Ngoài cho vay kiểu “ném tiền qua cửa sổ”, Agribank còn những sai phạm gì?

NHVN 12:29 30/07/2020

Ngoài việc cho vay kiểu “ném tiền qua cửa sổ” dẫn đến nợ xấu, nguy cơ mất vốn với số tiền rất lớn, cơ quan Thanh tra giám sát cũng chỉ ra tại Agribank còn rất nhiều sai phạm, yếu kém khác

Tiếp theo những sai phạm đã được nêu trong các bài trước tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), ở bài viết này, báo Tuổi trẻ Thủ đô tiếp tục thông tin những tồn tại, vi phạm khác được Cơ quan Thanh tra, Giám sát - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ ra tại Kết luận thanh tra số 358/KL-TTGSNH1.

Theo đó, Cơ quan Thanh tra, Giám sát - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam qua thanh tra 19/171 chi nhánh Agribank đã phát hiện nhiều khuyết điểm, yếu kém về phương án cơ cấu lại tổ chức quản trị điều hành, hệ thống kiểm soát lại nội bộ, kiểm toán nội bộ tại Agribank.

Cụ thể, về kiểm toán nội bộ, tại thời điểm thanh tra, Agribank chưa ban hành quy định về cấp tín dụng, quản lý tiền vay đối với một khách hàng và người có liên quan theo quy định tại Điều 4, Thông tư 36/2014/TT-NHNN (quy định tiêu chí và chính sách tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan; Phân tán rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng, phương pháp theo dõi, quản lý và việc phê duyệt cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan ở mức từ 1% vốn tự có Agribank trở lên).

Theo cơ quan thanh tra, Agribank cần nâng cao chất lượng kiểm tra, kiểm soát nội bộ tại chi nhánh, chủ động thực hiện các cuộc kiểm tra nghiệp vụ, phát huy vai trò của kiểm tra kiểm soát nội bộ tại chi nhánh, tránh xảy ra một số trường hợp tồn tại, vi phạm tại các chi nhánh chỉ được phát hiện qua các cuộc kiểm tra của Hội sở chính hoặc qua thanh tra, kiểm toán Nhà nước.

Về quản trị rủi ro, Agribank thời điểm thanh tra chưa thiết lập các đơn vị chuyên biệt để quản lý từng loại rủi ro (ngoại trừ rủi ro tín dụng), độc lập với hoạt động tạo ra rủi ro. Ngân hàng cũng chưa có văn bản quy định cơ chế tập trung báo cáo về rủi ro toàn hệ thống; Chưa ban hành chiến lược, chính sách, khung quản trị rủi ro tổng thể.

Nhiều chi nhánh của Agribank cho vay bất chấp quy định về tín dụng

Bên cạnh đó, Agribank cũng chưa xây dựng hệ thống quản trị rủi ro toàn diện, quy trình giám sát nhận diện và cảnh báo rủi ro nhằm nhận dạng, đo lường và kiểm soát rủi ro trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Trong khi đó, về phương án xử lý nợ xấu, Cơ quan Thanh tra, Giám sát - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Agribank cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đề ra tại phương án xử lý nợ xấu theo đề án tái cơ cấu giai đoạn 2013-2015 đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Tuy nhiên, hoạt động tín dụng và chất lượng tín dụng của Agribank còn tiểm ẩn một số rủi ro.

Cụ thể, do đặc thù hoạt động, mỗi cán bộ tín dụng phải quản lý dư nợ lớn kèm theo số lượng khách hàng rất lớn, tiềm ẩn rủi ro trong việc tuân thủ đầy đủ quy trình cho vay, kiểm soát rủi ro trong hoạt động cho vay.

Trong giai đoạn 2013-2017, tổng số nợ xấu Agribank bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) là 50.977 tỷ đồng; Tuy nhiên, kết quả xử lý, thu hồi các khoản nợ sau khi bán cho VAMC còn chưa cao (số tiền thu hồi được sau khi bán nợ giai đoạn 2013 - 2017 là 15.460 tỷ đồng, chiếm 30% tổng số nợ bán cho VAMC).

Đồng thời, qua thanh tra chọn mẫu tại một số chi nhánh trong hệ thống ngân hàng Agribank cho thấy còn nhiều tồn tại, hạn chế trong quá trình cấp tín dụng của ngân hàng như: Thẩm định, kiểm soát, giám sát sau cho vay chưa chặt chẽ; Công tác nhận tài sản của khách hàng làm tài sản đảm bảo nhiều khi còn thiếu sót, chưa thực hiện định giá lại tài sản đảm bảo theo quy định, thực hiện chưa đầy đủ theo quy trình nội bộ của Agribank trong hoạt động tín dụng, tiềm ẩn nhiều rủi ro phát sinh nợ xấu.

Trụ sở chính của Agribank.

