Lý do thị trường bất động sản khắp nơi đều lên “cơn sốt”

Theo Người đưa tin 11:35 20/04/2022

Tình trạng nhiều dòng tiền liên tục đổ dồn vào bất động sản đã làm cho giá đất ở nhiều địa phương trên cả nước tăng lên chóng mặt, thậm chí ở cả những vùng quê.

Khắp nơi “sốt” đất

Theo Doanh nghiệp Niêm Yết, từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, cơn "sốt" đất đã quay trở lại nhiều địa phương. Đơn cử, tại Bình Phước mới đây, ngay sau thông tin Bình Phước đề xuất Chính phủ làm cầu bắc qua sông Mã Đà để rút ngắn 60 km đi sân bay quốc tế Long Thành, tình trạng sốt đất đã xuất hiện trên tuyến đường ĐT 753 (đoạn từ xã Tân Hưng đến ấp Thạch Mang, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú). Hàng trăm cò, môi giới ồ ạt kéo về khu vực này khiến giá đất tăng 2 – 3 lần chỉ trong vài ngày.

Tại Hà Tĩnh, những ngày vừa qua, cơn "sốt" đất cũng khiến nhiều vùng quê ở huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Vũ Quang,… náo loạn. Giá đất được thổi lên cao chóng mặt do có thông tin các dự án lớn được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Tại Khánh Hòa, đất nền Cam Lâm cũng đang sốt sau thông tin một tập đoàn đến chuẩn bị làm dự án đô thị.

Còn tại ĐắK LắK, cơn "sốt" đất tại Tp.Buôn Ma Thuột diễn ra từ đầu năm đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt,…

Bất động sản - Lý do thị trường bất động sản khắp nơi đều lên “cơn sốt”

Cơn "sốt" đất cũng xuất hiện ở nhiều vùng quê. Ảnh minh họa từ Thời báo Ngân hàng

Theo Nhịp sống kinh tế, báo cáo quý I/2022 của Batdongsan.com.vn cho thấy nhiều thông tin khá bất ngờ về thị trường bất động sản những tháng đầu năm 2022.

Cụ thể, lượt tìm kiếm bất động sản trong quý 1/2022 giảm 4% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng lại tăng khoảng 2% so với quý 1/2019 - thời điểm dịch bệnh chưa diễn ra. Diễn biến này cho thấy bất động sản vẫn rất được quan tâm bất chấp những tác động tiêu cực và kéo dài từ dịch Covid-19. Thậm chí, nhu cầu tìm kiếm, sở hữu bất động sản còn tăng cao hơn, ở cả nhu cầu đầu tư và an cư.

Đất nền là phân khúc được tìm kiếm nhiều hơn cả thời điểm trước dịch Covid. Đây cũng là loại hình bất động sản "nóng" nhất trong hơn 2 năm dịch bệnh, phục hồi nhanh nhất sau mỗi đợt dịch bệnh bùng phát.

Theo đó, lượt tìm kiếm đất nền trong quý I/2022 vẫn tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019. Thực tế những đợt sốt đất cục bộ vẫn diễn ra ở nhiều địa phương vào đầu năm 2020 và 2021, rải rác ở các thời điểm khác trong năm.

Đất nền miền Trung ghi nhận mức độ quan tâm tăng 14% với những địa bàn "nóng" là Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Thuận.... Đáng chú ý, dù nhiều địa phương miền Bắc sụt giảm về mức độ tìm kiếm nhưng giá rao bán đất nền vẫn tăng khá mạnh.

Bên cạnh đó, trong khi nhu cầu tìm kiếm bất động sản tại Hà Nội vẫn khá ổn định, thì tại Tp. HCM, nhu cầu đầu tư có phần giảm nhiệt do giá bán đang ở vùng nóng và nguồn cung khan hiếm. Tuy nhiên mặt bằng giá rao bán đất thổ cư tại cả hai thị trường đều có xu hướng tăng, đặc biệt là ở khu vực vùng ven như Quốc Oai, Chương Mỹ (Hà Nội) hay Củ Chi, Bình Chánh (Tp.HCM)...

Vì sao giá bất động sản tăng nhanh?

Theo Nhịp sống kinh tế, sau Tết Nguyên đán, tình trạng nhiều dòng tiền liên tục đổ dồn vào bất động sản đã làm cho giá đất ở nhiều địa phương trên cả nước tăng lên chóng mặt, bắt nguồn từ nỗi lo lạm phát, nhiều người tìm đến bất động sản làm nơi trú ẩn.

Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam, hiện nay tình trạng "sốt" đất đã lan rộng ra nhiều địa phương, có xu thế chạy theo các thông tin về quy hoạch hạ tầng. Điều đáng nói, giờ đây "sốt" đất không chỉ loanh quanh những khu vực lân cận Tp. HCM hay Hà Nội mà đã len lỏi về nông thôn, thậm chí là miền núi cũng sốt đất mạnh mẽ.

Bất động sản - Lý do thị trường bất động sản khắp nơi đều lên “cơn sốt” (Hình 2).

Từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, cơn sốt đất đã quay trở lại nhiều địa phương. Ảnh minh họa từ internet

Nguyên nhân lớn khiến cho cơn "sốt" bất động sản tăng lên mạnh mẽ trải rộng khắp ba miền là do có các thông tin đầu tư các dự án lớn. Đơn cử, tại Bình Phước, sau thông tin tỉnh Bình Phước đề xuất chính phủ làm cầu qua sông Mã Đà hướng về sân bay quốc tế Long thành, đã khiến tình trạng sốt đất xuất hiện trên dọc tuyến đường ĐT 735.

Tại Khánh Hòa, đất nền Cam Lâm cũng đang "sốt" sau thông tin một tập đoàn đến chuẩn bị làm dự án đô thị. Trong khi đó tại Đắk Lắk, cơn sốt đất tại TP Buôn Ma Thuột diễn ra từ đầu năm đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Ngược về phía miền Trung, do có thông tin các dự án lớn được chấp thuận chủ trương đầu tư đã khiến cho sốt đất diễn ra tại Hà Tĩnh, đặc biệt là tại các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Vũ quang… giá đất được thổi lên chóng mặt.

Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, một trong những nguyên nhân khiến cơn sốt đất lan rộng là do trong hai năm trở lại đây, kinh tế chung của Việt Nam mặc dù vẫn bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid-19 nhưng vẫn có sự tăng trưởng. Bên cạnh đó là nhiều thông tin quy hoạch mới được công bố. Những khu vực nào xuất hiện những thông tin quy hoạch dự kiến triển khai thì các nhà đầu tư lại đổ vào, theo đó giá đất được đẩy lên cao do tình trạng mua đi bán lại nhanh.

Một số chuyên gia cho rằng, "sốt" đất chủ yếu xuất phát từ yếu tố tâm lý muốn đón đầu thị trường, họ muốn tập trung vào các khu vực dự báo có khả năng phát triển tốt. Tuy nhiên có không ít những tiềm năng về dự án đầu tư không rõ ràng, chưa chắc chắn mà các nhà đầu tư đã nhảy vào. Hậu quả là tạo ra những cơn "sốt" đất ảo, không ít nhà đầu tư đã bị mắc kẹt.

Theo Công an Nhân dân, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng việc tăng giá đất không chỉ do cò đất tung tin, mà còn có hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết nhau ôm hàng, làm giá, tạo sóng, thổi giá, gây "sốt" ảo. Hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản còn tồn tại nhiều bất cập.

Trong khi đó, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam nhận định, dịch bệnh đã tác động đến thu nhập của các nhà đầu tư cá nhân nên sức mua trên thị trường 2 năm qua nhìn chung là thấp. Thị trường đã không còn ở giai đoạn lướt sóng dễ dàng như giai đoạn 2007-2008, thời mà chỉ cần đặt cọc, có phiếu suất mua là đã có chênh, có lời. Bây giờ câu chuyện đầu tư đã khác. Nhà đầu tư lướt sóng cần thận trọng.

“Thời gian qua, những thông tin về quy hoạch, hạ tầng giao thông đã tác động tiêu cực, gây ra các cơn sốt đất. Không phải đường xây xong, mua đất là có lời ngay đâu, yếu tố tăng giá đất còn phải gắn với nhu cầu thực tăng lên của cư dân. Tâm lý bầy đàn trong đầu cơ bất động sản cực kì nguy hiểm. Nhà đầu tư cần nắm bắt thông tin từ cơ quan chức năng để biết đầu tư công, nguồn vốn đầu tư công thế nào để có kế hoạch đầu tư rõ ràng, cụ thể. Dù kì vọng năm 2022 thị trường có sự hồi phục nhưng sự kì vọng sẽ đi cùng sự phục hồi của kinh tế, cần quá trình, sẽ không có chuyện giá bất động sản nhảy vọt trong thời gian ngắn”, ông Khương phân tích.

Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính thì cho rằng, việc giá đất tăng chóng mặt trong những cơn sốt đất là điều bất hợp lý. Theo ông Đính, nếu đầu tư một phần thì giá trị sẽ tăng một phần. Tức là giá trị bất động sản sẽ tỉ lệ thuận với việc đầu tư nhưng trong trường hợp đầu tư 1 mà giá tăng 3 - 4 lần, thậm chí tăng nhiều hơn thì rõ ràng ở đây có sự bất hợp lý.

“Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là nguồn cung khan hiếm trong khi lực cầu thị trường mạnh. Song không ít cầu "ảo" đến từ đầu cơ, không hẳn là cầu thật với nhu cầu ở thực, được đưa vào sử dụng, kinh doanh lâu dài. Các dòng vốn đang chảy vào bất động sản hiện tại chủ yếu vẫn mang tính chất đầu tư tài chính ngắn hạn lấy lãi, đầu tư "lướt sóng". Người đầu tư thật ít tham gia mà phần lớn là cò đất bán đi bán lại qua tay. Điều này tạo ra hiện tượng "nóng, sốt đất" nhưng người mua thật ít. Nhà đầu tư cũng nghe ngóng và rút kinh nghiệm từ đợt sốt đất đầu năm 2021 nhiều người vào theo phong trào và đã chịu lỗ", ông Nguyễn Văn Đính cho hay.

Bạn đang đọc bài viết Lý do thị trường bất động sản khắp nơi đều lên “cơn sốt” tại chuyên mục Bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Bất động sản