phiên này cổ phiếu STB của Sacombank được khối ngoại gom ròng với quy mô lên tới 104 tỷ đồng |
Thị trường chứng khoán mở cửa phiên đầu tháng 8 trong tâm lý hứng khởi của nhà đầu tư và xu hướng tăng được củng cố xuyên suốt phiên giao dịch bằng những nhịp tăng gối đầu. Lâu lắm rồi thị trường mới có một phiên tăng điểm thuyết phục như hôm nay.
Đà tăng mở rộng cộng hưởng với dòng tiền chuyển biến tích cực giúp VN-Index đóng cửa cao nhất phiên và ghi nhận mức tăng hơn 25 điểm (2,07%) lên 1.231,35 điểm. Tương tự, HNX-Index tăng 6,01 điểm (2,08%) đạt 294,62 điểm, UPCoM-Index tăng 0,3 điểm (0,34%) lên 89,91 điểm.
Thanh khoản thị trường bùng nổ sau chuỗi ngày giao dịch ảm đạm. Cụ thể, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt hơn 18.840 tỷ đồng, tương ứng khối lượng khớp lệnh hơn 843,6 triệu đơn vị. Trong đó, giao dịch khớp lệnh trên HOSE đạt hơn 15.235 tỷ đồng, tăng gần 18% so với phiên trước đó.
Thị trường cơ sở – Chỉ số VN-Index |
Phiên này, cổ phiếu ngân hàng tăng điểm thuyết phục khi độ rộng toàn ngành nghiêng hoàn toàn về bên mua, có tới 23/27 cổ phiếu ngân hàng tăng giá, 1 mã giảm và 3 mã giữ giá tham chiếu.
Mã giảm duy nhất là OCB khi “đi lùi” 0,3%, các cổ phiếu còn lại đều ghi nhận phiên giao dịch tích cực.
Ở chiều tăng giá, CTG là mã tăng mạnh ngay từ đầu phiên và nới rộng đà tăng lên 5,5%, trở thành cổ phiếu tăng mạnh nhất toàn ngành. Hiện mã này giao dịch tại mức giá 28.700 đồng/cp cùng khối lượng vượt trội trên 8,6 triệu cổ phiếu.
Tiếp đến là hàng loạt cổ phiếu bluechip có biên độ tăng đáng kể như: BID, MBB, VCB, SHB, TPB, HDB, STB, TCB... và đóng góp không ít vào đà tăng của chỉ số. Nhìn chung, các mã trên sàn HOSE có giao dịch vượt trội hơn hẳn so với các mã trên HNX và thị trường UPCoM.
Cùng với diễn biến chung của thị trường, thanh khoản cổ phiếu ngân hàng cũng tăng cao lên gần 3.720 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu SHB dẫn đầu thanh khoản với hơn 21 triệu đơn vị khớp lệnh, theo sau là các mã STB, VPB, MBB,..
Về khối ngoại, nhà đầu tư nước ngoài bất ngờ mua ròng 250 tỷ đồng nhóm này trong phiên hôm nay, trong đó cổ phiếu STB là tâm điểm với quy mô lên tới 104 tỷ đồng, tương đương 4,2 triệu đơn vị. Tiếp đến là các mã CTG (66 tỷ đồng), VCB (48 tỷ đồng), BID (40,5 tỷ đồng),...
Nhận định chứng khoán ngày 2/8
(CTCK Tân Việt - TVSI): Xu hướng hiện tại của thị trường là hồi phục
Dưới góc độ PTKT thì xung lực hiện tại có thể giúp VN-Index có triển vọng hướng về vùng kháng cự xoay quanh 1.315 điểm (đỉnh của tháng 6/2022). Xu hướng hiện tại của thị trường là hồi phục ngắn hạn với biên kỳ vọng mỏng và rủi ro cao. Do đó, mặc dù các diễn biến gần đây là tích cực hơn thì quyết định gia tăng trạng thái của nhà đầu tư ngắn hạn nên đợi ở các phiên điều chỉnh.
(CTCK Asean - Aseansc): Thị trường sẽ tiếp tục có quán tính tăng điểm
Thị trường hôm nay ghi nhận một phiên tăng điểm khá dưới sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, thép, bất động sản,… nhờ dòng tiền đổ mạnh vào thị trường, đẩy thanh khoản lên cao nhất trong vòng hơn 1 tháng qua. Điều này cho thấy bên mua đang chiếm ưu thế, và xu hướng ngắn hạn trở nên tích cực hơn. Do đó, Aseansc cho rằng, khả năng thị trường sẽ tiếp tục có quán tính tăng điểm để hướng đến các vùng kháng cự cao hơn trong thời gian tới.
Dự báo trong phiên giao dịch tới, chỉ số VN-Index sẽ có quán tính tăng điểm trong phiên sáng để kiểm định vùng kháng cự gần 1.235 – 1.240 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 1.245 – 1.250 điểm. Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao khiến VN-Index có thể sẽ thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày.
(CTCK Vietcombank – VCBS): VN-Index tiến đến khu vực 1.250 – 1.280 điểm
Thanh khoản thị trường được gia tăng đáng kể lên 16 nghìn tỷ với tâm lý tích cực giúp VN-Index tăng mạnh 25 điểm. Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết phiên tạo nến dài tăng điểm vượt thuyết phục vùng kháng cự tiến đến khu vực 1.250 – 1.280 điểm. Bên cạnh đó các chỉ báo như MACD, RSI và DI+ cũng đồng loạt hướng lên cho thấy tâm lý lạc quan cũng như dòng tiền đã trở lại thị trường mạnh mẽ.
VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng với những mã thuộc các nhóm ngành đang thu hút dòng tiền như bất động sản khu công nghiệp, dịch vụ tài chính, ngân hàng. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu thép cũng được lực cầu tham gia mạnh mẽ và có xu hướng breakout khỏi vùng tích lũy, việc giao dịch ngắn hạn lướt sóng với nhóm ngành này cũng có thể được cân nhắc.