Tuy nhiên, việc thanh khoản có phần sụt giảm và có áp lực bán vào phiên ATC cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn rất dễ dao động khi thị trường biến động mạnh”...
Vì đâu VN-Index liên tục "sớm nắng chiều mưa"? |
Áp lực bán ra mạnh mẽ phiên giao dịch đầu tuần mới tiếp tục khiến VN-Index "đỏ lửa". Lực bán ngày càng gia tăng và lan rộng hơn trên thị trường đã đẩy nhiều mã lớn bé lùi sâu hơn dưới mốc tham chiếu. Sau khoảng gần 90 phút giao dịch, số mã giảm điểm trên sàn HOSE đang chiếm hơn gấp đôi số mã tăng, trong đó nhóm VN30 cũng phần lớn mất điểm, đã đẩy VN-Index về dưới mốc 1.210 điểm.
Trái với diễn biến đỏ điểm ở các nhóm cổ phiếu trụ cột, nhóm cổ phiếu thủy sản đồng loạt khởi sắc với nhiều mã tăng mạnh mẽ như ACL tăng kịch trần, AAM, CMX và IDI tăng trên dưới 5%, FMC tăng 3,4%, ASM tăng 2,5%...Thị trường tiêu cực hơn về cuối phiên khi áp lực bán mạnh lan rộng khiến bảng điện tử chìm trong sắc đỏ và chỉ số VN-Index lại cắm đầu lao dốc, thủng mốc 1.200 điểm.
Cuối tuần trước, chốt phiên ngày 17/6, VN-Index giảm 19,33 điểm (-1,56%), một lần nữa đánh mất mốc “siêu cứng” 1.200 điểm với 391 mã giảm, trong đó có 89 mã giảm sàn.
Trước đó, hòa cùng sắc xanh của thị trường tài chính toàn cầu sau quyết định của Fed, VN-Index đã ghi nhận phiên bứt phá (16/6) tăng 22,7 điểm, thậm chí có thời điểm còn tăng vọt tới 30 điểm và được đánh giá có xu hướng ngày càng mở rộng đà đi lên.
Theo quan sát, đây cũng không phải lần đầu VN-Index có diễn biến “trồi sụt thất thường” mà điều này khá thường xuyên, gây cản trở cho việc đầu tư của giới đầu cơ, ngay cả các chuyên gia cũng cảm thấy khó khăn hơn trong việc nhận định thị trường.
Cũng trong phiên 16/5, mặc dù độ rộng thị trường cơ bản nghiêng hoàn toàn về bên mua với sắc xanh áp đảo. Tuy nhiên, dòng tiền chỉ tập trung nhiều vào các cổ phiếu vốn hóa lớn và đây cũng là nhóm tạo lực kéo chính cho các chỉ số.
Cụ thể, đóng cửa, chỉ số Midcap tăng 1,23%, chỉ số Smallcap tăng 0,11%, trong khi đó chỉ số VN30-Index tăng tới 2,18%. Điều này cho thấy rõ ràng là blue-chips đang có sức mạnh vượt trội. Mặt khác, số lượng cổ phiếu tăng giá chung trên sàn HoSE là 298 mã, số giảm 154 mã, không quá áp đảo. Song trong nhóm VN30, chỉ có 2 mã giảm là VIC và SSI, MBB tham chiếu, còn lại đều tăng, trong đó có 3 mã chạm giá trần.
Một điểm đáng chú ý, thị trường vẫn không có lực cầu lớn. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường chỉ duy trì quanh mức 17.500 tỷ đồng. Trong đó, khối lượng khớp lệnh trên HoSE đạt hơn 522 triệu đơn vị, giảm gần 16,7% so với phiên giao dịch trước đó. Khối lượng khớp lệnh trên HNX giảm gần 11%.
Nhận định về phiên 16/5, các chuyên gia cho rằng, phiên tăng điểm mạnh này cho thấy việc dự báo tăng lãi suất trong ngắn hạn của Fed có thể đã phản ứng tiêu cực vào thị trường trước đó, do đó không có tác động quá xấu. Tuy nhiên việc dòng tiền chảy vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cũng như giá trị giao dịch ở mức thấp cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn còn rất thận trọng.
“Lực cầu xuất hiện bắt đáy ngay khi VN-Index quay về vùng hỗ trợ mạnh 1.200 điểm. Tuy nhiên, việc thanh khoản có phần sụt giảm và có áp lực bán vào phiên ATC cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn rất dễ dao động khi thị trường biến động mạnh”, Chứng khoán VCBS nhận định.
Ngược thời gian, trong những phiên tăng mạnh trước đó, như phiên vượt 1.200, 1.500 điểm hay như những phiên kiểm định đáy mạnh mẽ, thị trường cũng ghi nhận điều tương tự xảy ra như một “thói quen”.