Nghịch lý
Những ngày qua, cuộc sống của người dân các tỉnh phía Nam bị đảo lộn vì thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng chống dịch Covid-19. Tình trạng lương thực, thực phẩm cũng trở lên khó khăn khi giá cả leo thang, nhiều cửa hàng bán không đúng giá niêm yết.
Đặc biệt là hệ thống cửa hàng Bách hóa Xanh bị người dân phản ánh về việc tăng giá sản phẩm, tính tiền không đúng số lượng hàng hóa và không đúng với giá niêm yết. Lực lượng chức năng nhiều tỉnh thành cũng đã vào cuộc kiểm tra, lập biên bản vi phạm đối với cửa hàng Bách hóa Xanh trên địa bàn.
Hiện tượng trên được cho là nghịch lý bởi người nông dân ở một số tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TP.HCM và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ... đang than rằng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên không thể tiêu thụ được nông sản. Các mặt hàng rau, củ, quả ùn ứ tại các nhà vườn mà không ai đến mua, mặc dù giá đã rẻ hơn nhiều so với thời gian trước.
Giá niêm yết tại cửa hàng Bách hóa Xanh (huyện Hóc Môn, TP.HCM) ngày 15/7. |
Tại chương trình Cà phê doanh nhân do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM vừa tổ chức, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho biết, giá hành lá ở Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ có 10.000 đồng/kg nhưng người dân TP.HCM phải chấp nhận mua giá cao, có lúc lên đến 120.000 đồng/kg.
Ông Lê Hữu Nghĩa - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Bình Tân (TP.HCM) cung cấp, giá rau muống tại các nhà vườn ở huyện Củ Chi, TP.HCM chỉ có giá 4.000 đồng/kg.
Trong khi đó, ngày 15/7, tại một cửa hàng Bách hóa Xanh trên đường Nguyễn Anh Thủ, huyện Hóc Môn, TP.HCM niêm yết giá rau muống bình thường là 16.000 đồng/kg, rau muống hạt là 27.000 đồng/kg (gấp từ 4 - 7 lần giá tại nhà vườn).
Trước những thông tin này, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận định, vấn đề lương thực thực phẩm tại các tỉnh phía Nam có dấu hiệu của hành vi đầu cơ, thổi giá kiếm lời.
"Đây rõ ràng là doanh nghiệp lợi dụng khó khăn mùa dịch Covid-19 để trục lợi riêng tư. Các doanh nghiệp đừng nói rằng: 'Tôi bán giá thực tế', 'Tôi bán giá bình ổn'..." - ĐBQH Phạm Văn Hòa khẳng định.
Theo ông Hòa, giá cả hàng hóa có cao hay không thì người tiêu dùng sẽ có nhìn nhận, đánh giá đúng nhất. Còn doanh nghiệp có thể "chỉ nói mà không đi đôi với thực hành", cho nên, cần phải có sự vào cuộc kiểm tra của chính quyền, xử phạt gắt gao đối với những trường hợp vi phạm để doanh nghiệp không dám làm khó khăn cho người dân nữa.
Nhân viên Bách hóa Xanh tính tiền khối lượng cao gấp đôi
Sáng 23/7, Đoàn kiểm tra liên ngành của TP.Tân An, tỉnh Long An tiến hành kiểm tra đối với cửa hàng Bách hoá Xanh, số 19, phường 3, TP.Tân An về hành vi nhân viên cửa hàng tính tiền khối lượng chênh lệch cao hơn khối lượng người dân mua hàng.
Theo đó, ngày 17/7/2021, người dân phản ánh lên đường dây nóng UBND TP.Tân An về việc họ mua 3 sản phẩm tại cửa hàng Bách hoá Xanh trên và được nhân viên thu ngân cửa hàng tính khối lượng chênh lệch cao hơn khối lượng mà người dân mua hàng.
