chính để mua để dành.
Hơn nữa, mua bất động sản phát mại cũng có rủi ro khi người mua nhà phát mại mua trực tiếp từ chủ nhà cũ, tức là “con nợ” thông qua sự giới thiệu của ngân hàng. Lý do vì đây là loại tài sản bị tịch biên, khi người mua làm việc trực tiếp với chủ tài sản (con nợ) nghĩa là họ đang giao dịch với người không sở hữu hoàn toàn tài sản. Nếu không nắm kỹ những thông tin này, người mua có thể gặp rắc rối và phải mất nhiều thời gian để giải quyết.
Mặc dù Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ phần nào việc cơ cấu lại các khoản trả nợ, miễn, giảm lãi nhưng cơ cấu nợ xấu của các nhà băng cuối quí 2 vẫn xấu hơn so với cuối quí 1. Do đó, mức nợ xấu hiện tại chưa thực sự phản ánh đúng chất lượng tài sản của các nhà băng khi mà các khách hàng bị ảnh hưởng từ Covid-19 đang nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ.
Cũng vì lẽ đó, nhiều dự báo về nợ xấu và lợi nhuận của các ngân hàng sẽ còn xấu hơn vào quí 3-4 và cuối năm nay. Thêm vào đó, tình hình dịch Covid-19 đang tái bùng phát như hiện nay chắc chắn sẽ là một đòn đau mới giáng vào tình hình kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.