Sau phiên giảm điểm mạnh ngày 5/7, thị trường mở cửa phiên giao dịch ngày 6/7 tiếp tục với những diễn biến tiêu cực khi các chỉ số lùi sâu xuống dưới mốc tham chiếu trước áp lực bán mạnh ở hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu.
Trong đó, các cổ phiếu dầu khí ngay khi mở cửa phiên đã chịu tác động xấu nhất khi giá dầu thế giới lao dốc, GAS, PVS, PVD… lần lượt đánh mất mốc tham chiếu. Bên cạnh đó, các cổ phiếu thuộc nhóm bán lẻ, phân bón, thủy sản, năng lượng... cũng đồng loạt giảm điểm, nhiều mã có dấu hiệu giảm sàn.
Diễn biến tiêu cực diễn ra suốt cả phiên sáng ngày 6/7 khi không có nhóm ngành nào dẫn dắt thị trường. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán. Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 12,74 điểm xuống 1.168,55 điểm với hơn 300 mã ghi nhận giảm điểm.
Áp lực bán bị đẩy lên mức rất cao trong phiên chiều và khiến hàng loạt nhóm ngành khác lao dốc như thép, bất dông sản, xây dựng, ngân hàng. Thị trường ngày càng mất nhiều điểm. Ngưỡng kháng cự 1.200 điểm gần như không thể chinh phục trong phiên ngày 6/7.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 31,68 điểm, tương ứng 2,68% xuống 1.149,61 điểm. Toàn sàn có 73 mã tăng, 395 mã giảm và 47 mã đứng giá. HNX-Index giảm 6,02 điểm, tương ứng 2,17% xuống 271,92 điểm. Toàn sàn có 44 mã tăng, 150 mã giảm và 44 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,97 điểm, tương ứng 1,11% xuống 86,22 điểm. Chỉ số đại diện nhóm cổ phiếu trụ VN30 cũng giảm hơn 30 điểm.
Cổ phiếu bán lẻ giảm sàn hàng loạt. FRT, VRE DGW kết phiên trong sắc xanh lơ, MWG cũng giảm 2,29%, PNJ mất 5,5%... Trong đó, VRE nằm trong top những mã tác động tiêu cực nhất đến thị trường.
Cổ phiếu cao su, hóa chất cũng là một trong những nhóm ngành biến động mạnh mẽ từ khi thị trường “rơi tự do" hồi tháng 4 thì nay cũng giảm sàn hàng loạt với các cổ phiếu như DGC, TNC, CSV, DCM…
Nhóm cổ phiếu logistic cũng diễn biến xấu với sắc xanh lơ tại các mã QBS, PVT, HAH, VOS, VPG…
Hay loạt mã đầu cơ cũng lao dốc. FLC sau 9 phiên tăng liên tiếp đã quay đầu giảm điểm. FLC có thời điểm giảm sát giá sàn song kết phiên chỉ mất 3,8%. Các mã khác thuộc “họ FLC" như ROS, HAI, ART, AMD cũng đã bị phủ bóng sắc đỏ. Mã SMA của Thiết bị phụ tùng Sài Gòn cũng kết phiên trong sắc xanh lơ. Hay như NVT cũng giảm sàn. TGG của Louis Capital giảm sát giá sàn. Sắc đỏ cũng phủ lên các mã LDG, HQC, JVC, CEO, TTF...
Cổ phiếu năng lượng, điện cũng không diễn biến khả quan. REE giảm 6,8%, BCG giảm 2,57%, NT2 giảm 3,45% hay POW mất 1,54%... Nhiều mã chứng khoán cũng lao dốc theo đà giảm của thị trường, các mã mất thị giá nhiều nhất có thể kể đến như FTS, VND, CTS, APG, VDS…
Nhưng tác động tiêu cực nhất đến thị trường phải kể đến VIC của Vingroup. VIC đã giảm sát giá sàn trong phiên ngày 6/7 dù chỉ có hơn 2,1 triệu cổ phiếu được sang tay. Thị giá VIC hiện tại đã quay về thời điểm tháng 3/2020. Một cổ phiếu cùng họ là VHM cũng giảm 2,31%.
Nhóm ngân hàng cũng có nhiều mã góp mặt trong danh sách tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán. Một số mã nổi bật là VCB, CTG, BID, VPB… Nhiều mã khác tuy không nằm trong danh sách tác động tiêu cực song vẫn giảm điểm mạnh là MBB, LPB, EIB, HDB, SHB, OCB…
Nhóm thép cũng không có diễn biến tốt. HPG giảm thêm 2% về mốc 21.450 đồng/cổ phiếu. NKG mất 1,07%, POM mất 0,85%, TLH mất 1,31%... Nhóm bất động sản, xây dựng cũng chứng kiến VGC, GEX, VCG, CRE, DXG, FDC… giảm điểm.
Tổng giá trị khớp lệnh đạt 13.387 tỷ đồng, giảm 5% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE đạt 11.093 tỷ đồng, giảm 10,4%. Riêng nhóm VN30 được sang tay 5.300 tỷ đồng.
Khối ngoại xả hàng 4 phiên liên tiếp và phiên hôm nay ghi nhận mức xả hàng mạnh nhất. Khối này giải ngân 1.170 tỷ đồng song bán ra 1.919 tỷ đồng. Tính chung, khối ngoại bán ròng 750 tỷ đồng. Cổ phiếu quỹ FUEVFVND bị bán mạnh gần 220 tỷ đồng, nhiều mã khác bị bán hàng chục tỷ đồng là GAS, VCB, VHM, HPG, MSN, HDB.