Nhiều mặt hàng tại Bách hóa Xanh bị người tiêu dùng phản ánh cao hơn so với các siêu thị khác, nhân viên tính tiền sai, không đúng giá niêm yết. |
Cụ thể: Người dân mua 0,75 kg sản phẩm thịt đùi, nhân viên cửa hàng tính tiền 1,3 kg; Đối với cá nục, người dân mua 0,6 kg, nhân viên cửa hàng tính tiền 1,2 kg; Người dân mua 1 kg sản phẩm cá saba, nhân viên tính 1,6 kg.
Sau khi người dân phản ánh, nhân viên thanh toán tiền Bách hóa Xanh đã trả lại tiền tính chênh lệch cho khách là 166.000 đồng.
Qua kiểm tra thực tế, Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành lập biên bản đối với cửa hàng Bách hóa Xanh này.
Đoàn đề nghị cửa hàng gửi công văn giải trình về Phòng Kinh tế TP.Tân An trước ngày 26/7/2021, nếu cửa hàng tiếp tục vi phạm, đoàn sẽ tiến hành lập biên bản xử phạt theo quy định của pháp luật.
Qua đây, UBND TP.Tân An kêu gọi người dân không hoang mang, không mua hàng tích trữ; Doanh nghiệp không tăng giá hàng hóa vô lý. Cơ quan chức năng cũng sẽ xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về giá, lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính, găm hàng, đầu cơ.
Nhiều mặt hàng Bách hóa Xanh bán cao hơn siêu thị khác
Giá bán tại cửa hàng Bách hóa Xanh trên địa bàn TP.HCM cũng có sự chênh lệch đáng kể so với một số siêu thị khác trong khu vực.
Sáng ngày 17/7/2021, mặt hàng bông cải xanh ở Bách hóa Xanh (đường Nguyễn Ảnh Thủ, huyện Hóc Môn) bán giá 60.000 đồng/kg nhưng tại Saigon Corpmart và CoopFood cách đó không xa có giá lần lượt là 47.900 đồng/kg và 42.500 đồng/kg (chênh từ 12.000 - 17.500 đồng/kg).
Mặt hàng cà chua ở Bách hóa Xanh bán giá 33.000 đồng/kg, còn tại Saigon Corpmart và CoopFood lần lượt là 30.000 đồng/kg và 24.000 đồng/kg (chênh từ 3.000 - 9.000 đồng/kg).
Mặt hàng khoai mỡ ở Bách hóa Xanh bán giá 46.000 đồng/kg, còn tại Saigon Corpmart và CoopFood lần lượt là 34.500 đồng/kg và 35.000 đồng/kg (chênh từ 11.000 - 11.500 đồng/kg).
Mặt hàng Bí đỏ tròn ở cửa Bách hóa Xanh có giá 25.000 đồng/kg, còn tại Saigon Corpmart và CoopFood lần lượt là 19.500 đồng/kg và 16.600 đồng/kg (chênh từ 5.500 - 8.400 đồng/kg).
Mặt hàng bắp cải trắng ở Bách hóa Xanh bán giá 30.000 đồng/kg, còn tại Saigon Corpmart và CoopFood có giá lần lượt là 21.000 đồng/kg và 16.500 đồng/kg (chênh từ 9.000 - 13.500 đồng/kg).
Nhiều người dân mua hàng tại Bách hóa Xanh cho biết, giá hầu hết các mặt hàng tại đây đều cao hơn so với những đơn vị khác.
"Không những đa phần giá các mặt hàng tại Bách hóa Xanh cao hơn bình thường mà giá còn không ổn định, biến động từng ngày. Điều đó khiến chúng tôi thắc mắc, cả chính quyền, người dân và doanh nghiệp đều cam kết bình ổn giá mặt hàng thiết yếu trong thời gian cách ly theo Chỉ thị 16, đoàn kết chống dịch bệnh mà sao giá lại 'nhảy múa' đến chóng mặt?", chị Nguyễn Thị Hoa (35 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) thắc mắc.
Theo Kinh tế môi trường