Trái phiếu doanh nghiệp cạnh tranh tiền gửi ngân hàng

NHVN 11:55 10/07/2020

Trái phiếu doanh nghiệp đang trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn nhờ lãi suất cao hơn 0,8-1,7% một năm so với lãi suất tiền gửi cạnh tranh nhất.

SSI Research vừa ra báo cáo đánh giá tác động của trái phiếu doanh nghiệp đến lãi suất tiền gửi ngân hàng. Theo nhóm phân tích, nếu loại trừ số trái phiếu doanh nghiệp mà các ngân hàng đang nắm giữ, lượng trái phiếu do nhiều tổ chức phi tín dụng, cá nhân đang sở hữu khoảng 385.000 tỷ đồng. Con số này chiếm 4,2% tổng tiền gửi toàn hệ thống và gần bằng quy mô tiền gửi của Sacombank - ngân hàng có thị phần huy động xếp ngay sau Vietinbank.

Tính từ đầu năm 2020, nhà đầu tư cá nhân đã mua trực tiếp gần 22.700 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp, tương đương 15% tổng lượng phát hành và cao hơn mức trung bình gần 10% của năm 2019. Theo SSI Research, dù nhỏ bé nhưng mức độ tham gia của nhà đầu tư cá nhân vào thị trường này đang tăng khá nhanh.

Các doanh nghiệp phát hành nhiều như Sovico, VinFast, Vincommerce, Masan đang được phân phối mạnh cho các khách hàng cá nhân trên thị trường thứ cấp.

Báo cáo nhận xét, rõ ràng trái phiếu doanh nghiệp đang hút một lượng tiền đáng kể từ các kênh đầu tư khác, trong đó trực tiếp nhất là kênh tiền gửi do có cùng tính chất là các khoản đầu tư có thu nhập cố định.

Sức hấp dẫn của kênh này đến từ mức lãi suất cạnh tranh. So với lãi suất tiền gửi, lợi tức trái phiếu doanh nghiệp cao hơn 0,8-1,7%. Do mức giãn cách của lãi suất tiền gửi giữa các nhóm ngân hàng rất rộng, nhiều ngân hàng nhỏ huy động với lãi suất cao hơn nhóm "Big 4" Nhà nước 1-2%. Bởi vậy, nếu so với lãi suất tiền gửi của các ngân hàng lớn, lợi tức trái phiếu có thể cao hơn 1,8-4%.

Yếu tố về kỳ hạn cũng được giải quyết với các cam kết từ phía trung gian như ngân hàng, công ty chứng khoán khi nhà đầu tư có nhu cầu thoái vốn. Các kỳ hạn nắm giữ có thể chia nhỏ đến từng tháng.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận kênh đầu tư này hiện nay cũng dễ dàng hơn thông qua các quầy giao dịch, đặt lệnh mua qua tài khoản chứng khoán, thậm chí chức năng này còn được tích hợp vào tài khoản ngân hàng điện tử. Các lô trái phiếu có thể tách nhỏ đến từng triệu đồng để phù hợp với nhu cầu từng khách hàng.

Mặc dù vậy, SSI Research cũng cảnh báo lợi nhuận thường đi kèm với rủi ro. Sở hữu trái phiếu đồng nghĩa với việc nhà đầu tư trở thành chủ nợ của tổ chức phát hành và sẽ đối mặt với các rủi ro về mất khả năng thanh toán.

"Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về năng lực của tổ chức trung gian phân phối trong việc thực hiện cam kết mua lại trước hạn trái phiếu và mức phí phải chịu", báo cáo viết. Trong nhiều trường hợp, mức phí bán lại trái phiếu trước hạn có thể ăn mòn hết phần chênh lệch với lãi suất tiền gửi.

Gần đây, Bộ tài chính tiếp tục khuyến cáo nhà đầu tư cá nhân cần cẩn trọng khi quyết định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Đây là lần cảnh báo thứ hai trong ba tháng gần đây.

Theo đó, Bộ tài chính khuyến nghị chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu và cân nhắc kỹ lưỡng về các rủi ro có thể gặp phải, nhà đầu tư nhất là nhà đầu tư cá nhân mới nên mua trái phiếu, không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, vì có khả năng không thu hồi được khoản tiền đầu tư trái phiếu (bao gồm cả gốc và lãi) nếu doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn.

Bộ Tài chính cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát trên cơ sở đó xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp.

Theo TheLEADER

Link gốc : https://theleader.vn/trai-phieu-doanh-nghiep-canh-tranh-tien-gui-ngan-hang-1594283285265.htm

Bạn đang đọc bài viết Trái phiếu doanh nghiệp cạnh tranh tiền gửi ngân hàng tại chuyên mục Chứng khoán. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 - 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Chứng khoán