Chi phí dự phòng rủi ro tăng cao trong quý 3
Theo báo cáo tài chính quý III/2022, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank – mã VCB) ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt 16.714 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 31% so với cùng kỳ, đạt gần 13.664 tỷ đồng.
Các nguồn thu ngoài lãi sụt giảm so với cùng kỳ như lãi từ dịch vụ giảm 2%, lãi từ hoạt động khác giảm 14%. Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh lỗ 154 tỷ đồng và mua bán chứng khoán đầu tư lỗ 1,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi.
Sau một năm ông Phạm Quang Dũng làm chủ tịch, chất lượng tín dụng đi xuống, nợ xấu Vietcombank tăng mạnh |
Chi phí hoạt động ở mức 6.370 tỷ đồng, tăng 27,3% so với cùng kỳ. Tỷ lệ chi phí hoạt động/thu nhập (CIR) ở mức 38,1%. Vietcombank cũng tăng chi phí dự phòng rủi ro lên 2.778 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ. Kết quả, nhà băng này lãi trước thuế hơn 7.566 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, chi phí dự phòng của Vietcombank giảm nhẹ gần 3% so với cùng kỳ xuống mức 7.785 tỷ đồng. Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 24.939 tỷ đồng, tăng 29% so với 9 tháng đầu năm 2021.
Năm 2022, Vietcombank đặt mục tiêu lãi trước thuế tối thiểu tăng 12% so với kết quả năm 2021, tương đương 30.675 tỷ đồng. Như vậy, nhà băng này đã thực hiện được hơn 81% mục tiêu sau 9 tháng.
Chất lượng tín dụng đi xuống, nợ xấu tăng mạnh
Cách đây hơn một năm, vào cuối tháng 8 năm sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận, Hội đồng quản trị Vietcombank đã bầu ông Phạm Quang Dũng, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng.
Tuy nhiên, kể từ khi có Chủ tịch mới, chất lượng tín dụng của Vietcombank lại có dấu hiệu đi xuống. Tổng nợ xấu tính đến 30/9 đã tăng 47% so với đầu năm, lên gần 9.004 tỷ đồng. Nợ dưới tiêu chuẩn tăng lên mức hơn 2.313 tỷ đồng, gấp 3 lần đầu năm. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 0,64% đầu năm lên 0,8%.
Tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản Vietcombank đạt gần 1,65 triệu tỷ đồng, tăng 16,6% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 1,13 triệu tỷ đồng, tăng 17,6% so với đầu năm và tăng 2,66% so với cuối tháng 6/2022.
Tiền gửi khách hàng tại Vietcombank tăng 5,4% trong 9 tháng lên gần 1,2 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi vốn chuyên dùng và tiền gửi ký quỹ đạt 417.800 tỷ đồng, tăng hơn 12.700 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) giảm từ 35,7% xuống 34,9%.
Ngoài ra, Vietcombank còn tiếp tục nhận được nguồn vốn giá rẻ với quy mô lớn trong quý 3. Tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại nhà băng này đã lên tới 86.244 tỷ đồng vào cuối tháng 9, gấp 11 lần con số cuối năm 2021 (7.694 tỷ đồng). Riêng chỉ trong quý III, Kho bạc Nhà nước đã gửi vào Vietcombank thêm hơn 27.000 tỷ đồng.
Trong lúc chờ nới room tín dụng vào giai đoạn tháng 8-9/2022, Vietcombank đã mua lại tổng cộng 2.900 tỷ đồng trái phiếu trước hạn. Mặt khác, nhà băng này đã huy động thành công 1.690 tỷ đồng trái phiếu qua 3 đợt phát hành trong tháng 8. Đợt 1, ngân hàng phát hành ngày 9/8/2022 với giá trị 1.500 tỷ đồng có kỳ hạn 8 năm; đợt 2 phát hành ngày 15/8/2022 với giá trị 100 tỷ đồng có kỳ hạn 10 năm và đợt 3 phát hành ngày 24/8/2022 với giá trị 90 tỷ đồng, cũng kỳ hạn 10 năm.