Liên quan đến sai phạm tại Agribank, ở bài báo trước, báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, qua công tác thanh tra, cơ quan Thanh tra, Giám sát - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có nhiều sai phạm trong hoạt động cho vay, bảo lãnh, thư tín dụng (L/C) tại 19/171 chi nhánh của Agribank với tổng số tiền vi phạm lên tới gần 21.000 tỷ đồng, chiếm 54,95% tổng dư nợ được thanh tra (38.070 tỷ đồng).

Cụ thể, cơ quan thanh tra phát hiện 19 chi nhánh của Agribank vi phạm cho vay với dư nợ 7.106 tỷ đồng khi thẩm định sơ sài, chưa có chứng từ chứng minh vốn tự có của khách hàng tham gia vào phương án vay vốn, thẩm định nguồn trả nợ chưa chính xác, cho vay vượt hạn mức, thẩm định chưa làm rõ được tính khả thi của phương án, cho vay ngoài địa bàn không có chấp thuận của trụ sở chính…

Cơ quan Thanh tra, Giám sát - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng phát hiện 19 chi nhánh của Agribank đã kiểm tra không đúng, không đầy đủ; Không thực hiện kiểm tra tiến độ dự án, phương án vay vốn, không kiểm tra tình hình tài chính, nguồn thu nhập của khách hàng vay, không kiểm tra tài sản bảo đảm, hồ sơ giải ngân không đầy đủ thiếu chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay… với dư nợ vi phạm là 13.735 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, 13 chi nhánh của Agribank cũng bị phát hiện vi phạm về phương tiện thanh toán để giải ngân vốn vay, không đúng quy định tại Thông tư số 09/2012/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, với 73 khách hàng, dư nợ vi phạm là 1.305 tỷ đồng.

Đồng thời, 13 chi nhánh của Agribank cũng bị phát hiện vi phạm về hồ sơ vay vốn: Hồ sơ cho vay chưa có hồ sơ thiết kế, giấy phép xây dựng được phê duyệt, phương án phòng cháy chữa cháy, báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo tài chính chưa được kiểm toán hoặc chưa phải là báo cáo tài chính nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền… với dư nợ vi phạm là 2.410 tỷ đồng.

Ngoài ra, 17 chi nhánh của Agribank khi cho vay vốn đã xác định thời hạn cho vay chưa đúng theo chu kỳ hoạt động kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng, vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước với dư nợ là 2.219 tỷ đồng.

Qua thanh tra, cơ quan Thanh tra, Giám sát - Ngân hàng Nhà nước cũng phát hiện 18 chi nhánh của Agribank chưa tuân thủ quy định về định kỳ đánh giá đối với tài sản đảm bảo; Nhận tài sản đảm bảo là kho hàng hóa, nguyên liệu nhưng không thực hiện đối chiếu, đánh giá được hiện trạng hàng hóa thế chấp; Nhận tài sản đảm bảo là nhà ở khi chưa có Giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở; Nhận tài sản đảm bảo là quyền đòi nợ nhưng chưa đủ hồ sơ, tài liệu xác định quyền đòi nợ… dư nợ vi phạm là 4.722 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra cũng phát hiện tại 12 chi nhánh của Agribank vi phạm về việc cơ cấu lại nợ khi thực hiện cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhiều lần đối với khách hàng có tình hình tài chính không khả quan, không có phương án trả nợ; Cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ không đúng quy định theo Thông tư số 09/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước… với dư nợ vi phạm là 1.463 tỷ đồng.

Hơn nữa, cơ quan Thanh tra, Giám sát - Ngân hàng Nhà nước cũng phát hiện các chi nhánh của Agribank cho vay ngoài địa bàn chưa có văn bản chấp thuận của Tổng giám đốc; Không thực hiện ký kết phụ lục hợp đồng tín dụng khi điều chỉnh thời hạn trả nợ; Chưa thực hiện hết trách nhiệm trong việc đôn đốc khách hàng trả nợ… dư nợ vi phạm là 1.740 tỷ đồng.

Đặc biệt, qua kết quả thanh tra, cơ quan thanh tra còn nhận thấy rất nhiều trường hợp tiềm ẩn rủi ro khác, nguy cơ mất vốn lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng do cho vay trái quy định. Hàng loạt công ty được cho vay trái quy định với dư nợ hàng trăm tỷ đồng khiến ngân hàng đứng trước nguy cơ mất vốn, khó có khả năng thu hồi.

Các sai phạm tại Agribank có nguyên nhân do đâu, ai phải chịu trách nhiệm? Chúng tôi sẽ thông tin ở bài tiếp theo!

Theo Báo Tuổi trẻ Thủ đô

Link gốc : https://tuoitrethudo.com.vn/ngoai-cho-vay-kieu-nem-tien-qua-cua-so-agribank-con-nhung-sai-pham-gi-141711.html?gidzl=DipqF12CbtWmqFGv79IMUZpMz3W7bf8gTjVrQbEKmdXqr_KuKfUVBt61_cfJm9acSDUePp8LSb9q4eoMVm

Bạn đang đọc bài viết Ngoài cho vay kiểu “ném tiền qua cửa sổ”, Agribank còn những sai phạm gì? tại chuyên mục Hỏi đáp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Hỏi đáp